Trong chiếc lều bên hồ Suối Chiếu, tỉnh Sơn La, vợ chồng chị Trang ôm hai con ngắm nhìn bầu trời đêm qua ô cửa, kể chuyện cho nhau nghe rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Sáng sớm hôm sau, họ bị đánh thức bởi tiếng chim hót. Người phụ nữ 37 tuổi nhóm một đống lửa, đun ấm nước pha cà phê và rán trứng, xúc xích cho bữa sáng.
“Lần thứ hai cắm trại ở đây mà cảm giác thích thú vẫn như lần đầu”, chị Trang chia sẻ về hành trình vượt 160 km từ Hà Nội lên Sơn La trong hai chuyến đi cách nhau chưa đầy ba tháng.
Gia đình chị Trang đến với thú chơi cắm trại (camping) từ ba năm trước, bắt đầu với một chiếc lều tự bung, một chiếc bạt và ít đồ ăn. Các điểm đến đều quanh Hà Nội như Ecopark, bãi Vĩnh Tuy, Đồng Mô…
Thời gian Covid-19 ở nhà ngột ngạt, muốn các con được ra ngoài nhiều hơn nên chị sắm đồ để đi camping chuyên nghiệp. Trang tham khảo nhiều đồ cắm trại, rồi sưu tầm dòng Glamping (ghép từ glamorous và camping, được hiểu là cắm trại kiểu cao cấp, đắt tiền) từ nhiều thương hiệu của Nhật, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc.
Ban đầu chồng chị không hào hứng vì sợ các con mệt, nóng. Nhưng vì vợ chuẩn bị kỹ càng nên giờ cả bố cả con đều “nghiện”. Mỗi chuyến đi, mỗi vùng đất được đặt chân đều khiến gia đình hạnh phúc. “Khi những cảm giác tuyệt vời đó mang lại, gia đình càng muốn mua sắm đồ cắm trại để có thể tận hưởng hơn”, chị Trang nói. Đến nay tổng chi phí đầu tư cho thú chơi của gia đình khoảng 60 triệu đồng.
Trước đây anh chị vẫn bị cuốn vào công việc ngày cuối tuần, mong nhiều tiền và cuộc sống đầy đủ hơn. Nhưng qua các chuyến đi, họ càng thấy đây mới là cuộc sống nên có. “Chúng tôi chỉ mong có được những giây phút bình yên bên các con trước khi chúng lớn lên, đủ lông đủ cánh bay đi”, chị nói.
Những chuyến đi cắm trại này đã trở thành thói quen với gia đình. Khoảng hai tuần một lần, họ lại xách đồ lên và đi.
Trào lưu cắm trại sang trọng Glamping phổ biến ở phương Tây và Nhật Bản từ lâu nhưng mới thịnh hành ở Việt Nam kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Glamping chỉ những chuyến dã ngoại ở vùng ngoại ô, người đi được nghỉ ngơi trong những chiếc lều cỡ lớn, đầy đủ tiện nghi như một khu nghỉ dưỡng cao cấp, trái ngược với tình trạng kham khổ hay đơn giản của camping thông thường.
Theo báo cáo của North American Glamping (Glamping khu vực Bắc Mỹ), từ năm 2019 về trước, người tham gia loại hình cắm trại này phần lớn là vợ chồng một con (45%), đến nay đã thịnh hành ở mọi độ tuổi. Khi xuất hiện ở Việt Nam, ban đầu Glamping thường do các tổ chức, cá nhân đầu tư để cho khách thuê. Khoảng một năm trở lại đây, những gia đình có điều kiện cũng không tiếc tiền đầu tư đồ đạc để chủ động mỗi khi muốn đi dã ngoại.
“Shop của tôi từng phục vụ những khách hàng đầu tư vài trăm triệu đồng cho bộ đồ cắm trại của gia đình”, Việt Anh, chủ một thương hiệu đồ dã ngoại xa xỉ tại TP HCM, cho hay.
Việt Anh kinh doanh mặt hàng này được hai năm khi nắm bắt được nhu cầu thị trường. “Trong 10 hộ gia đình mà tôi biết thì khoảng 5 hộ đã đến với thú chơi này”, anh nói.
