Anh Đoàn Phước Trường, một người Việt mê du lịch, vừa thực hiện chuyến đi 9 ngày vào dịp Tết Trung thu tới Mông Cổ qua 5 tỉnh thành, bắt đầu từ thủ đô Ulaanbaatar đi về hướng tây, ngang qua cố đô Hòa Lâm và cuối cùng là sa mạc Gobi.
Tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi này từ 3 năm trước nhưng vì đại dịch nên giờ ước mơ mới thành hiện thực. Tôi rất mừng vì được trải nghiệm cuộc sống du mục của người địa phương bằng nhiều phương tiện di chuyển khác nhau như xe buýt, ôtô, xe máy, xe địa hình, cưỡi ngựa, lạc đà và bò Tây tạng (Yak), đặc biệt nhất là đi theo đúng tuyến đường “Con đường tơ lụa” ngày xưa. Đây cũng là quốc gia thứ 52 tôi chinh phục, đúng dịp đặc biệt là sinh nhật, ngày 19/9.
Tôi khởi hành từ Ulaabaatar (hay còn gọi là UlanBator), một trong những thủ đô lạnh nhất thế giới. Người dân Ulaanbaatar sống trong các căn chung cư với tường được xây dày 30 cm, bên trong có hệ thống sưởi để hạn chế cái lạnh âm 40 độ C vào mùa đông. Nhìn từ ngọn đồi Zaisa, thủ đô Ulaanbaatar (có nghĩa là Anh hùng đỏ) như nằm lọt thỏm trong một thung lũng ở độ cao khoảng 1.300 m.
Một trong những điểm thu hút khách du lịch tại đây là bức tượng cưỡi ngựa của Thành Cát Tư Hãn cao 40 m, nặng 250 tấn làm từ thép không gỉ. Nơi đây theo truyền thuyết, ông đã tìm thấy một cây roi vàng. Bên trong tượng có thang máy đưa du khách đi lên phần đầu ngựa để ngắm nhìn toàn cảnh thảo nguyên.
Quảng trường Sukhbaatar, trước đây là Quảng trường Thành Cát Tư Hãn, nằm ở trung tâm thủ đô, được đặt theo tên của người anh hùng cách mạng Mông Cổ Damdin Sükhbaatar. Đây cũng là nơi tổ chức các nghi lễ truyền thống, các lễ hội âm nhạc, nơi người dân thành phố đến ca hát, vui chơi, nhảy múa và đạp xe. Quảng trường rộng hơn 3 hecta, được xây bằng những khối đá cẩm thạch màu trắng với điểm nhấn là là bức tường đồng Thành Cát Tư Hãn ngay ở vị trí trung tâm, phía sau chính là Tòa nhà Quốc hội.
Ngựa, bò Yak và lạc đà được dùng làm phương tiện vận chuyển chính trong mỗi gia đình sống bằng nghề du mục. Người Mông Cổ còn có một loại thức uống yêu thích có tên “Airag”, chính là sữa ngựa. Sau khi được vắt, sữa được lên men với độ cồn nhẹ, giàu vitamin và khoáng chất nhưng không dễ uống với du khách. Đối với Mông Cổ con ngựa là đầu cơ nghiệp: sữa ngựa làm phô mai, yaourt, nấu bia, thức uống thay nước. Phân ngựa là thức đốt để nấu ăn và sưởi ấm. Xương ngựa chiết xuất thành cao được thế giới ưa chuộng. Thực phẩm chính là 4 loại thịt bò, cừu, dê, trong đó đặc biệt nhất chính là thịt ngựa.
Chưa bao giờ trong cuộc đời mình tôi lại ăn nhiều thịt chỉ trong một bữa ăn như vậy. Những bữa ăn chỉ toàn thịt bò, dê, cừu, ngựa. Thịt gà và heo cũng được đưa vào thực đơn nhưng hải sản thì rất đắt và hiếm vì Mông Cổ không có sông và biển.
