Ứng dụng Utop phục vụ 15.000 người dân mua sắm thực phẩm sau gần 9 tháng triển khai, mang lại dấu hiệu khả quan cho tiểu thương trong dịch bệnh.
Dự án Chợ trực tuyến – Utop đã triển khai số hóa tại các chợ truyền thống trên địa bàn 9 quận trên địa bàn TP HCM. Chương trình hướng tới mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tạo lập không gian giao dịch hàng hóa trực tuyến giữa các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm tại các chợ truyền thống VÀ người tiêu dùng trên địa bàn.
Đại diện Sở Công thương TP HCM cho biết, sau gần 9 tháng triển khai, hiện đã có 21 chợ số hóa, 632 tiểu thương truyền thống bán hàng trực tuyến, kết hợp giao dịch tại chỗ. Trong đó quận Tân Bình là quận đã triển khai nhiều chợ nhất, tổng cộng có 9 chợ đang vận hành phân bổ đều trong khu vực. Tổng cộng có 23 ngành hàng được đăng bán trực tuyến, đơn cử như rau củ, thịt, hải sản, bánh kẹo, thực phẩm chế biến, thực phẩm ăn liền, trái cây, đồ khô, trứng sữa, đồ chay, văn phòng phẩm và đồ dùng gia đình…
Chị Huỳnh Thu, 34 tuổi, TP HCM sử dụng ứng dụng Utop từ những ngày đầu cho biết, tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng ứng dụng ghi điểm với gia đình chị. Utop cung cấp thực phẩm đảm bảo, cho phép bạn kết nối nhanh chóng với các chợ gần nhà. Dịch vụ cho phép người tiêu dùng có thể mua các vật dụng, thực phẩm thường nhật mà không cần phải ra khỏi nhà, giúp tiết kiệm thời gian. Đồng thời, người dùng có thể kiểm tra danh sách các chợ online.
Trước đây, thông thường chị Thu sẽ tranh thủ buổi tối để đi siêu thị, hay ghé các cửa hàng mua sắm đủ thứ. Cả nhà ưa thích hải sản tươi sống, không chuộng các thực phẩm đông lạnh. Thông thường, để đáp ứng nhu cầu ăn uống của các thành viên, 2 ngày trong tuần, chị sẽ dậy sớm để đi chợ mua cá, tôm.
Tuy nhiên, với ứng dụng Utop – mô hình chợ trực tuyến những khó khăn được tháo gỡ. Chị dễ dàng truy cập chợ thực phẩm gần nhà. Chị Thu tìm thấy những sạp hàng quen thuộc khi chị đi chợ truyền thống. Chị yên tâm hơn khi đặt hàng ở những sạp này.
Với góc độ tiểu thương, chị Phúc, chủ cửa hàng bán thịt heo tại chợ Võ Thành Trang (quậnTân Bình, TP HCM) cho biết, bản thân không nghĩ đến gian hàng của gia đình có thể bán online. Tuy nhiên, điều đó trở thành hiện thực khi nhân viên Utop đến hỗ trợ. Chị sử dụng Utop từ tháng 11, nhân viên hỗ trợ đăng tải bán hàng, khi có khách đặt đơn sẽ gọi điện thông báo để tiểu thương chuẩn bị. Từ ngày có Utop, mỗi ngày chị bán thêm 20 đơn, nếu có khuyến mãi giảm giá thì giảm con số cao hơn.
Với mô hình kinh doanh mới, chị Phúc hy vọng bản thân sẽ thuần thục cách bán hàng thời 4.0, tiếp cận người tiêu dùng trên nhiều phương diện. Xa hơn, chị mong muốn công việc làm ăn suôn sẻ, bán hàng thuận lợi, gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Đại diện Sở Công thương TP HCM cho biết, chuyển đổi số trong kinh doanh hiện nay là xu thế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp. Chợ truyền thống cũng đứng trước áp lực buộc phải thay đổi hình thức kinh doanh để có thể thích ứng và cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi.
Việc gia tăng các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước về chợ trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong quản lý, phục vụ hoạt động của chợ truyền thống là một trong các yêu cầu cấp thiết. Qua đó, hỗ trợ nâng cao khả năng thích ứng của hệ thống chợ trong tình hình mới, góp phần tác động đến quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động hiệu quả của các chợ truyền thống.
Theo đó, tiểu thương chợ truyền thống cũng không nằm ngoài cuộc của những chuyển đổi này. Họ cần nhanh chóng thích nghi, tận dụng nhiều hình thức bán hàng để làm phong phú, đa dạng phương thức kinh doanh, bắt kịp với xu thế chung của thị trường, góp phần hiện đại hóa các hoạt động thương trường.
Lê Nguyễn