Một tuần nay, mỗi ngày công ty anh Nam có thêm 15 người nhiễm Covid-19, nguy cơ hết người làm buộc anh phải áp dụng chính sách “một người gánh việc cho 3 người”.
“Khoảng 40% trong số 200 nhân viên của tôi là F0”, Nguyễn Hoàng Nam, giám đốc một công ty sản xuất phụ tùng xe máy ở Đông Anh, Hà Nội cho biết.
Sau Tết Nguyên đán, công ty của anh xuất hiện một vài người xin nghỉ vì là F0. Tình thế này, anh giám đốc đã lường trước nhưng một tuần nay, số F0 tăng vọt khiến anh tá hỏa. “Không chỉ công nhân, khối văn phòng 30 người cũng thay nhau làm F0”, anh Nam kể.
Để kịp đơn hàng, những ngày qua, nhiều nhân viên công ty anh Nam phải tăng ca lên 14-16 tiếng. Nhiều vị trí không có người thay, một công nhân phải làm từ 6h đến 23h, kéo dài nhiều ngày qua. Khối văn phòng một người phải làm công việc của 2-3 người. Dù vậy, một số nhân viên hành chính vẫn phải điều động xuống xưởng để duy trì sản xuất.
Số ca nhiễm tăng nhanh cũng buộc anh Nam phải thay đổi chính sách chống dịch. Công nhân là F1 không còn được cho nghỉ cách ly. Họ sẽ được test nhanh, nếu âm tính đi làm như bình thường, trừ người phải chăm người nhà F0. Các F1 buộc khăn đỏ ở cánh tay để những người còn lại dễ nhận diện, giữ khoảng cách. Họ cũng chỉ được ăn trưa 30 phút rồi vào làm, không được ngủ trưa. Bù lại, 30 phút không được nghỉ đó, công ty trả lương bằng một giờ. Để khuyến khích người lao động và đảm bảo sức khỏe cho họ, công ty chi thêm tiền công 15.000 đồng mỗi giờ tăng ca, bên cạnh lương làm ngoài giờ và có bữa phụ giữa ca.
“Hiện tại công ty đảm bảo được đơn đặt hàng cho khách. Tuy nhiên, chi phí duy trì sản xuất, trả lương công nhân tháng này chắc chắn tăng vọt”, anh cho biết.
Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tình cảnh giống như công ty anh Nam không hiếm. Theo ghi nhận của ông Tiến, từ sau Tết đến nay, thiếu hụt nhân lực do người lao động nhiễm F0 tăng mạnh ở các doanh nghiệp phía Bắc, có đơn vị 30% lao động là F0.
Trên thực tế những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên cả nước liên tục tăng. Ngày 3/3, Bộ Y tế công bố hơn 176.000 ca. Hà Nội tiếp tục lập đỉnh với 18.600 ca, tăng hơn 3.500 ca so với ngày trước đó. Trong 14 ngày, số ca nhiễm tại Hà Nội tăng 191%.
“Có doanh nghiệp đã buộc phải đền bù hợp đồng do không có người làm. Bên cạnh đó, người không phải F0 cũng vất vả hơn khi phải đảm nhận nhiều công việc thay người khác”, ông Tiến nói.
Anh Phạm Trung Thành, 27 tuổi, nhân viên của một ngân hàng tại quận 12, TP HCM rõ hơn ai hết cảnh một người làm việc của 3-4 người. Trước Tết, phòng anh có 10 người thì 9 người nhiễm Covid-19. Anh chưa kịp mừng vì mình “né được” thì việc đã ngập đầu.
“Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp, nhiều người lâm vào cảnh nợ nần. Cuối năm, họ đến xin gia hạn cũng đông hơn các năm trước. Việc tra soát nợ, ôm hồ sơ cơ cấu nợ cho khách dồn dập”, Thành nói. Trung bình một ngày, anh phải gặp 5-6 khách hàng thay đồng nghiệp, hôm nào xong sớm cũng phải 21h mới được nghỉ ngơi.
Điện thoại anh đổ chuông liên tục, tin nhắn tới tấp vì khách hàng sợ đóng nợ trễ sẽ bị nhảy nhóm nợ, không vay được. Hơn 10 ngày đánh vật với khối công việc gấp 3-4 lần bình thường, anh gầy đi 3 kg, người còn xơ xác hơn cả những đồng nghiệp bị Covid-19.
Nghe Thành chia sẻ tình cảnh của mình trên mạng xã hội, chị Hồng Hoa, 27 tuổi, kế toán một công ty sản xuất bánh kẹo ở Cầu Giấy, Hà Nội, rất đồng cảm. Ở công ty chị hiện nay, cả bộ phận kinh doanh hơn 20 người, 17 người là F0, Hoa là một trong những F1 còn sót lại.
