Tưởng rằng cuộc hôn nhân với anh kiến trúc sư Hàn Quốc là “nấc thang lên thiên đường” nhưng về sống chung Hải Vân mới biết anh ta là một nông dân cục tính.
Cô gái quê Hải Dương Nguyễn Hải Vân được gia đình định hướng lấy chồng ngoại từ khi chuẩn bị hết lớp 12. Cô chấp thuận bởi thấy hai người chị họ lấy chồng Hàn Quốc, sau khi kết hôn chỉ ở nhà nội trợ, đều đặn gửi tiền về báo hiếu bố mẹ và mỗi năm một lần về thăm nhà.
Thông qua mai mối, Vân được giới thiệu với “một kiến trúc sư sống ở Seoul, lương 40 triệu won (750 triệu đồng) một năm”, hơn cô 13 tuổi. Đám cưới diễn ra năm 2016, khi Vân 19 tuổi.
Đặt chân tới đất khách, cô gái biết mình bị lừa. Chồng cô không phải kiến trúc sư, chỉ là nông dân ở một tỉnh miền trung Hàn Quốc. Vân không được cho tiền tiêu, không được sử dụng điện thoại, đi ra ngoài đều có người kiểm soát… Anh chồng nóng tính, sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Càng ngày anh ta đối xử với Vân càng tệ khi cô chưa sinh được con trai.
Cô gái chịu đựng suốt hai năm vì không muốn gia đình lo lắng, người quen chê cười.
Giao thừa năm 2018, Vân bị chồng đánh đập và bạo dâm khi không được đáp ứng. “Anh ta hành hạ em chán thì đập vỡ tấm ảnh em với mẹ và nói đừng mong được về thăm nhà khi chưa sinh được con trai”, Vân nức nở qua điện thoại với luật sư Lê Hồng Hiển lúc nửa đêm. “Em không biết cách nào để thoát khỏi cuộc hôn nhân này và về nhà với bố mẹ”, cô nói với giọng gấp gáp và cầu xin sự giúp đỡ.
Nhận được lời cầu cứu, luật sư Hiển (Đoàn luật sư Hà Nội) đã về Hải Dương, nơi cô đăng ký kết hôn để thu thập hồ sơ, chứng cứ và làm gần như mọi thủ tục tại Việt Nam để cô có thể đơn phương ly hôn. “Đây không đơn giản là ly hôn mà là cứu người nên phải nhanh gọn và cẩn thận”, ông Hiển nói và cho biết thêm, hầu hết phụ nữ Việt lấy chồng qua mai mối không hiểu luật nên nghĩ sẽ không thể ly hôn khi chồng nắm giữ mọi giấy tờ.
Vân chỉ là một trong số hàng nghìn phụ nữ Việt kết hôn với đàn ông Hàn Quốc thông qua mai mối. Nhiều cặp vợ chồng có cuộc sống hạnh phúc nhưng cũng không ít cô dâu ngoại quốc bị phân biệt đối xử, bạo hành, thậm chí chết dưới tay người chồng ngoại quốc. Theo cuộc khảo sát năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc, hơn 42% cô dâu ngoại quốc bị bạo hành thể chất, tinh thần, tình dục và tài chính. Tỷ lệ này cao hơn hẳn mức 29% nếu người vợ là phụ nữ Hàn Quốc.
Hơn 10 năm làm nghề, luật sư Lê Hồng Hiển đã giúp cả trăm trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài, chủ yếu là phụ nữ lấy chồng thông qua mai mối ở các quốc gia châu Á. “Đa số vỡ mộng, bị lừa lấy chồng ở các vùng quê hẻo lánh, phải phục vụ chồng, chăm sóc bố mẹ chồng già yếu, rất nhiều trường hợp không khác gì osin”, ông Hiển cho hay.
Xu hướng phụ nữ Việt lấy chồng nước ngoài ngày càng tăng trong các năm qua, chủ yếu làm dâu ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo thống kê của Bộ Công an, từ 2008 đến nay, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 công dân kết hôn với người nước ngoài, trong đó 72% là nữ. Số cô dâu Việt Nam ở Đài Loan và Hàn Quốc khoảng hơn 170.000 người, theo một nghiên cứu của Tổng cục dân số năm 2018.