Đi xa ra ngoại ô khoảng 5 giờ xe buýt mới đến được thảo nguyên. Tôi đã thử cảm giác cưỡi ngựa, lạc đà và bò, tận mắt chứng kiến những đàn dê, đàn cừu lên đến cả vài nghìn con thong dong ăn cỏ và nô đùa. Mông Cổ vào thu như một bức tranh vàng rực, đẹp nhẹ nhàng, yên bình và dịu mát.
Đến Mông Cổ vào những ngày giữa tháng 9 này, du khách còn được chứng kiến một trong những cuộc di cư lớn nhất năm của người dân du mục, cuộc đại di cư mùa thu khi thảo nguyên đã bắt đầu chuyển sang màu vàng úa. Theo thứ tự đàn ngựa dẫn đầu, tiếp đến là bò kéo theo những cỗ xe gỗ chở đồ, lạc đà thồ lương thực, quần áo, chăn đệm, cỏ khô tích trữ cho mùa đông. Khó khăn nhất là lùa đàn bò, dê và cừu đi theo đúng hướng bằng xe máy. Chạy cuối cùng là xe ôtô phía trong chở trẻ con và phụ nữ, còn trên mui chất các khung lều, cột chống, bạt phủ…
Lều Ger (Yurt) được dựng lên từ những khung gỗ đan hình lưới, được phủ những tấm bạt chống thấm nước và những lớp da cừu chống lạnh. Các chất liệu dựng lều khá nhẹ để có thể vận chuyển nay đây mai đó. Những túp lều bên ngoài màu trắng, bên trong được trang trí khá nhiều hoa văn, màu sắc sặc sỡ sẽ được tháo dỡ trong khoảng từ 1 đến 2 tiếng khi di cư.
Người Mông Cổ ngày nay có xe tải kéo theo lều trong đó có tủ đông đựng nhiều loại thịt, tivi đời mới kết nối ăng ten chảo không dây, bếp gas, điện thoại di động mạng 5G, pin năng lượng mặt trời, cùng với đàn gia súc vài trăm con, đi lang bạt trên thảo nguyên. Một gia đình du mục trên đường đi mời chúng tôi ăn phô mai và uống rượu lên men từ sữa bò. Sự hiếu khách của họ rất dễ mến và trân trọng. Chúng tôi tặng họ lại bánh kẹo, chứ họ không nhận tiền mặt.
Nhìn từ phía bên ngoài, những túp lều không khác gì lều truyền thống của dân du mục thực sự, được làm bằng khung gỗ, lợp da cừu và phủ bạt trắng. Bên trong đầy đủ tiện nghi như một phòng khách sạn có giường nệm, chăn bông, thảm sàn, nhà vệ sinh, máy lạnh, máy sưởi, tủ lạnh, tivi, phòng tắm có vòi sen nóng lạnh, tủ quần áo, bàn ghế, ấm điện đun nước và kể cả máy sấy tóc, dép đi trong phòng…
Buổi tối nằm trong lều nhìn lên trời qua nóc lều hình mặt trời ngắm trăng đúng ngay ngày rằm Trung thu vừa qua, cảm nhận được cái lạnh về đêm giữa thảo nguyên là một kỷ niệm đáng nhớ sau 3 năm chờ đợi. Đặc biệt hơn, vào mùa thu, 20h trời mới bắt đầu hoàng hôn, tạo nên một bức tranh đồng cỏ nhiều màu sắc từ xanh, vàng, nâu, đỏ đến tím rất ngoạn mục.
Giữa thảo nguyên, Mông Cổ còn ôm trọn sa mạc Gobi, những cồn cát khổng lồ, những ốc đảo đẹp và núi đá hùng vĩ tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động, khiến bao bước chân rong ruổi trên “con đường tơ lụa” huyền thoại. Gobi trong tiếng Mông Cổ là “vùng đất không có nước”. Cái tên đã mô tả phần nào sự khắc nghiệt ở đây, khi mùa hè thời tiết lên đến 40 độ C còn mùa đông thì hoàn toàn trái ngược, âm 40 độ C.
