Địa điểm mới

Ước mơ họa sĩ của những cậu bé tự kỷ

Địa điểm giải trí uoc-mo-hoa-si-cua-nhung-cau-be-tu-ky Ước mơ họa sĩ của những cậu bé tự kỷ Thông tin

Tháng 12/2021 khép lại một năm thành công của cậu bé Trần Nam Long, 17 tuổi, với giải Nhất cuộc thi vẽ tranh dành về chủ đề “Quyền đi học của người khuyết tật”.

Hai tác phẩm “Mình muốn được như anh ấy” và “Cùng bạn” thể hiện khao khát được đi học, để trẻ khuyết tật giống bao trẻ em khác… được giải Nhất duy nhất của khu vực Hà Nội. Trước đó, tháng 9/2021, năm bức tranh khác của của Nam Long, gồm bốn bức phong cảnh và một bức vẽ về mẹ đã đại diện cho Việt Nam dự triển lãm mỹ thuật dành cho người khuyết tật tại Italy.

Đó là những món quà mà chị Phùng Hiếu, mẹ của cậu bé câm điếc bẩm sinh và mắc chứng tự kỷ nặng từ năm một tuổi không ngờ có ngày nhận được từ con trai mình.

Địa điểm giải trí anh-2-2274-1648826672 Ước mơ họa sĩ của những cậu bé tự kỷ Thông tin

Hà Nội trong tranh Trần Nam Long, lớp 8A , khoa khiếm thính, trường Cao đẳng sư phạm Trung ương. Đây cũng là một trong 5 bức tranh của Long được gửi đi dự mỹ thuật dành cho người khuyết tật tại Italy, năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Hiếu kể, hơn chục năm trước, sau trận viêm phổi nặng phải uống kháng sinh liều cao, Long không còn phản ứng với âm thanh xung quanh. Đi khám, bác sĩ kết luận cậu bị điếc. Lên hai tuổi, cậu chỉ ú ớ trong cổ họng, thích chạy trên đầu mũi chân và nằm dài dưới sàn nhà. Mỗi lần nghe tiếng mẹ ru, cậu bé chỉ cười khành khạch, nằm trên giường vật vã rất lâu mới chìm vào giấc ngủ. Thấy con không bình thường, chị Hiếu đưa con đi khám. Bác sĩ kết luận cậu bị tự kỷ thể tăng động.

Để con được đi học, người mẹ gửi con vào trường dành cho trẻ câm điếc ở quận Thanh Xuân. Chị Hiếu chuyển sang làm giúp việc theo giờ để có thời gian đưa Long tới trường, kèm học vào buổi tối.

Sau bữa cơm, ngày nào Long cũng được dạy cách hút hết một hộp sữa hay thổi những cuộn giấy mỏng vo tròn để trên bàn. Để con học cách giao tiếp bằng mắt, cậu bé cũng thường xuyên được mẹ bế trên tay nói chuyện với chiếc gương. Cần mẫn như vậy, sau một năm, Long biết nhìn người đối diện khi nói chuyện và biết cười khi mẹ trêu đùa.

Năm Long ba tuổi, chị Hiếu phát hiện con có năng khiếu vẽ khi có thể phác họa lại những gì ghi nhớ trong đầu trên đường đi học về. Từ đó, cứ cuối tuần, hai mẹ con lại đưa nhau đi khắp nơi vẽ ngoại cảnh.

Tháng 10/2016, khi kinh tế tạm ổn, Long được mẹ đưa đến học tại một trung tâm mỹ thuật. Nhưng được đúng một buổi thì bố mất đột ngột do tai nạn giao thông. Gánh nặng kinh tế dồn lên vai mẹ, Long đành ở nhà.

Nhưng cậu bé vẫn háo hức được học vẽ, ngày nào cũng đứng trước cửa hỏi mẹ, bao giờ được trở lại lớp mỹ thuật. Nhìn khuôn mặt háo hức, chờ đợi của con, chị Hiếu đau lòng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, một ngày cuối tuần, chị dắt con ra bến xe buýt, bắt xe đến trung tâm mỹ thuật. Hôm đó vừa tròn bốn tháng sau ngày chồng mất.