Cách đây nhiều năm, tình trạng mất cân bằng giới tính đã xuất hiện ở các vùng nông thôn Hàn Quốc. Để khỏa lấp sự thiếu hụt này, Hàn Quốc khuyến khích đàn ông cưới vợ và có con bằng cách trợ cấp cho người mai mối. Nếu kết đôi thành công một nam nông dân Hàn Quốc với một phụ nữ ngoại quốc, người mai mối sẽ được nhận 4-6 triệu won (khoảng 78-120 triệu đồng). Hiện nay, cô dâu ngoại quốc ở Hàn Quốc chủ yếu là người Việt. Năm 2018, trong hơn 16.600 cô dâu ngoại, có đến 6.338 người Việt Nam. Theo khảo sát của chính phủ năm 2017, tuổi trung bình của đàn ông tìm vợ là 43,6 còn tuổi trung bình của các cô dâu ngoại quốc là 25,2.
Không riêng các trường hợp mai mối, ngay cả những cô gái kết hôn vì tình yêu cũng sốc khi bước vào hôn nhân đa quốc gia ở một môi trường mới. Chị Phương, 32 tuổi, lấy chồng Nhật được 5 năm, trong đó 4 năm sống ở Việt Nam cuộc sống rất hạnh phúc.
Năm 2019, anh chồng hết nhiệm kỳ trở về Nhật bỗng nhiên nảy sinh nhiều xung đột. Từ một người hiền lành, trầm tính đột nhiên anh hay nổi nóng, ngày nào đi làm về cũng gây sự với vợ. Sau vài lần cãi nhau, anh đuổi vợ khỏi nhà, thậm chí ngăn cản không cho chị gặp con.
“Tôi cảm giác như bị lừa dối, bị phản bội khi chồng biến thành con người khác”, người phụ nữ Hà Nội nói. Chị nghĩ đến ly hôn càng sớm càng tốt và sẽ đưa con trở về nước.
Đến ngày thứ 6, chồng cho chị vào nhà, nói xin lỗi vợ và mong muốn cả hai ngồi xuống hòa giải. Khi căng thẳng đang chưa giải quyết thì con gái bị sốt tiêu chảy. Mâu thuẫn một lần nữa bùng phát khi chị muốn đưa con đi viện, còn chồng nhất quyết không. Người phụ nữ Việt đành một mình bế con đi bệnh viện, sau đó ra khách sạn ở. “Không ngờ chồng định vị, rồi báo cảnh sát tôi bắt cóc con, dẫn đến việc con gái bị đưa vào trung tâm bảo vệ trẻ em”, chị kể.
Con gái mới 3 tuổi đột ngột bị tách khỏi bố mẹ suốt ba tuần. Thương con nên cả hai đều mong nhanh chóng hòa giải. Suốt thời gian này chị Phương không ở cùng chồng nên có thời gian suy nghĩ, nhìn lại mình và mối quan hệ. Chị thấy thông cảm hơn khi anh phải làm quen môi trường làm việc mới nên nhiều áp lực. Chị lạ nước lạ cái nên việc gì cũng đến tay chồng, chi phí sinh hoạt nhiều hơn trước. “Tôi nhận ra một đặc điểm ở người chồng Nhật là khi gặp khủng hoảng họ rất bế tắc”, chị cho hay.
Chồng Phương cũng nhìn lại mình, đến vợ xin lỗi và đưa ra 10 giải pháp để cứu vãn mối quan hệ như san sẻ lo lắng, rõ ràng chi tiêu, giao lưu, kết bạn thêm… Sáu buổi nói chuyện với các chuyên gia tại trung tâm bảo vệ trẻ em cũng giúp anh giải tỏa tâm lý được phần nào.
Linh Nhi, 31 tuổi, ở Tp HCM, từng xác định sẽ chỉ lấy chồng ngoại vì ám ảnh tuổi thơ có một người cha gia trưởng, độc đoán, thường dùng đòn roi với vợ con. Song sau vài lần hẹn hò với các chàng trai Tây, cô quyết định “bỏ của chạy lấy người”.
“Hai trong số những người tôi đã xác lập yêu đương một thời gian thì nhận ra họ rất thoáng về sex. Có anh chàng người Pháp không chỉ quen tôi, còn cùng lúc qua lại vài cô gái khác”, Nhi chia sẻ.
Năm 2018 Nhi quen và yêu một chàng người Mỹ. Cả hai đã tính tới chuyện kết hôn, tuy nhiên càng bên nhau cô càng dị ứng với sự keo kiệt của anh. Anh chia với cô từng bữa ăn và phí sinh hoạt dù đã đính hôn. “Lúc hai đứa xác định kết hôn và sẽ về Mỹ định cư thì anh nói muốn lập hợp đồng trước hôn nhân. Tôi cảm giác như bị xúc phạm, bởi bản thân luôn là người tự chủ tài chính, vì yêu mới theo chồng, nhưng anh lại muốn rõ ràng ngôi nhà của bố mẹ anh với tôi ngay từ đầu”, cô gái làm trong một công ty nước ngoài, chia sẻ.
