Hà NộiNhiều gia đình sẵn sàng chi chục triệu đồng mỗi tháng để gửi thú nuôi đi học bán trú theo mô hình nhà trẻ, ăn uống theo chế độ và hưởng các dịch vụ cao cấp.
7 giờ sáng, vợ chồng chị Vũ Ngọc Minh Hà, quận Tây Hồ, đưa Xe Đạp, chú chó giống Samoyed, nặng hơn 30 kg, đến nơi gửi trên đường Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ, chiều tan làm quay về đón.
Đây là năm thứ ba, người phụ nữ 27 tuổi sử dụng dịch vụ nhà trẻ thú cưng (Doggy Daycare), từ thứ 2 đến thứ 6. Phần lớn thời gian vợ chồng chị Hà tự đưa Xe Đạp đến trường, chỉ khi bận sẽ nhờ nhân viên của trung tâm đưa đón tận nhà.
“Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, để cún ở nhà một mình lo con bị căng thẳng, buồn bã vì không có người chơi, lâu dần mất kỹ năng giao tiếp xã hội hoặc phá phách đồ đạc trong nhà”, chị Hà nói và tiết lộ thêm, mỗi tháng chi trung bình 10-12 triệu đồng cho dịch vụ này.
Mỗi ngày đến nhà trẻ, Xe Đạp được nhân viên phụ trách cho ăn sáng, đi bơi, tắm tráng bằng nước sạch sau sấy khô lông, ăn trưa, nghỉ ngơi, ăn bữa phụ, đi dạo ở công viên trước khi gia đình đón về. Theo các nhân viên đánh giá, dù lớn gần nhất lớp nhưng Xe Đạp rất hòa đồng, nghe lời, có tính kỷ luật cao, biết đi vệ sinh đúng chỗ do từng học khóa huấn luyện thú tại trung tâm đào tạo ở huyện Gia Lâm.
Nhà trẻ dành cho cún cưng là dịch vụ chăm sóc vật nuôi trong ngày, dành cho các gia đình bận rộn, không có thời gian trông nom, chăm sóc vật nuôi. Mô hình Doggy Daycare đầu tiên xuất hiện tại New York (Mỹ) vào năm 1987, lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, đặc biệt phổ biến ở các nước phát triển.
Ở Việt Nam, dịch vụ này mới xuất hiện khoảng 5 năm trước và nhanh chóng được nhiều gia đình lựa chọn. Thông thường, chi phí gửi thú cưng từ 4-5 triệu đồng mỗi tháng.
Anh Tạ Quốc Hải, 29 tuổi, chủ một trung tâm chuyên cung cấp các dịch vụ trông giữ và chăm sóc cún cưng ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, đơn vị thành lập từ năm 2017, là cơ sở đầu tiên tại Hà Nội cung cấp dịch vụ nhà trẻ cho thú cưng chuyên nghiệp, theo mô hình tiêu chuẩn ở Australia.
Nhà trẻ gồm 4 tầng, chia làm 6 khu vực, mỗi nơi có diện tích trên 50 m2. Trong đó, hai khu vực làm không gian sinh hoạt chung cho chó, hai khu vực được thiết kế riêng của mèo, ngoài ra còn khu chăm sóc, cắt tỉa lông, nơi vui chơi và bể bơi ngoài trời.
Thời gian đầu, đơn vị cung cấp các dịch vụ chăm sóc tại nhà, gồm chăm sóc sức khỏe, cho chó và mèo ăn, đưa vật nuôi đi bộ, sau mở thêm spa và khách sạn cho thú cưng. Đến năm 2019, anh Hải mở các lớp trông giữ chó hàng tháng với 10 nhân viên, khi nhu cầu gửi theo ngày lớn.
Hiện, cơ sở của anh nhận trông giữ chó từ ba tháng tuổi, đã tiêm phòng đầy đủ. Thú cưng khi dùng dịch vụ sẽ có hồ sơ riêng, ghi chi tiết thói quen ăn uống, đặc điểm tính cách để nhân viên dễ dàng tiếp cận và chăm sóc.
“Cún cũng giống như trẻ nhỏ, khó nhất là ngày đầu đến lớp, chúng có thể khó chịu vì gặp người lạ hoặc bị cô lập với các bạn mới. Nhân viên phải có kinh nghiệm, dựa vào hồ sơ để có cách tiếp cận phù hợp. Vượt qua 3-5 ngày đầu, thú cưng quen lớp, quen bạn, việc đến trường dễ dàng hơn”, người quản lý cho hay.