Địa điểm giải trí nam-long-1-9607-1648826672 Ước mơ họa sĩ của những cậu bé tự kỷ Thông tin

Trần Nam Long, 17 tuổi, trong một lần đi vẽ dã ngoại tại ngoại thành Hà Nội, năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tháng 11/2016, cô giáo cũ gọi điện thông báo về cuộc thi vẽ dành cho thiếu niên mang tên “Cảm xúc trong em“. Chị Hiếu gửi hai bức tranh của con đến cuộc thi. Bức tranh về phố cổ Hà Nội của Long sau đó giành giải đặc biệt và được bán đấu giá 100 triệu đồng, ủng hộ một quỹ từ thiện cho trẻ em. Một thành viên ban giám khảo nhận xét “Tư duy của cậu bé này không giống một đứa trẻ mà là một người trưởng thành”, đồng thời nhận dạy miễn phí cho Long.

Trong 7 tháng liên tục, tuần 4-5 buổi, cứ chiều đến chị Hiếu lại chở con trai đến xưởng học vẽ của thầy. Lần đầu được biết đến toan và cọ, cậu bé 11 tuổi như được trở về thế giới của riêng mình. Thay vì dùng bút để căn tỷ lệ thì Long hoàn toàn tưởng tượng. Cậu thường dùng bàn tay vẩy khắp mặt toan rồi mới đặt bút. “Đó là con đang sắp đặt mọi hình ảnh trên khung hình trước khi vẽ”, người mẹ nói.

Từ khi con trai bước vào hội họa chuyên nghiệp, chị Hiếu tích cực tham gia vào các hội nhóm mỹ thuật để Long được học hỏi thêm. Hiện cậu bé 17 tuổi đang là thành viên của nhóm chuyên vẽ ngoại cảnh phố cổ Hà Nội gồm những họa sĩ và kiến trúc sư nổi tiếng. Năm 2018, tranh của Long được nhóm chọn để gửi dự thi và giành được một vị trí trong triển lãm “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội”.

Cuối tháng 3/2020, trong cuộc đấu giá tranh ủng hộ chính phủ chống dịch Covid-19, Long đã tham gia bằng bức tranh về phố cổ Hà Nội có tên “Biệt thự 39 Tô Hiến Thành“. Cuối buổi, bức tranh vẽ từ màu acrylic đã được một người giấu tên mua với giá 25 triệu đồng. Một nửa số tiền đã được gửi vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số còn lại được chị Hiếu dành cho chi phí phẫu thuật ghép xương cho Long. Tháng 6/2021, Long tiếp tục mổ lần ba do bị liệt cơ và thiếu xương bẩm sinh. Sau ba lần phẫu thuật, giờ cậu có thể tự đi lại được mà không bị đuối sức như trước.

Là học sinh lớp 8 khoa khiếm thính trường Cao đẳng sư phạm nghệ thuật Trung ương, hiện Long có ước mơ mở một triển lãm tranh cá nhân từ 150 bức tranh đã hoàn thiện. Chủ đề yêu thích của cậu là về kiến trúc, đặc biệt vẽ phố cổ Hà Nội.

“Em mong sau này trở thành một họa sĩ, kiếm được nhiều tiền để mẹ bớt vất vả”, Long dùng ký hiệu tay giải thích.

Có cùng ước mơ trở thành họa sĩ giống Nam Long, cậu bé lai Việt- Hàn Lee Nguyễn Sae Hae đã đạt nhiều giải thưởng vẽ tranh trong nước. Sae Hae cũng là cậu bé mắc chứng tự kỷ.

Mọi biểu hiện bất thường của Sae Hae bắt đầu từ 20 tháng tuổi khi cậu thích chạy lao đầu về phía trước và thờ ơ với mọi thứ, cũng không biết giao tiếp bằng mắt. Khi con được chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ, chị Anh Vân-mẹ Sae Hae- bắt đầu hành trình đồng hành cùng con.

