Quảng NgãiKhoảnh khắc nghe tin khối u của con là ác tính, chi phí ghép tuỷ khoảng 150 triệu đồng, chị Loan bấu chặt tay vào cửa phòng bệnh, bàng hoàng rồi bật khóc.
Tháng 2/2021, khi cậu con trai Trần Văn Hùng được 8 tháng tuổi, chị Phạm Thị Kim Loan tình cờ phát hiện bé có tới ba tinh hoàn. Đưa con đi khám tại bệnh viện, bác sĩ kết luận đây là khối u, chị suýt ngất xỉu.
Bé Hùng phải nhập viện để mổ và chờ kết quả sinh thiết khối u trong một tháng. Ngày đưa con vào khoa Ung bướu, Bệnh viện Phụ Sản – Nhi Đà Nẵng để điều trị, bé Hùng mới 9 tháng tuổi, mắt còn ngơ ngác nhìn xung quanh. Người mẹ bồng con trên tay, thẫn thờ. Vợ chồng chị từ Mộ Đức, Quảng Ngãi vào Đà Nẵng mưu sinh, cố lắm cũng chỉ đủ lo chi phí sinh hoạt gia đình. Giờ con mang trong người căn bệnh ác tính, chẳng khác nào cái chết treo lửng lơ trên đầu. “Thời điểm đó tôi gần như tuyệt vọng vì chẳng có khả năng để chữa bệnh cho con’’, chị Loan nhớ lại.
Phác đồ điều trị đưa ra cho bé Hùng là bốn toa hoá trị. Vợ chồng chị chạy vạy vay mướn khắp nơi để đóng tiền viện phí. Chưa đầy một tuổi, bé đã phải truyền hoá chất vào người. Bao nhiêu sợi tóc chưa kịp mọc dài đã rụng, là bấy nhiêu lần người mẹ cắn chặt môi để kìm nước mắt không rơi. Mỗi lần tỉnh táo sau đợt truyền thuốc, mở mắt ra nhìn mẹ, bé Hùng lại nhoẻn miệng cười, đòi bế. Nhìn ánh mắt trong trẻo và nghị lực sống của con, chị Loan tự nhủ phải mạnh mẽ để đồng hành cùng con trên hành trình dài phía trước.
Chị Loan chăm con ở viện, mọi chi phí đều đổ dồn lên vai chồng. Mức thu nhập 5 triệu đồng mỗi tháng không đủ để vừa lo thuốc men cho Hùng, vừa nuôi đứa con trai lớn 9 tuổi đang tuổi ăn học. Mỗi lần con vào thuốc là một lần chị Loan tất bật vay mượn khắp nơi. Dịch bệnh bùng phát, bệnh viện chỉ cho một người thân chăm sóc bé. Con còn nhỏ, cứ quấn mẹ. Điều kiện sinh hoạt khó khăn, thậm chí những lúc đi vệ sinh, con khóc, chị cũng phải ẵm trên người. Chị cố gắng vượt qua và nuôi hy vọng sau phác đồ điều trị, con có thể khoẻ mạnh trở về nhà.
Ba tháng sau khi kết thúc đợt hoá trị, bộ phận sinh dục của Hùng lại có dấu hiệu sưng to, một khối u khác mọc lên tại vị trí cũ. Chị linh cảm lần nhập viện này sẽ có những khó khăn lớn hơn đang chực chờ. Sau khi có kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI), bác sĩ thông báo Hùng phải ghép tuỷ mới có hy vọng bệnh không tái phát. “Tốt nhất, chị nên đưa con ra Bệnh viện Trung ương Huế để thực hiện ghép tuỷ, chi phí dự kiến tầm 150 triệu đồng”, lời bác sĩ văng vẳng trong tâm trí.
Tạm biệt bác sĩ, chị thẫn thờ ẵm con đi dọc lối hành lang, định bế con về nhà phó mặc cho số phận nhưng nụ cười của con làm người mẹ sực tỉnh. Chị nhận ra khát khao sống trong con vẫn vô cùng mạnh mẽ và là người mẹ, chị không cho phép mình từ bỏ hy vọng được sống của con.
Tức tốc quay trở lại phòng bệnh, chị ngập ngừng hỏi bác sĩ lần nữa về số tiền phải chuẩn bị. Bác sĩ động viên chị cứ ẵm con đi trước, kinh phí có thể nhờ mạnh thường quân hỗ trợ sau. Nhà nghèo, không có đất đai hay bất cứ tài sản giá trị gì để cầm cố, chị và chồng lại vay mượn khắp nơi, gom góp được 20 triệu đồng, dẫn con ra Huế chữa bệnh. Chi phí sinh hoạt lớn, số tiền ấy ngày một vơi dần. Bác sĩ chỉ định Hùng cần truyền tiếp 4 đợt hoá chất liều cao trước khi thực hiện ghép tuỷ.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Loan, chương trình Mặt trời Hy vọng đã hỗ trợ cho bé 100 triệu đồng để chữa trị. Ngày nhận được cuộc gọi thông báo của về số tiền được giúp đỡ, hai vợ chồng chị ôm nhau khóc ngay trong bữa cơm.
“Khoảnh khắc ấy, tất cả niềm tin trong tôi đã cạn kiệt từ lâu lại bắt đầu hồi sinh trở lại. Tôi biết con mình sẽ được ghép tuỷ, sẽ có hy vọng được sống. Tôi cứ ngỡ như con được sinh ra thêm lần nữa’’, chị Loan nói.
ThS.BS Nguyễn Thị Kim Hoa, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung Ương Huế cho biết, Hùng mắc căn bệnh ung thư tế bào B lympho lớn lan toả, đã được điều trị trước đó nhưng bệnh tái phát. Sau khi nhập viện tại khoa, bé đã được hoá trị hai vòng và kết quả đáp ứng tốt. Bé sẽ được thu tế bào gốc, và đánh tiếp hai vòng hóa chất nữa, sau đó khoa sẽ tiến hành ghép tủy cho cháu.
Bệnh lý lymphoma non hodgkin nằm trong năm nhóm bệnh ung thư hay gặp nhất ở trẻ em, chiếm tỷ lệ khoảng 7% ung thư trẻ em tại các nước phát triển. Với các thuốc hóa chất điều trị hiện nay, tỷ lệ sống sau 5 năm dao động trong khoảng 80-90%. Tuy nhiên, đối với các trường hợp tái phát, như trường hợp của bé Hùng, việc cứu chữa và kéo dài sự sống đòi hỏi phải sử dụng hóa chất liều cao kèm ghép tủy.
22 tháng tuổi, 2/3 thời gian đó, Hùng đã ròng rã trong bệnh viện để chống chọi với bệnh tật. Ước mơ của người mẹ hiện tại chỉ giản đơn là được đón con về nhà bình an, khoẻ mạnh sau đợt ghép tuỷ sắp tới.
Chị Loan mường tượng về khung cảnh con được đến trường, được đùa giỡn, vui chơi cùng anh trai và các bạn. “Mặt trời Hy vọng đã một lần nữa thắp sáng lên hy vọng trong tôi. Tôi mong rằng với sự giúp đỡ này, con sẽ có cơ hội được phát triển bình thường như những đứa trẻ đồng trang lứa. Mong tuổi thơ sau này khi con nhớ về sẽ là những điều đẹp đẽ và hạnh phúc, chứ không phải những ám ảnh của bệnh tật và những nỗi đau”, người mẹ nói.
Tuệ Minh
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây.