Hà NộiHơn 9h tối, Anh Thư mặc đồ kín mít, cố gắng nhịn cơn ho để ra ngoài mua thuốc và đồ ăn, sau hai ngày mắc Covid-19.
Mỗi lần trốn ra ngoài như thế này cô phải rất cố gắng kìm nén sự sợ hãi. “Tôi hiểu rõ mình đang vi phạm quy định phòng chống dịch. Nhưng nếu chấp hành, tôi không chết vì ốm cũng chết vì đói”, nữ nhân viên văn phòng 27 tuổi ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm nói.
Theo quy định, trong thời gian nhiễm bệnh, F0 không được ra khỏi nơi cách ly y tế. Việc tự ý ra ngoài có thể phát tán dịch bệnh cho cộng đồng sẽ bị xử phạt hành chính từ 15 đến 20 triệu đồng.
Để tránh lây nhiễm, Thư mặc đồ kín người, chọn mua hàng sát giờ đóng cửa và cố gắng tích trữ nhiều đồ. Gần 10 ngày cách ly, nữ nhân viên văn phòng thừa nhận lén ra ngoài hai lần.
Chị Hồng Mai, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cũng từng lâm vào cảnh biết sai mà vẫn phải làm như Anh Thư.
Ngày 20/2, chị cùng chồng và con trai mắc Covid-19. Một ngày sau bố mẹ chồng đều trên 80 tuổi ở gần nhà cũng dương tính. Họ hàng cũng đều đang là F0 chẳng thể hỗ trợ được gì. Đặt hàng online cũng chỉ được một số thứ, riêng thuốc và dụng cụ y tế thì không biết đặt ở đâu, Mai đành mặc đồ bảo hộ ra ngoài bất chấp cơn ho dữ dội kèm sốt nhẹ.
“Đó là sự lựa chọn duy nhất”, người phụ nữ 36 tuổi thở dài.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế nói rằng, việc cho F0 tuân thủ 5K và ra ngoài phù hợp tình hình dịch bệnh, dần tiến tới sự thích ứng và bình thường hóa. “Họ ra ngoài để phục vụ nhu cầu cấp thiết như mua thuốc, lương thực, hạn chế tiếp xúc sẽ ít có khả năng làm lây lan dịch bệnh, nhất là khi cả nước có độ phủ vaccine cao”, ông Nga nói.
Cũng theo chuyên gia, hiện có nhiều F0 trong cộng đồng nhưng đa số không biết mình đã nhiễm hoặc cố tình giấu bệnh. Do vậy, vấn đề cốt lõi là ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng, thay vì ỷ lại vào các quy định không còn phù hợp với bối cảnh mới.
Chị Huyền Mai, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai lại bức xúc khi cho rằng quy định cách ly F0 hiện tại quá nửa vời. Lần nhiễm Covid-19 hồi giữa tháng 2, cả ba người trong gia đình chị từng bị yêu cầu ra trạm y tế phường để kiểm tra khẳng định. “Bắt cách ly, cấm ra ngoài đường, nhưng lại yêu cầu đến phường làm xét nghiệm, xin giấy tờ chứng minh F0. Vậy cách ly có nghĩa lý gì?”, cô nói và cho rằng quy định cách ly hiện tại chỉ mang tính hình thức, không triệt để như các đợt dịch đầu.
Mai còn khẳng định, chị biết nhiều người đã nhiễm bệnh nhưng không báo chính quyền vì sợ bị cách ly. Họ vẫn tự do ra ngoài đi ăn, đi làm, bởi quan niệm “ai rồi cũng thành F0”, trong khi lực lượng y tế phường mỏng, việc quản lý, giám sát không thể sát sao.
Trao đổi với phóng viên VnExpress, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam, nhận định việc triển khai cách ly tuyệt đối với F0, F1 như các giai đoạn trước không còn khả thi trong tình cảnh hiện nay. “Bởi F0 không có triệu chứng tăng, tỉ lệ tử vong giảm do được phủ vaccine. Đặc biệt chủng mới lây nhiễm nhanh, việc sàng lọc, xét nghiệm và yêu cầu cách ly rất khó thực hiện”, ông nói.
Trước thực trạng nhiều F0 vẫn lén ra ngoài để mua đồ, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, người bệnh chỉ nên ra ngoài trong trường hợp cấp thiết. Khi đi phải đeo khẩu trang, liên tục sát khuẩn tay, hạn chế đến chỗ đông người, đặc biệt là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Nhưng quan điểm cho phép F0 ra ngoài vẫn cần cẩn trọng, đặc biệt người thiếu ý thức. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP HCM, F0 ra ngoài có thể không tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, nếu họ đeo khẩu trang và không tiếp xúc. “Nhưng họ ra ngoài để làm gì? Nếu họ đến trạm y tế để xét nghiệm, lấy thuốc có thể phù hợp. Ngoài mục đích trên, việc F0 ra ngoài tiếp xúc với nhiều người, đến nhiều nơi chắc chắn tiềm ẩn nguy lây nhiễm”, ông Dũng nói.
Theo chuyên gia này, các nguyên tắc cách ly vẫn cần được cân nhắc kỹ lưỡng và có những phương án xử lý phù hợp, chi tiết với từng trường hợp nhất là trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 liên tục lập đỉnh như hiện nay. Theo số liệu của Bộ Y tế, ngày 14/3, cả nước ghi nhận 265.000 ca nhiễm, tăng hơn 58% trong vòng 7 ngày qua.
Liên Hoa, 26 tuổi, ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy phát hiện dương tính hôm 8/3 nhưng khẳng định sẽ không ra ngoài khi chưa có kết test nhanh hai lần âm tính. “Chỉ cần một F0 không ra ngoài, lượng F1 giảm, số người nhiễm sẽ giảm. Từ đó giảm bớt gánh nặng với ngành y tế và chính các công ty phải ngưng hoạt động vì nhiều nhân viên là F0”, Hoa bày tỏ.
Riêng Anh Thư, cô hy vọng cơ quan chức năng cần linh động điều chỉnh quy định cho phù hợp khi cách ly F0, nhất là những người phải sống một mình. “Cách ly cực đoan không phải là cách để giảm ca nhiễm, điều quan trọng là nâng cao ý thức tự giác và tuân thủ 5K của người dân”, cô nêu ý kiến.
Tối 14/3, nửa ngày sau khi ban hành hướng dẫn mới về cách ly ca nhiễm Covid-19 tại nhà, Bộ Y tế phát thông cáo giải thích lại quy định “F0 được ra khỏi nơi cách ly”.
Theo Bộ Y tế, quy định “người mắc Covid-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác” được giải thích cụ thể như sau: Người mắc Covid-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn giải thích thêm, người nhiễm Covid-19 có thể ra khỏi phòng cách ly, chưa có hướng dẫn về việc được ra khỏi nhà.
Quỳnh Nguyễn