Các chuyên gia y tế và lão khoa thế giới khẳng định, tăng cường giao tiếp xã hội và vận động nhẹ giúp chống lại chứng sa sút trí tuệ, đặc biệt với người cao tuổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chứng sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới. Mỗi năm, có khoảng 10 triệu trường hợp mắc mới.
Calvin Cheng Pak Wing, trợ lý giáo sư tâm thần học lâm sàng tại Đại học Hong Kong, cho biết có mối liên hệ chặt chẽ giữa trầm cảm và sa sút trí tuệ. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy trầm cảm là một yếu tố nguy cơ đáng kể khiến chứng sa sút trí tuệ ngày càng phát triển.
Làm thế nào để tuổi già không lú lẫn?
Tiến sĩ Andrew Sommerlad, nhà tư vấn tâm thần tuổi già tại Đại học College London, cho rằng giao tiếp xã hội là chìa khóa chống lại chứng lú lẫn tuổi già. Gần 2/3 trong số hơn 5 triệu người Mỹ sống chung với bệnh Alzheimer là phụ nữ. Lý do có thể vì phụ nữ sống lâu hơn nam giới, cũng có thể liên quan đến hormone. Jessica Gong, tác giả chính của một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Toàn cầu George ở Australia, chỉ ra tác dụng bảo vệ thần kinh của oestrogen (hormone có ở phụ nữ). Khi phụ nữ già đi, mức estrogen của họ mới dần giảm xuống.
Song song với kết quả nghiên cứu này, năm 2021, Trung tâm Đổi mới Khoa học Não bộ tại Đại học Arizona, Mỹ đã công bố một nghiên cứu cho thấy mối liên hệ tích cực giữa liệu pháp hormone và việc giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer – biểu hiện bệnh phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ.
Các chuyên gia chỉ ra bằng chứng cho thấy thay đổi lối sống có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ. Ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, việc giảm nguy cơ thông qua thay đổi lối sống là khác nhau. Ví dụ, ở nửa đầu cuộc đời, điều đó chính là một nền tảng giáo dục tốt nhất. Ở tuổi trung niên và cao niên, đó là theo dõi cân nặng, huyết áp và lượng rượu uống mỗi ngày, cũng như việc sử dụng thuốc lá. Theo nhiều bác sĩ, điều gì tốt cho tim sẽ tốt cho khối óc của bạn.
Ngoài ra, tiến sĩ Paddy Dempsey, tác giả chính của một nghiên cứu gần đây do Đại học Leicester của Vương quốc Anh thực hiện, cũng chỉ ra tác động của việc đi bộ nhanh đối với sự lão hóa não bộ. Ông khẳng định, để giảm thiểu chứng lú lẫn tuổi già, hoạt động thể chất cường độ vừa phải giúp cải thiện sâu sắc hoạt động nhận thức và khuyến khích não bộ tăng cường khả năng học tập và ghi nhớ.
Trong nghiên cứu của mình, ông đã xem xét mối liên hệ giữa tốc độ đi bộ và độ dài của telomere. Telomere là “nắp” ở cuối nhiễm sắc thể giúp bảo vệ DNA, giống như hạt nhựa ở cuối dây giày, giúp chúng không bị bung ra. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra, đi bộ nhanh có liên quan đến các telomere dài hơn. Thậm chí, đi bộ nhanh trong nhiều năm có thể dẫn đến tuổi sinh học của một người trẻ hơn khoảng 16 năm so với tuổi thực tế.
Dịch vụ Y tế quốc gia của Vương quốc Anh coi đi bộ nhanh là sải bước với tốc độ khoảng 4,8 km một giờ.
Nếu không có điều kiện đi bộ nhanh, bất cứ hoạt động vận động nào cũng là hữu ích trong việc cải thiện sức khỏe, giảm lú lẫn tuổi già.
Thùy Linh (Theo SCMP)