Cưỡi lạc đà băng qua những đụn cát sa mạc, ngắm hoàng hôn, dùng bữa với các món ăn địa phương và chìm vào giấc ngủ khi những ngôi sao như sa xuống là kỷ niệm tuyệt vời nhất. Đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng trên “con đường tơ lụa” ngày xa xưa hơn 1.500 km đi qua 5 tỉnh thành theo dấu chân của những những người thương nhân băng qua những thảo nguyên, hoang mạc rộng lớn.
Mông Cổ ngày nay vẫn du mục và người ta tự hào vì nếp sống du mục này. Đi Mông Cổ là một chuyến đi gian nan, cần chuẩn bị hành trang, kỹ năng cũng như sức khỏe để hòa mình vào cuộc sống du mục. Tôi ấn tượng mạnh bởi con người và thiên nhiên Mông Cổ. Người du mục đặc biệt thân thiện và hiếu khách. Họ cho rằng hạnh phúc và giàu có là có nhiều khách ghé thăm. Tôi luôn cảm thấy ấm áp từ những nụ cười chào đón trên khắp các thảo nguyên. Thậm chí họ sẵn sàng mời du khách nghỉ đêm lại và thiết đãi những bữa ăn dân dã ấm cúng.
Mùa du lịch Mông Cổ bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó mùa đẹp nhất và cao điểm là mùa thu tháng 9 khi các đồng cỏ bắt đầu chuyển màu từ xanh sang vàng và thời tiết mát dịu. Tôi sẽ nhớ mãi chuyến đi này bởi sau 3 năm ở nhà vì đại dịch, đi để biết thêm nhiều cái mới, học thêm nhiều cái độc đáo, để giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia và để có thêm những người bạn mới.
Những lưu ý khi du lịch Mông Cổ
Nên đổi tiền ngay ở sân bay Thành Cát Tư Hãn (1 USD = 3.200 Turuk Mông Cổ). Đổi tiền cần xuất trình hộ chiều.
Đa số người dân địa phương và các bảng hiệu đường phố không sử dụng tiếng Anh nên việc giao tiếp khá khó khăn. Chữ viết hiện đại giống tiếng Nga, nhưng phát âm và ngữ điệu nghe lại khá giống tiếng Hàn Quốc. Ai biết tiếng Nga có thể đọc và hiểu chút ít vì phiên âm giống nhau.
Mông Cổ lưu hành cả hai loại xe ôtô tay lái thuận và nghịch cho dù luật giao thông bên phải, tay lái ôtô bên trái. Người đi bộ qua đường cần phải lưu ý.
Phương tiện giao thông công cộng tại thủ đô chỉ có duy nhất xe buýt thanh toán tự động, không có taxi nên rất khó khăn cho du khách. Đa số người dân đã chuyển sang hình thức trả tiền qua điện thoại di động hay thẻ ngân hàng nên mọi người cũng có thể dùng thẻ tín dụng mang theo từ Việt Nam.
Việt Nam và Mông Cổ chưa có đường bay thẳng nên du khách từ Việt Nam thường phải quá cảnh ở sân bay Incheon (Hàn Quốc). Tổng thời gian của hai chặng bay và nối chuyến khoảng 12 tiếng.
Mông Cổ mở cửa trở lại từ tháng 4, với đa phần là khách Nga và Hàn Quốc. Quy trình xin visa và nhập cảnh khá đơn giản. Hồ sơ gửi Đại sứ quán Mông Cổ ở Hà Nội kèm 2 ảnh 4×6 cm, phông trắng. Khách du lịch phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm 2 mũi vaccine gần nhất vì Mông Cổ vẫn giữ quy định đeo khẩu trang nơi công cộng và không gian kín.
Đoàn Phước Trường
Ảnh: Lý Văn Khương