Ngoài trông giữ, trung tâm có các huấn luyện viên hỗ trợ dạy thú cưng đi vệ sinh đúng chỗ, hướng dẫn ăn uống trong bát đúng cách, học các lệnh giao tiếp, dạy ngồi trên xe máy hoặc cung cấp dịch vụ đưa đón cún tận nhà khi chủ bận. Thú cưng nhỏ có thể đặt trong túi chuyên biệt, chở đến trường bằng bằng xe máy. Cún lớn hơn có thể sử dụng ô tô để đảm bảo an toàn khi vận chuyển.
Hiện mức giá trông giữ tại trung tâm của anh Hải dao động từ 150.000 đồng đến 350.000 đồng mỗi ngày, tùy cân nặng. Riêng yêu cầu huấn luyện kỹ năng mới, làm đẹp hoặc đưa đón riêng sẽ tính phí riêng.
Số người mạnh tay chi tiền cho thú cưng như Hà không ít. Hiện lớp trông chó theo mô hình bán trú của anh Hải có gần 50 “học viên” gửi cố định, đa phần là chó nhỏ. Vào dịp nghỉ lễ, lượng thú nuôi gửi có thể lên đến 100 con. “Khách gửi đa phần là người nước ngoài, chủ nhân người Việt đến gửi chiếm 30%, nhưng có xu hướng gia tăng nhanh”, anh Hải nói.
Nhiều chủ cơ sở dịch vụ chăm sóc thú cưng nhận định xu hướng “Pet Humanisation” (nhân hóa thú cưng) tại Việt Nam ngày càng nở rộ. Chủ nhân coi vật nuôi như thành viên trong gia đình, tạo dựng chế độ ăn uống, hưởng lối sống và các dịch vụ chăm sóc đặc biệt. Đây cũng là một trong những lý do các cơ sở trông giữ, chăm sóc thú cưng ngày càng được đón nhận.
Chị Trần Hà Thu, 36 tuổi, quản lý tiệm chăm sóc cho mèo tại đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ cho biết, xu hướng cho cún đi nhà trẻ sẽ ngày càng đa dạng, phát triển do nhu cầu gia tăng, nhưng vẫn cần thời gian để các cơ sở đầu tư về không gian sinh hoạt chung, khu sân chơi, bể bơi…
Hiện cả ba cơ sở ở Hà Nội, Sài Gòn và Biên Hòa của chị Hà, mỗi nơi có khoảng 20 thú cưng gửi hàng tháng, giá dao động từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi ngày, tùy cân nặng.
Với chị Vũ Ngọc Minh Hà, dịch vụ nhà trẻ thú cưng đáp ứng được mọi yêu cầu của gia đình bởi vật nuôi được ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, vận động liên tục thay vì nằm ủ rũ ở nhà chờ chủ đi làm về. Chưa kể, mọi hoạt động trong ngày của Xe Đạp được nhân viên cập nhật liên tục hoặc chủ tự theo dõi trực tiếp qua hệ thống camera lắp đặt quanh lớp học.
“Bất kỳ triệu chứng khác lạ của cún như ho sốt, mệt mỏi hay chán ăn đều được nắm bắt và thông báo với gia đình. So với các dịch vụ khác, mức giá ở đây nhỉnh hơn nhưng bù lại tôi nhận được sự an tâm. Các nhân viên chăm sóc vật nuôi và khách hàng rất kỹ lưỡng, tận tình”, nữ khách hàng nói.
Minh Hà thừa nhận, nhiều người nói rằng việc gửi chó đến các lớp trông giữ có phần thái quá, thậm chí đắt hơn tiền cho trẻ học mẫu giáo tư nhân. “Đắt nhưng đáng. Vợ chồng tôi có thể yên tâm đi làm mà không lo việc cún cưng ở nhà”, cô gái 27 tuổi nói và cho biết từ ngày đi học Xe Đạp trở nên vui vẻ, được hoạt động giải tỏa năng lượng, nghe lời và ứng xử tốt hơn.
Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, vợ chồng chị Minh Hà khẳng định sẽ tiếp tục gửi Xe Đạp đến lớp. “Không chỉ riêng tôi, rất nhiều người nuôi cún đã và đang coi chúng như con, mong vật nuôi hưởng điều kiện sống tốt nhất để chủ an tâm làm việc”, chị bộc bạch.
Quỳnh Nguyễn