Sáu tháng học tại các trung tâm can thiệp chuyên biệt, nhưng Sae Hae không một chút tiến triển, ngày nào cũng khóc ngằn ngặt. Để con được hòa nhập với bạn bè, chị Vân xin cho cậu bé vào một trường mầm non bình thường. Sáng học hòa nhập ở trường mầm non thường, chiều can thiệp theo giờ ở trung tâm chuyên biệt, tối lại đến nhà cô dạy cá nhân. Hàng ngày để kịp các buổi học, hai mẹ con thường mang cơm tối ăn trên đường, thay vì lái xe về nhà.

Con trai không biết nói, cũng không thể phân biệt được những khái niệm đơn giản, người mẹ tự tìm ra cách dạy riêng. Chị dùng trực quan để con phân biệt được từ trái nghĩa. Ví dụ giữa “có” và “không”, người mẹ bày đồ vật ra trước mặt rồi lại giấu đi. Để con giao tiếp được bằng mắt, chị Vân đeo mặt nạ để tạo sự chú ý. Đồ chơi yêu thích của con cũng được dùng làm giáo cụ, đưa thẳng rồi sang ngang sang dọc nhằm tạo sự chú ý cho đôi mắt. Cần mẫn như vậy, khi Sae Hae 32 tháng mới bật được tiếng nói đầu tiên.

Năm con trai bốn tuổi, chị Vân phát hiện cậu con út rất thích vẽ nguệch ngoạc trên giấy. Người mẹ quyết định tìm trung tâm dạy vẽ nhưng không nơi nào nhận bởi Sae Hae không ngồi yên được lâu. Sau cùng có cô giáo mỹ thuật của một trường tiểu học gần nhà nhận cậu bé làm học trò.

Địa điểm giải trí be-va-me1-9306-1648826673 Ước mơ họa sĩ của những cậu bé tự kỷ Thông tin

Chị Anh Vân và Sae Hae trong triển lãmThế giới song song, hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ, tổ chức ngày 28/3/2021 tại Viện Goethe. Sae Hae là một trong 6 “nghệ sĩ trẻ” có tác phẩm trưng bày. Ảnh:Nhân vật cung cấp

Sau 6 năm, hội họa trở thành một phương thức giao tiếp của Sae Hae với thế giới. Cậu bé thường vẽ theo chủ đề mình thích và nghiên cứu sâu về sâu lĩnh vực nào đó. Có thời kỳ thích hoa lá, cây cỏ, Sae Hae tìm hiểu và vẽ hàng chục loài hoa. Có đợt lại thích các dụng cụ âm nhạc nên vẽ các loại đàn, kèn, sáo. Một dạo, con vẽ cờ của hơn 50 quốc gia trên thế giới. Hiện cậu thích vẽ hoạt hình từ những nhân vật ngộ nghĩnh do chính mình nghĩ ra.

Tranh của Sae Hae được in trên các sản phẩm khăn, váy, sổ, túi… của doanh nghiệp xã hội Tò he. Cậu cũng giành được nhiều giải nhất, nhì vẽ tranh ở trường giải ba của quận Nam Từ Liêm và có tranh treo ở triển lãm Vân Hồ trong cuộc thi vẽ tranh quốc gia năm 2021.

Không chỉ yêu thích vẽ tranh, Sae Hae còn rất thích học tiếng Anh và nấu ăn. Hàng ngày, cậu đều dậy sớm tự nấu bữa sáng cho mình với những món tủ như bánh mỳ sandwich, trứng ốp hoặc cơm rang. Thay vì phải có mẹ ngồi học kèm, giờ Sae Hae có thể tự học và làm bài tập một mình. “Con cũng thuộc nhóm học ổn trong lớp”, chị Vân nói.

Đã bảy năm kể từ khi học vẽ, trong căn phòng riêng ngoài bàn học và giường ngủ còn được lấp đầy bởi hàng trăm bức tranh đa dạng thể loại. Dù là cảnh hay người, tĩnh vật hay cuộc sống nhộn nhịp, tranh của Sae Hae vẫn luôn rực rỡ màu sắc, tràn đầy sự tươi mới như tâm hồn cậu bé 11 tuổi.

Hiền Dương