Các chuyên gia tâm lý chia sẻ trên eBox cho rằng gia đình và nhà trường là hai thành tố quan trọng giúp trẻ em phòng tránh hay vượt qua trầm cảm.
Tham gia chuyên đề đầu tiên của eBox về chủ để trầm cảm, diễn viên Nguyễn Lâm Thảo Tâm đã chia sẻ câu chuyện về trải nghiệm của chính bản thân trong giai đoạn vị thành niên, khi cô phải đối mặt với nhiều áp lực của việc học hành cũng như mối quan hệ với bạn bè xung quanh.
Thảo Tâm cho biết, trong khoảng một năm rưỡi, từ đầu năm lên 9 đến cuối năm học lớp 10, cô trải qua giai đoạn stress nặng nề khi vừa phải thi chuyển cấp, vừa nhạy cảm với ánh nhìn với bạn cùng lớp. “Đó là cảm giác như rơi vào hố đen, không cảm thấy bất cứ điều gì hạnh phúc, không chia sẻ được với bố mẹ và cũng không gắn kết được với bạn bè. Những suy nghĩ tiêu cực cũng ngày một nhiều hơn mỗi khi thấy điểm kém hoặc cảm nhận được một ánh nhìn thiếu thiện cảm”.
Nữ diễn viên đã từng có những hành động tự làm tổn thương bản thân, hay có hành vi không lành mạnh về sức khỏe như ăn uống thiếu điều độ, thức đến 4 giờ sáng, dần dần những hành vi này đã để lại hàng loạt sang chấn về sức khỏe như bị đau dạ dày, thiếu ngủ trầm trọng. Trong giai đoạn này, Thảo Tâm không còn chia sẻ và tâm sự được nhiều với bố mẹ vì nghĩ không ai hiểu mình. “Lúc đầu mất kết nối với mọi người xung quanh vì không hiểu điều gì đang xảy ra với mình, rồi sau đó mất kết nối vì cảm thấy không ai hiểu mình”, Tâm chia sẻ.
Những trải nghiệm trầm cảm chỉ thực sự qua đi khi Thảo Tâm dần tìm lại được những kết nối với cuộc sống, thiên nhiên và trân trọng những điều đẹp đẽ.
Trải nghiệm của Thảo Tâm với trầm cảm trong giai đoạn không phải là hiếm. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Nhi trung ương, tỷ lệ mắc trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên dao động từ 5% đến 8% và phổ biến hơn ở lứa tuổi sau dậy thì. Nhiều bậc cha mẹ đã gặp nhiều khó khăn trong việc nhận biết các biểu hiện trầm cảm cũng như tìm kiếm phương thức để cùng con vượt qua.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa – Viện trưởng Viện Tâm lý học và truyền thông, vị diễn giả thứ hai của số eBox lần này cũng là người đã có kinh nghiệm thực tế khi cùng con trai trải qua nhiều khó khăn khi đối mặt chứng trầm cảm.
Cũng như đa số các bậc cha mẹ khác, khi biết con trai gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, gia đình bà Phương Hoa đã trải qua một cú sốc lớn, cùng với đó là cảm giác bất lực và bối rối. Các bác sĩ tâm lý tại Việt Nam đưa ra chuẩn đoán, con trai bà mắc tâm thần phân liệt thể nặng.
Dù là một chuyên gia trong vấn đề này, vị tiến sĩ cũng gặp nhiều bối rối trong việc tìm hiểu cách thức chữa trị. Bà cùng chồng đã tham vấn khoảng 10 bác sĩ trong và ngoài nước, tham gia vào nhiều nhóm bố mẹ có con gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần của các quốc gia khác để lắng nghe những chia sẻ, khó khăn của họ.
Vừa là chuyên gia, vừa là người có kinh nghiệm thực tế trong việc cùng con vượt qua trầm cảm, tiến sỹ Phương Hoa cho biết, điều đầu tiên các bậc cha mẹ cần làm là ngưng kết tội bản thân. “Nếu vấn đề chỉ là ở bố mẹ thì lại quá dễ sửa, đúng là cha mẹ có thể là một phần nguyên nhân nhưng vấn đề sâu xa còn nghiêm trọng hơn thế rất nhiều, cha mẹ cần phải có sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn để cùng con vượt qua chứ không phải những lời chỉ trích”, chuyên gia cho biết.
