Căng thẳng, thường xuyên lo lắng hoặc sai lệch khớp cắn là những nguyên nhân khiến các bé nghiến răng vào ban đêm.
Nghiến răng xảy ra khi chúng ta ấn hàm trên hoặc hàm dưới và làm di chuyển các răng vào nhau. Theo Hệ thống Y tế Trẻ em Nemours (Mỹ), ước tính cứ 10 trẻ thì có 2 đến 3 trẻ nghiến răng. Nghiến răng thường xảy ra nhất khi trẻ ngủ và trong một số trường hợp có thể xảy ra vào ban ngày. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh trẻ em nam có nhiều khả năng mắc chứng nghiến răng hơn bé gái. Dưới đây là những nguyên nhân nghiến răng phổ biến ở trẻ.
Căng thẳng
Căng thẳng dường như có mối liên hệ chặt chẽ với chứng nghiến răng khi ngủ. Một nghiên cứu về trẻ mới biết đi cho thấy, những bé phải đối mặt với những sự kiện căng thẳng có nhiều khả năng mắc chứng nghiến răng khi ngủ. Đối với trẻ em trong độ tuổi đi học, chứng nghiến răng có thể là một cách đối phó với căng thẳng như làm bài tập về nhà, làm việc nhà và đạt điểm cao.
Cảm giác lo lắng
Những đứa trẻ tự nhiên hay bồn chồn, lo lắng nhiều hơn về việc học tốt ở trường có nhiều khả năng mắc chứng nghiến răng hơn. Theo các nhà khoa học, triệu chứng có thể tiến triển theo thời gian khi trẻ phát triển, những đứa trẻ mới biết đi thường có nhiều khả năng mắc chứng nghiến răng khi ngủ ở trường tiểu học.
Sai lệch khớp cắn
Khi các răng hàm trên và hàm dưới mọc lệch nhau hoặc không thẳng hàng sẽ dẫn đến việc khó khép hai hàm răng ăn khớp với nhau. Theo phản xạ, hai hàm răng sẽ có xu hướng cọ xát vào nhau làm trẻ nghiến răng khi ngủ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giữa sai lệch khớp cắn và nghiến răng có một mối quan hệ mật thiết. Khoảng 12,75% số trẻ mắc phải cả 2 vấn đề này.
Mối nguy hiểm và cách chữa nghiến răng ở trẻ
Trong hầu hết các trường hợp, nghiến răng không nguy hiểm. Theo Verywell Family, nghiến răng xảy ra ở trẻ em dưới 6 tuổi và có xu hướng biến mất khi chúng trưởng thành. Tuy nhiên, nghiến răng có thể làm tăng nguy cơ khiến răng bé bị gãy, tụt nướu hoặc mắc rối loạn khớp thái dương hàm và gián đoạn giấc ngủ vì những âm thanh phát ra khi nghiến.
Theo Theo Quỹ giấc ngủ quốc gia Mỹ, chứng nghiến răng có liên quan chặt chẽ đến chất lượng giấc ngủ. Các cha mẹ có thể cải thiện giấc ngủ của trẻ bằng cách đảm bảo phòng của trẻ tối và yên tĩnh, hạn chế thời gian trẻ dành cho thiết bị điện tử và cung cấp cho trẻ một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, ít đường.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể xây dựng cho trẻ các hoạt động nhẹ nhàng trước khi đi ngủ được như: dùng bữa ăn nhẹ bổ dưỡng trước khi đi ngủ, đánh răng, tắm nước ấm, trò chuyện cùng bé,… Để làm dịu răng và hàm bị đau, hãy chườm lạnh hoặc chườm nóng và khuyến khích con uống nước, tránh thức ăn cứng và kẹo cao su.
Huyền My (Theo Sleep Foundation, Healthline, Verywell Family)