Phải làm công việc của 5-6 người một lúc nên một tuần nay Hoa ở lại văn phòng, chỉ ăn bữa sáng và tối ngoài tiệm sát công ty. Cuối tuần, kế hoạch về quê ăn cưới bạn thân cũng phải dừng vì bận rộn và nếu Hoa nhiễm bệnh cả phòng sẽ trắng nhân sự. “Các F0 liên tục hỏi thăm, gửi đồ ăn đến văn phòng động viên, dặn dò tôi cố không để nhiễm”, Hoa cười như mếu.
“F0 toàn tập” không chỉ làm đứt gãy sản xuất, mà đảo lộn kế hoạch của nhiều doanh nghiệp. Anh Nguyễn Trần Lam, 29 tuổi, giám đốc một công ty thiết kế kiến trúc và xây dựng ở Hà Đông, Hà Nội lên kế hoạch cho nhân viên đi du lịch đầu xuân hai ngày, tại Tam Trúc. Tuy nhiên, tuần trước, anh test nhanh hai vạch. Hai ngày sau, những người còn lại trong công ty cũng dương tính. “Hai ngày tính đi du lịch trở thành hai ngày nghỉ dưỡng Covid”, Lam nói.
Lịch gặp khách hàng bị hủy, một số dự án bị gián đoạn bởi trung bình mỗi người mất ít nhất ba ngày mệt mỏi, không thể làm online. Ngồi được dậy cũng là lúc anh chủ trẻ lụt trong đống việc. Bị trước nên khỏe trước, anh Lam phải gánh thêm việc của nhân viên.
Trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia chống dịch, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, trung tâm Oxy cao áp, thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) khuyến cáo các doanh nghiệp cần phân nhóm người lao động theo từng bộ phận làm việc, theo tình trạng sức khỏe để theo dõi, tránh lây nhiễm.
Với những F1 nguy cơ cao nên tách thành nhóm riêng. Người có triệu chứng ban đầu chưa cần test nhưng chủ động xếp vào một nhóm, tránh tiếp xúc với đồng nghiệp. Những bộ phận có thể online thì nên cho nhân viên làm việc tại nhà. Nên mở cửa văn phòng cho thông thoáng, sạch sẽ; đeo khẩu trang trong lúc làm việc; hạn chế tán gẫu, ăn vặt.
“Trong trường bất đắc dĩ, công việc nhiều, F0 quá đông nhưng triệu chứng nhẹ, sức khỏe đủ đáp ứng công việc thì cũng có thể cho F0 đi làm cùng nhau, tách khỏi F1. Thực tế, trong các bệnh viện rất nhiều bác sĩ F0 triệu chứng nhẹ vẫn làm việc như bình thường”, bác sĩ Hoàng nói. Thêm vào đó, đa phần F0 trước Tết nhiễm chủng Delta còn sau Tết nhiễm chủng Omicron nên ông Hoàng nhắc nhở những người đã khỏi Covid không được chủ quan, phải đảm bảo quy định phòng dịch để tránh tái nhiễm.
TS Vũ Minh Tiến cho rằng ngoài tuân thủ các khuyến cáo chung của Bộ Y tế, các doanh nghiệp nên linh hoạt trong sử dụng nhân lực. Với những F1 nguy cơ không cao, nếu test nhanh âm tính vẫn nên đi làm, giữ khoảng cách với những người còn lại, như công ty anh Nam. Người bị F0 có thể làm việc online thì nên cho phép họ làm việc từ xa.
Ngoài ra, phải nghỉ làm, người lao động có thể rơi vào tình cảnh khó khăn do thu nhập, các công ty tạm thời chưa báo với bảo hiểm xã hội và cắt thu nhập của họ, mà dời sang tháng sau. “Lúc này, nếu vừa mệt mỏi, thu nhập lại giảm sút, người lao động sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, có thể chậm khả năng phục hồi và giảm động lực quay lại làm việc”, ông Tiến nói.
Hiện tại, công ty anh Nam dốc toàn lực để đáp ứng đơn hàng theo hợp đồng hàng ngày, thay vì theo tháng. Anh hy vọng đến đầu tháng Tư, khi người lao động đều khỏi Covid-19, công ty sẽ vận hành như bình thường.
Đỉnh dịch ở phòng kinh doanh của Hồng Hoa cũng đã hết. Điều khiến Hoa lo lắng bây giờ là giữa tháng 3, công ty có chuyến du lịch Nha Trang. “Mọi người đều đã bị và khỏi. Nếu lúc đó tôi là F0 thì lại mất chuyến nghỉ dưỡng ba ngày”, Hoa nói.
Phạm Nga