Thanh HóaĐàn cá sống trong hang núi ở huyện vùng cao Bá Thước gắn với nhiều câu chuyện kỳ lạ, chẳng hạn báo hiệu trời nắng hay mưa.
Gần đây, nhiều du khách đổ về bản Chiềng Ban, xã Văn Nho để được tận mắt chứng kiến đàn “cá thần” sinh sống trong một miệng hang, nơi khởi nguồn của một dòng suối nhỏ. Đây là hang “cá thần” thứ ba được phát hiện tại Thanh Hoá sau hang Cẩm Lương và Cẩm Liên, huyện Cẩm Thuỷ.
Suối cá Văn Nho nằm cách thành phố Thanh Hoá gần 120 km, mất chừng gần 3 tiếng di chuyển bằng xe máy hoặc ôtô. Hang cá nằm tựa lưng vào dãy núi lớn, rộng khoảng một hecta. Phần lộ thiên là hồ nước nhỏ hình bán nguyệt, nước từ trong lòng núi chảy ra quanh năm trong vắt và dường như không bao giờ cạn dù hạn hán có kéo dài bao lâu.
Bà Lương Thị Khoán, 68 tuổi, người trông coi đàn cá, cho hay dân bản Chiềng Ban, kể cả những người cao niên nhất cũng không biết đàn cá có từ bao giờ. Cha ông họ lớn lên đã thấy hang cá kỳ lạ này. Đến cửa hang, chỉ cần rải chút thức ăn bằng cơm, mì tôm, rau xanh hoặc vỗ tay tạo tiếng động thì cá túa ra từng đàn hàng nghìn con, chúng quẫy nước tạo ra những lớp sóng xốn xang dòng nước rất vui mắt. Bà Khoán và dân bản địa khẳng định, nhiều con cá lớn vẫn ẩn đâu đó trong lòng núi, ít khi xuất hiện. Chưa có ai từng lặn vào trong khám phá lòng hang nên không biết nó dài rộng ra sao.
Điều kỳ lạ là đàn cá có thể thay đổi màu sắc theo thời tiết, báo hiệu trời nắng hay mưa. “Khi cá đổi thành màu xanh đen thì trời sẽ có mưa bão còn khi cá có màu xanh vàng, vây cá có màu hồng hoặc xanh đỏ thì trời tạnh ráo, nắng đẹp…”, bà Khoán nói và cho hay nhờ tín hiệu từ lũ cá, người dân trong làng có thể chọn ngày xuống đồng, lên nương đúng mùa vụ mà có khi không cần xem dự báo thời tiết.
Sống trong lòng hang chật hẹp song đàn cá không bao giờ rời khỏi “lãnh địa” của chúng, kể cả khi không tìm được thức ăn. Ông Hà Văn Thân, sống ngay gần cửa hang, cho hay có năm vào mùa mưa, nước dâng cao tràn lên cả mặt đập hàng mét, dân bản lo sợ đàn cá sẽ rời đi song sáng hôm sau “không mất một con”.
Xung quanh suối cá thần Văn Nho hiện lưu truyền nhiều câu chuyện mang màu sắc liêu trai, khó lý giải. Cư dân coi đây là loài cá thiêng, không ai dám đánh bắt vì cho rằng đàn cá gắn với huyền thoại về người con gái Chiềng Ban hy sinh thân mình để đổi lấy bình yên cho làng bản. Tương truyền xưa kia, nơi đây có thiếu nữ nổi tiếng xinh đẹp, dịu dàng, làm nương, dệt vải đều rất giỏi. Một ngày đầu xuân, nàng đến cửa hang dạo chơi. Đang đứng bên bờ suối thì một trận cuồng phong ập đến cuốn nàng vào lòng núi. Dân bản đốt đuốc đi tìm nhiều ngày không thấy tung tích. Họ sau đó tin rằng nàng đã “bị thuồng luồng bắt làm vợ”.
Chuyện kể rằng, đến ngày mẹ mất, nàng cùng chồng trở về chịu tang. Chồng nàng do thuồng luồng biến thành, tướng mạo khôi ngô, tuấn tú. Viếng mẹ xong, giông bão lại nổi lên, nàng và chồng biến mất, từ đó không trở về bản nữa. Chiềng Ban sau đó quanh năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt – dân bản tin rằng “bà chúa cá” do người con gái hoá thành đã phù hộ họ nên lập đàn cúng và bảo nhau cùng chăm sóc đàn cá ấy.
Ông Hà Văn Thân quả quyết từng nhìn thấy “bà cá chúa” thân hình to lớn, với chiếc vảy màu vàng lấp lánh gần mang, tựa như chiếc khuyên vàng ngày xưa nàng đeo. Cũng bởi câu chuyện mang yếu tố thần thoại truyền đời ấy mà người dân địa phương tin rằng, nếu ai làm hại cá thì đều không tránh khỏi tai họa.
Theo lời ông Thân, trước kia khi còn thời Pháp thuộc, có tên chánh tổng tham lam, do ăn cá ở hang này sau đó chết thảm. Cũng khoảng 40 năm trước, có người miền xuôi lên, khi ngang qua đã đánh mìn bắt cá về ăn bất chấp lời can ngăn của dân bản. Chưa ăn xong bữa, ông này bị sét đánh mất mạng… Chứng kiến nhiều câu chuyện lạ, có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên nên người dân càng tỏ ra kính trọng thần cá. Ông Thân bảo, những lời đồn có thể vô căn cứ, song chính nó đã giúp gìn giữ đàn cá, tạo nên sức cuốn hút để du khách tìm đến với Chiềng Ban.
UBND xã Văn Nho và huyện Bá Thước đang xây dựng phương án quy hoạch, xây dựng Chiềng Ban thành điểm du lịch cộng đồng với điểm nhấn là suối cá thần huyền bí.