Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Có nên khen trẻ thông minh?

Có nên khen trẻ thông minh? Thông tin
Rate this post

Các chuyên gia tâm lý, giáo dục cho rằng, học sinh sẽ tiến bộ hơn nếu được khích lệ, động viên và việc khen trẻ thông minh sẽ khiến chúng giảm động lực cố gắng.

Năm 1968, tiến sĩ tâm lý học Robert Rosenthal của Đại học Harvard từng thực hiện thí nghiệm nổi tiếng tại một trường tiểu học ở San Francisco. Ông vào một lớp bình thường, chọn một vài cái tên ngẫu nhiên và nói với hiệu trưởng rằng những em này rất thông minh. Hiệu trưởng đưa danh sách cho cô giáo chủ nhiệm. Tám tháng sau, Rosenthal và trợ lý quay lại, điểm số của các học sinh trong danh sách tăng lên đáng kể.

Bí quyết rất đơn giản: Giáo viên chú ý đến chúng nhiều hơn. Bọn trẻ không hề biết mình được đánh giá “thông minh”, nhưng lại nhận được sự quan tâm và đánh giá cao hơn của cô giáo.

Điều này chứng tỏ, sự động viên, đánh giá cao, khích lệ của thầy cô giáo đối với những học sinh của mình, kể cả những học sinh giỏi hay học sinh yếu kém đều mang đến những kết quả thực sự tích cực cho những học sinh đó.

“Bản chất của giáo dục là khích lệ, cổ vũ, thức tỉnh”, Rosenthal từng nói. Người nào biết cách cổ vũ và khích lệ học sinh thì người đó sẽ thành công.

Nhà triết học John Dewey từng nói: “Khao khát và động lực sâu xa nhất trong bản chất của nhân loại chính là hy vọng bản thân có được tầm quan trọng”. Vì vậy, hình thành thói quen dùng nghệ thuật khen ngợi, khuyến khích đúng lúc khiến người xung quanh cảm thấy rằng họ quan trọng có thể giúp họ có khuynh hướng biểu hiện những hành vi tốt đẹp, duy trì được các mối quan hệ xã hội tích cực, mỗi người trong vòng tròn gắn kết ấy có thể càng cảm nhận được ý nghĩa và hạnh phúc của cuộc sống.

Tuy vậy cách khen ngợi, động viên như thế nào cho đúng, không phải bố mẹ nào cũng biết.

Tiến sĩ Carol Dweck,Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Stanford, Mỹ đã tiến hành nghiên cứu với 400 học sinh phổ thông. Trong các thử nghiệm, bà Dweck đề nghị các em hoàn thành một số câu đối tương đối dễ, sau đó phân loại các em một cách ngẫu nhiên thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất được khen ngợi về trí thông minh bẩm sinh, nhóm thứ hai được khen ngợi bởi sự nỗ lực.

Sau đó, mỗi đứa trẻ lại được kiểm tra thêm một lần nữa, nhưng lần này các em được phép lựa chọn giữa một bài khó và một bài dễ hơn. 90% số trẻ được khen ngợi về sự nỗ lực đã chọn bài kiểm tra khó. Trong khi đó, phần lớn nhóm trẻ được khen ngợi về sự thông minh lại chọn bài dễ.

Nghiên cứu của nhà tâm lý học Carol Dweck chỉ ra rằng những trẻ được khen ngợi vì “thông minh” thường tin rằng mỗi thử thách chúng gặp là một bài kiểm tra xem chúng có thật đúng là thông minh hay không. Vì thế, chúng sẽ tránh tình huống lộ ra là mình không biết, nên không muốn nhận những thử thách mới và chọn đường đi dễ nhất cho mình.

Ngược lại, những đứa trẻ hiểu rằng nỗ lực và làm việc chăm chỉ là con đường dẫn tới sự làm chủ và phát triển thường tỏ ra sẵn sàng đón nhận các thử thách mới và khó khăn hơn.

Nói cách khác, nếu đứa trẻ tin rằng trí thông minh của chúng có thể được phát triển, chứ không phải một thứ cố định, sẽ được trang bị tốt hơn để đối phó với các trở ngại.

Có nên khen trẻ thông minh? Thông tin

Những đứa trẻ chăm chỉ thường sẵn sàng đón nhận những thử thách mới và khó khăn hơn. Ảnh minh họa: zhihu

Nghiên cứu của nhà tâm lý học Carol Dweck có thể là một gợi ý cho các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con, đó là nên khen ngợi nỗ lực và cách làm, không khen trí thông minh của con.

Tài năng của đứa trẻ không cần được đặc biệt nhấn mạnh, thái độ tích cực và chăm chỉ thể hiện cho mục tiêu là trọng tâm của sự khen ngợi. Để khen ngợi một đứa trẻ, việc đầu tiên là phải khen thích đáng, nội dung cụ thể, để trẻ hiểu mình đang làm tốt như thế nào.

Ví dụ, khi trẻ đang làm xong việc nhà, có thể nói với trẻ: “Bây giờ mọi thứ trong bếp đều được gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Mấy chiếc tủ và cả nền nhà con cũng lau chùi sạch bóng, ngồi ở đây thật dễ chịu làm sao. Cảm ơn con của mẹ nhé, quét dọn bếp không phải là chuyện dễ mà con còn làm chu đáo thế này, mẹ rất hài lòng”. Bà mẹ nói rõ những việc con đã làm tốt và thành quả nỗ lực ra sao, còn bày tỏ sự biết ơn đối với con. Cách tán dương này khiến người nghe hiểu được mình được khen ngợi vì điều gì, cảm thấy công sức của mình được thừa nhận và trân trọng, từ đó đem lại niềm vui và ý nghĩa thật sự.

Thứ hai, đừng đem lời tán dương thành câu cửa miệng, bởi khiến trẻ cảm thấy “dư thừa và vô vị”, chúng không muốn hoàn thiện bản thân nữa vì nghĩ rằng mọi thứ mình làm đều rất tốt rồi.

Thứ ba, là đừng so sánh với người khác khi khen. “Thật tuyệt vời khi con đã thắng được bạn ABC!” Thế giới thắng thua là thứ lặp đi lặp lại. Không phải lúc nào trẻ cũng có thể giành chiến thắng, và cho dù thắng bao nhiêu lần chăng nữa thì trẻ cũng cần phải học cách vươn lên.

Thay vì so sánh với người khác, hãy so sánh với chính trẻ trong quá khứ. “Hai tháng trước, con mới bơi được đoạn ngắn mà nay đã được một đoạn dài như vậy rồi, con mẹ giỏi quá!”.

Vy Trang (Theo aboluowang)

Hoa tiền