Bà cũng nhấn mạnh: “Không ai muốn người thân của mình mắc trầm cảm. Ai cũng sẽ phải đối mặt với cảm giác bất lực thường xuyên và kéo dài khi chứng kiến người thân chỉ ở trong nhà ngày qua ngày, không ăn uống, muốn giúp cũng không giúp được. Cha mẹ nên nhớ rằng trầm cảm khỏi là khi ta tìm cách đối mặt với nó để kéo dài khoảng thời gian không bị trầm cảm, ngắn lại cường độ và biên độ của trầm cảm để vượt qua nó”.
Tầm quan trọng của sự đồng hành từ cha mẹ trong quãng thời gian cùng con trẻ vượt qua trầm cảm cũng được tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh trong đoạn chia sẻ dài gần 30 phút của mình. Là người có sự quan tâm đặc biệt đến các chấn thương tâm lý, ông nhận định, trầm cảm không phải chỉ là một loại nỗi buồn, có thể vượt qua với quyết tâm và kỷ luật. Đó là rối loạn tâm lý, khi người trầm cảm không có năng lượng, đánh mất ý chí, chỉ nghĩ đến cái chết, cho rằng bản thân không có giá trị…
Ông đặc biệt lưu ý, trẻ em trầm cảm thường thể hiện nhiều hành động giận dữ, bực tức, cáu bẳn hơn so với người lớn. “Nếu đứa trẻ bỗng không vui vẻ, hòa đồng mà giận dữ, hãy khoan kết tội là bướng bỉnh, mất dạy vì có thể đó là dấu hiệu của trầm cảm”, vị diễn giả khuyến cáo.
Áp lực về học hành, điểm số, thi cử là một trong những lý do quan trọng dẫn đến trầm cảm, và có nhiều yếu tố khác nữa. Ông cho biết, có 3 nhóm yếu tố dẫn đến trầm cảm, đầu tiên là về mặt sinh học, về gen, xác suất bố mẹ từng mắc trầm cảm có con trầm cảm sẽ cao hơn. Thứ hai là tuổi thơ khó khăn, bất hạnh, không được quan tâm, bị bạo hành, khổ cực… Thứ ba là những căng thẳng hiện tại như thất nghiệp, áp lực cuộc sống, học hành. Trong đó, yếu tố gen và tuổi thơ bất hạnh là 2 yếu tố cơ bản dẫn đến xác suất trầm cảm cao hơn. Chính vì vậy, vị chuyên gia cho rằng, một tuổi thơ hạnh phúc chính là vaccine hữu hiệu phòng ngừa trầm cảm.
Vị chuyên gia nhận định, phụ huynh cần có kiến thức, dành nhiều thời gian chăm lo sức khỏe tinh thần của con, tìm hiểu để phân biệt đâu là dấu hiệu của rối loạn lo âu, đâu là biểu hiện của trầm cảm… từ đó biết lúc nào cần đến chuyên gia để hỗ trợ trẻ. Tránh tư duy rằng, những biểu hiện thế sẽ qua đi một cách dễ dàng.
Những chia sẻ của diễn viên Nguyễn Lâm Thảo Tâm, tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Hoa và tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nằm trong số phát sóng đầu tiên của số eBox chuyên đề “Trầm cảm tuổi vị thành niên”. Chuyên đề sẽ giúp phụ huynh trang bị những kiến thức trong việc nuôi dạy, đồng hành cùng con trên hành trình phát triển, hiểu được những tác động tiêu cực của trầm cảm trong độ tuổi thanh thiếu niên. Đồng thời, những chia sẻ từ số eBox lần này cũng là “bí quyết” để phụ huynh hiểu con hơn, tránh mắc phải những sai lầm khiến trẻ rơi vào trầm cảm. Tìm hiểu thêm về eBox tại đây.
Thảo Miên