Trung QuốcBị mù năm 14 tuổi, Xiao Jia hiện là chuyên gia trang điểm, truyền cảm hứng cho hàng nghìn phụ nữ khiếm thị.
Bảy năm trước, cô gái khiếm thị Xiao Jia từng hỏi đường một người đi bộ ở Bắc Kinh. Thay vì giúp đỡ, người này cho rằng cô là kẻ lừa đảo khi thấy lớp trang điểm hoàn hảo trên mặt. “Cô không nhìn thấy đường mà trang điểm được à?”, người này chất vấn Xiao, sau đó cười lớn và bỏ đi.
Sau lần ấy, Xiao quyết tâm trở thành một nghệ sĩ trang điểm chuyên nghiệp và dạy cho những phụ nữ khiếm thị khác. “Bị mù không thể trang điểm sao? Không những tự trang điểm, tôi sẽ dạy cho những người cùng cảnh ngộ làm được giống mình”, cô dặn lòng.
Xiao Jia cho biết, dù không thể nhìn nhưng cô học trang điểm bằng cách sử dụng cảm nhận qua tiếp xúc. Bằng cách dùng môi, Xiao nhận biết được hướng của lông mi giả; dùng ngón tay chạm vào da, cô hiểu được cấu tạo của từng loại da và đặc điểm trên khuôn mặt, để biết nên dùng loại mỹ phẩm nào, liều lượng ra sao. Cô nói, khi thấy lượng bột rơi trên tay lúc lắc cọ tán bột, có nghĩa bạn sử dụng quá nhiều phấn.
“Trang điểm không hẳn phải thay đổi một con người, nhưng khiến họ thấy thoải mái, giúp phá vỡ những giới hạn, định kiến. Mọi người đều có quyền trở nên xinh đẹp, dù nhìn thấy hay không”, Xiao nói.
Tốt nghiệp cấp 2 ở tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc, Xiao được gia đình gửi đến trường dạy nghề chuyên biệt cho người mù. Học sinh đa phần là nam, được định hướng học các liệu pháp xoa bóp.
Kiến thức và kỹ năng ở trường còn hạn chế, nhưng Xiao nói bản thân rất may mắn vì hiếm nữ sinh khiếm thị ở Trung Quốc được đi học. “Mọi người thường nghĩ một cô gái mù không cần đi học. Nhiệm vụ của cô ấy là lớn lên và kết hôn vào một ngày nào đó”, cô nói.
Tốt nghiệp, Xiao mở tiệm massage ở quê. Do khan hiếm lao động nữ, mỗi tháng Xiao kiếm được 2.000 tệ (300 USD), gấp 3 lần nhân viên massage nam. Nhưng Xiao nhanh chóng bỏ nghề vì thường xuyên bị khách hàng quấy rối tình dục, vấn nạn nhức nhối với nhân viên massage nữ ở Trung Quốc.
Năm 20 tuổi, Xiao rời quê đến Bắc Kinh để tìm cơ hội tốt hơn, nhưng bị gia đình ngăn cản. “Làm thế nào một người mù có thể sống ở một nơi xa lạ, không người thân”, gia đình Xiao hoài nghi. Bất chấp sự phản đối của người thân, cô đến Bắc Kinh với sự giúp đỡ của một người bạn mù, người sau này sẽ thành chồng của Xiao.
Thời gian này, cô xin làm công việc viết tốc ký, tham gia một tổ chức phi chính phủ trước khi theo học các kỹ thuật trang điểm năm 2015, trước khi dạy trang điểm cho phụ nữ khiếm thị một năm sau.
Hiện, cô gái 30 tuổi là chuyên gia trang điểm, dạy hàng nghìn phụ nữ khiếm thị cách làm đẹp qua các lớp học trực tuyến và trực tiếp.
Xu Wei, một trong những người được Xiao đào tạo, vừa gửi một video cảm ơn đến cô giáo. “Suốt khóa học kéo dài 21 ngày tôi thấy thật hạnh phúc. Tôi đã tìm lại sự tự tin cho bản thân, như khoảng thời gian chưa hỏng mắt”, Wei nói.
Minh Phương (Theo SCMP)