Cha mẹ ích kỷ và thờ ơ với cảm xúc của con cái ảnh hưởng rất lớn đến thời thơ ấu của trẻ, khiến chúng sống trong hoài nghi, bất lực và sự sợ hãi.
Khó khăn trong giao tiếp xã hội và thiếu tin tưởng người khác
Nhiều cha mẹ không hỗ trợ con những điều cơ bản khi chúng cần hoặc khiến con cái sống trong cảm giác cần phải đề phòng. Lối sống đó đẩy đứa trẻ vào tình trạng luôn lo lắng và sợ hãi, thiếu tin tưởng và cởi mở với người khác.
Thường xuyên bị lạm dụng, ngược đãi và bỏ rơi cả về thể chất lẫn tình cảm, vẽ nên trong đầu trẻ một bức tranh riêng về quan hệ xã hội. Chúng không thể hiểu quan tâm là gì, mối quan hệ lành mạnh sẽ như thế nào. Trong tiềm thức, đứa trẻ luôn nghĩ và chờ đợi người xung quanh gây sự, đòi hỏi, đổ lỗi cho mình về điều gì đó.
Khó khăn khi đối phó với thất bại
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong một môi trường gia đình độc hại liên tục cảm thấy như chúng không đủ tốt, thậm chí vô giá trị.
Cha mẹ luôn đưa ra những yêu cầu quá mức với con mình, đổ lỗi nếu trẻ không thể đáp ứng. Điều đó khiến đứa trẻ tự ti, thiếu khả năng tự chăm sóc, phục hồi tinh thần sau sai lầm. Đó là lý do sai lầm hoặc thất bại nhỏ có thể khiến chúng hoảng sợ và nổi cơn thịnh nộ.
Nhận thức không đúng về mình
Sự tôn trọng và tinh thần tích cực trong một gia đình là một yếu tố quan trọng với sức khỏe tâm thần của các thành viên. Nó cũng cần thiết như cảm giác được yêu, được chăm lo.
Nếu mối quan hệ giữa một đứa trẻ và cha mẹ chỉ là bạo hành, chúng sẽ gặp vấn đề về nội tâm, nhận diện bản thân và lòng tự trọng, dẫn đến những tác động tiêu cực như lo lắng, thậm chí trầm cảm.
Chỉ trích bản thân
Bố mẹ độc hại khiến con có lòng tự trọng thấp, cảm giác mình ngu ngốc, không xứng đáng đạt được thứ gì đó tốt hơn.
Những đứa trẻ này thường chỉ trích bản thân, do dự và khổ sở. Chúng nghĩ mình tệ hơn người khác rồi tự đau khổ, dằn vặt vì điều đó.
Ưu tiên cảm xúc của người khác hơn mình
Cha mẹ bạo hành bằng lời nói hoặc thể xác bỏ mặc cảm xúc của con cái, nếu trẻ cố gắng thể hiện cảm xúc sẽ bị ngược đãi nhiều hơn. Kết quả là, đứa trẻ quen với việc che giấu nỗi đau, sự phẫn uất và tức giận. Xa hơn nữa trong cuộc đời, chúng dần ưu tiên cảm xúc của người khác hơn cảm xúc của mình.
Kìm nén cảm xúc cũng ảnh hưởng đến việc tự xác định giá trị bản thân. Đứa trẻ khó hiểu nó là ai, cảm thấy thế nào và muốn gì trong cuộc sống. Vì vậy, chúng không thể phát triển bản thân trong những lĩnh vực quan trọng vì luôn bị kìm hãm về mặt tinh thần.
Rối loạn lo âu
Những đứa trẻ xuất thân từ gia đình độc hại thường mắc chứng rối loạn lo âu. Điều này xảy ra do gia đình bất ổn, trẻ bị ngược đãi về tinh thần và thể chất và thiếu an toàn. Trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung, cáu kỉnh, bồn chồn, lo lắng và căng thẳng.
Thấy bất lực
Cha mẹ độc hại đôi khi không chịu thừa nhận con mình đã trưởng thành. Bất kể đứa trẻ bao nhiêu tuổi, họ luôn muốn kiểm soát, chỉ huy. Nếu gặp bất kỳ sự phản kháng nào, họ sẽ hành động để đứa con mang cảm giác tội lỗi.
Nếu một đứa trẻ không được phép tự quyết định, bị xâm phạm quyền riêng tư và không độc lập, sức khỏe tâm thần của chúng sẽ bị ảnh hưởng. Con bạn có thể phát triển lo lắng, sợ hãi khi bắt đầu một cái gì đó mới, không thể hòa nhập với xã hội.
Nhật Minh (Theo Brightside)