Là admin của một nhóm cắm trại cùng con ở Hà Nội với hơn 8.000 thành viên, anh Đức Tiệp ở quận Long Biên cho biết, nói đến đầu tư cho đồ cắm trại thì gần như không có giới hạn. Chỉ cần một chiếc lều, bạt và ít đồ ăn cũng có thể đi. Tuy nhiên, để nâng tầm thú chơi, nhiều gia đình đang đầu tư những bộ lều trại rộng rãi, có khả năng chống mưa gió, ghế ngồi chống nước, đệm êm ái, sắm cả thuyền hơi, cano gắn máy, thậm chí mua cả những chiếc xe 16 chỗ để biến thành nhà di động.
Đến với thú chơi này từ 7 năm trước, gia đình chị Trần Gấm ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, thi thoảng lại tổ chức một chuyến đơn giản gần nhà. Nhưng khi Covid-19 xuất hiện, nhu cầu được hòa mình với thiên nhiên nhiều hơn. “Đợt đó, khi vừa được ra khỏi nhà, cả ba đứa con đều nhảy lên vì sung sướng”, chị Gấm, mẹ của các trẻ 2-9 tuổi, chia sẻ.
Ban đầu gia đình đi thuê đồ cắm trại nhưng chi phí không rẻ, đồ lại cũ, bẩn và không đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Vì có con nhỏ, nên anh chị quyết định tự sắm đồ.
Hiện họ dùng một chiếc lều Mông Cổ (loại lều rộng, có khả năng chống mưa gió), một bộ bàn ghế ngồi, bếp nấu, ngoài ra còn có thêm tấm tăng chống nắng, đệm hơi, xoong nồi, bát đĩa, xe kéo, các đồ trang trí lều… “Cứ tưởng tượng trong nhà bạn có gì thì đi cắm trại ngày nay cũng có như thế chỉ khác là gọn và nhỏ để mang đi”, chị Gấm cho hay. Gia đình xác định đây là một khoản đầu tư giống như đồ dùng hàng ngày.
Từ chỗ “nghiện” cắm trại, giờ gia đình chị chuyển sang kinh doanh đồ dùng cho hoạt động này. Theo chị, người tìm đến thú chơi đều yêu thiên nhiên, mê thể thao, ưa du lịch, đặc biệt muốn cùng con có nhiều trải nghiệm. Đa phần khách hàng của chị đều lựa chọn các gói bình dân, dưới chục triệu đồng cũng đã đủ cơ bản đồ đạc để đi.
“Cá biệt có những khách chi cả trăm triệu đồng cho đồ camping. Mới đây có chị khách, hai vợ chồng mê thể thao, có nhà ngoại thành, mua một bộ khoảng 60 triệu để cuối tuần đưa con cái và bạn bè đến chơi”, chị Gấm kể.
Do có con nhỏ nên chưa thể đi qua đêm nên gia đình chị thường đi các điểm gần Hà Nội như núi Hàm Lợn, hồ Đồng Quan, Kèo Cà, hồ Chòm Núi… Sau khi đi nhiều nơi, chị thấy rằng những địa điểm rất đẹp nhưng đến sai mùa hoặc đi và lúc quá đông người sẽ không còn đẹp nữa. Hai lần gia đình đi Đại Lải (Vĩnh Phúc) đã phải về vì lần đầu mưa to quá, lần thứ hai “thất thủ” vì quá đông.
Đã đi hàng chục chuyến, lời khuyên của chị Trần Trang là nên chuẩn bị đồ đầy đủ, tìm hiểu vị trí mình định đến thật kỹ trước. Quan trọng nhất hãy luôn nhặt và gom rác trước khi ra về. Một phần lý do chị Trang đầu tư mua đồ cắm trại tốt là có thể tái sử dụng. Mỗi chuyến đi, gia đình chỉ thải ra duy nhất một túi rác hữu cơ và giấy ăn, chứ không dùng túi nylon hay nước đóng chai.
“Trở về với thiên nhiên thì cũng phải có ý thức bảo vệ thiên nhiên”, chị Trang nói.