Lường trước sẽ không thể dung hòa được sự sòng phẳng của hôn phu và có thể sẽ không quen được cuộc sống ở xứ người, nên một lần nữa Linh Nhi chủ động rời khỏi mối quan hệ. “Giờ với tôi chồng ngoại hay nội, hoặc kết hôn hay không đã không còn quan trọng nữa”, cô nói.
Trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội, chủ đề “đàn ông Tây và Ta” thường được mang ra so sánh, bàn luận. Là sáng lập một group với 45.000 thành viên nữ, nhà văn Nguyễn Kim Oanh, tác giả sách Yêu đi đừng sợ và Làm phụ nữ không khổ tí nào, thường xuyên nhận được chia sẻ của chị em.
Theo chị Oanh, tư duy dán nhãn, định kiến là nguyên nhân chính dẫn đến vỡ mộng khi lấy chồng ngoại. Trong show hài độc thoại mới nhất trên Netflix, nghệ sĩ Ronny Chieng nói: “Chủng tộc nào cũng có người tốt và người xấu, nguồn gốc của nạn phân biệt chủng tộc là vì chúng ta lấy 10% tệ nhất của chủng tộc này đi so sánh với 10% tinh hoa nhất của chủng tộc khác”.
“Câu chuyện về định kiến trong yêu đương cũng y hệt thế. Bạn chê trai Việt, khen trai Tây vì bạn đang lấy những trai Việt tệ ra so sánh với những trai Tây tốt và ngược lại”, Kim Oanh nói.
Nhà báo, diễn giả Hoàng Anh Tú nói thêm rằng, có thể về mặt ga lăng, đàn ông ngoại giỏi hơn đàn ông Việt. Nhưng nếu lấy chồng chỉ bởi ga lăng thì đã sai ngay từ đầu.
“Đàn ông ngoại quốc cũng có người này người khác và đàn ông vũ phu thì quốc tịch nào cũng có”, ông Tú khẳng định.
Có câu “Đàn ông sao Hỏa – đàn bà sao Kim” để nói về sự khác biệt của hai giới dẫn đến nhiều bất đồng khi yêu và cưới. Việc một phụ nữ lấy chồng ngoại quốc còn bất ổn hơn khi lạ lẫm ở xứ người, thiếu kiến thức, ngoại ngữ, khác biệt văn hóa. Nhiều khi sự quan tâm kiểu Việt Nam lại thành xâm phạm đời tư ở Tây. Một ông chồng Việt bị vợ quát mắng, họ cười xòa cho qua nhưng với chồng Tây lại thành lăng mạ, xúc phạm.
“Tôi có nhiều bạn lấy chồng ngoại vì tình yêu chứ không phải vì anh ta là người ngoại quốc. Vậy mà họ vẫn than thở lấy chồng xa khổ lắm”, ông Tú nói.
Nhà báo Anh Tú khuyên, chị em phụ nữ hãy lấy chồng vì rung động trái tim, bằng sự thiết tha hạnh phúc cho bản thân, chứ đừng vì “đàn bà hơn nhau tấm chồng” hay cải thiện nòi giống, cho con cái sau có quốc tịch nước ngoài hay chỉ vì đàn ông Tây ga lăng hơn đàn ông Việt.
Kim Oanh khuyên, nếu không muốn vỡ mộng, người phụ nữ hãy yêu và xem xét người đàn ông bởi chính con người của họ, chứ không phải vì những nhãn dán lên nguồn gốc, xuất thân, màu da, công việc, hay tôn giáo. “Tất nhiên, bạn có thể xem những yếu tố đó như dữ liệu tham khảo để xem liệu có phù hợp với mình không, nhưng đừng dùng chúng là cơ sở đánh giá một ai đó”, nữ nhà văn hiện sinh sống ở Thụy Sĩ, nói.
Về phần Hải Vân, vài tháng sau khi được giúp ly hôn, cô đã về nước an toàn. Gặp lại luật sư Hiển, cô nói “Anh đã sinh ra em lần nữa”. Quả thật vào đêm giao thừa đó, cô cùng cực tìm số gọi nhiều nơi khác nhau ở Hàn Quốc lẫn Việt Nam, nhưng chỉ có duy nhất luật sư Hiển bốc máy và động viên cô không nghĩ quẩn.
Phan Dương
* Tên một số nhân vật đã thay đổi