Địa điểm mới

Chàng trai đánh giày trả ơn đời

TP HCMKhóa học chụp ảnh miễn phí 3 tháng biến cậu bé bụi đời Hồ Quốc Thống trở thành chủ studio nên 15 năm qua, anh lại tình nguyện dạy nghề cho bất kỳ ai muốn học.

Chiều cuối năm, ông chủ studio ảnh cưới Hồ Quốc Thống ở quận 12 bận rộn bởi lịch chụp hình Tết kín mít. Sau một ngày làm việc, vừa về nhà chưa kịp cơm nước, Thống nhận được tin nhắn của một chàng trai không quen biết ở Đồng Nai. Người đó có một tiệm chụp hình nhỏ nhưng tay nghề còn non, khách thường một đi không trở lại. Sau dịch, việc làm ăn càng trở nên khó khăn nên xin gặp Thống để được học nâng cao tay nghề.

Thống đồng ý ngay, hẹn chàng trai lên Sài Gòn gặp mình vào sáng hôm sau. “Tôi không quan tâm họ có hoàn cảnh khó khăn hay không, miễn họ muốn học nghề là tôi giúp. Biết đâu chỉ từ một cái duyên nhỏ, sẽ giúp họ thay đổi cuộc đời giống tôi của 20 năm về trước”, Thống chia sẻ.





Địa điểm giải trí PSX-20220126-003132-3607-1643132779 Chàng trai đánh giày trả ơn đời Thông tin

Hồ Quốc Thống trong một buổi chụp hình cưới cho khách, đầu năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quốc Thống là anh lớn trong gia đình có ba người con ở Quãng Ngãi. Nhà nghèo, bố mẹ làm nông nên chỉ lo được cho ba anh em đủ ăn. Năm 12 tuổi, anh nghỉ học, theo người làng vào Sài Gòn lập nghiệp. Cậu bé Thống được gửi vào ở chung với người cậu làm nghề mua ve chai ở quận 3. Mỗi ngày, trong khi người cậu đẩy xe mua ve chai thì anh lẽo đẽo theo chân, bán vé số.

Thân hình nhỏ thó, tay trái bị tật, cầm nắm yếu nên Thống hay bị giật vé số, nhiều hôm đứt vốn. Được gần một năm, gia đình người cậu gặp biến cố nên không thể ở chung. Thống đi ở trọ với nhiều người đồng hương làm nghề bán báo. Ba năm không về quê, Thống chưa từng dư ra khoản tiền nào gửi về cho gia đình như anh từng ao ước.

Năm 16 tuổi, Thống theo bạn bè dọn ra riêng, làm đủ nghề từ đánh giày, vé số, phụ hồ để kiếm sống. Không còn tiền thuê trọ, cả nhóm kéo nhau ngủ gầm cầu, sân chung cư, tắm giặt ở nhà vệ sinh ở sân ga. Thời gian đó, mỗi năm anh chỉ viết về cho gia đình một lá thư. “Tôi đã trở thành trẻ bụi đời đúng nghĩa”, Thống nói.

Tuy từng sa vào nhiều thói hư, thậm chí tệ nạn nhưng may mắn vẫn thoát ra được. “Tôi luôn ghi nhớ mình vào Sài Gòn để kiếm tiền, không phải để hư hỏng, mặt mũi nào về quê nhìn ba mẹ”, Thống trải lòng.

Giữa năm 2003, trong lúc đang đi đánh giày, Thống gặp lại một người bạn cũ từng ngủ gầm cầu trước đây với mình. Cậu bạn cho biết giờ đang học nghề nhiếp ảnh, xử lý hậu kỳ nhưng đã có thể làm kiếm thu nhập. Thấy người bạn cùng cảnh giờ ăn mặc sạch sẽ, có tiền, Thống nhờ xin để được học. Anh được nhận vào lớp nhiếp ảnh căn bản của Hội bảo trợ trẻ em đường phố quận Bình Thạnh. Suốt ba tháng, sáng anh đi học, chiều về đánh giày.

“Lần đầu tiên chạm vào máy ảnh, tôi đã tin đây là cơ hội đổi đời của mình”, Thống nói.





Địa điểm giải trí 15823613-875372859272307-75177-7062-2096-1643132779 Chàng trai đánh giày trả ơn đời Thông tin

Quốc Thống (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) được bình chọn là Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2007 vì những nỗ lực và đóng góp cho cộng đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khóa học kết thúc, thấy Thống muốn được tiếp tục học nghề, người quản lý đã ngỏ ý giới thiệu anh đến mái ấm “Trẻ lớn hội nhập nghề nghiệp” quận Bình Thạnh. Ở đây, Thống được nuôi ăn ở, mỗi ngày đạp xe gần 10 km đến một tiệm ảnh ở quận 5 để trực tiếp học về xử lý hậu kỳ đến 10 giờ tối.

Sau hơn một năm, anh thấy nản lòng vì vẫn chưa có lương chính thức nên năm 2004, Thống xin thầy cho nghỉ học, liều mình đi xin việc. Anh được nhận vào làm trong một studio ảnh cưới với mức lương 2,8 triệu đồng, bao ăn cơm trưa. Sau nửa năm, anh xin ra làm riêng, từ một nhân viên trở thành đối tác xử lý hậu kỳ của tiệm ảnh, đồng thời cũng nhận nhiều đơn hàng từ nhiều tiệm khác. Một năm sau, anh mua được xe máy và dàn máy tính để làm việc. Cũng từ đây, những học viên khóa sau của mái ấm được gửi gắm để Thống đào tạo nghề.

“Đây cũng là lúc tôi dẫn em gái vào Sài Gòn lo học đại học còn em trai thì học nghề quay phim. Sau 8 năm rời quê, tôi đem được một số tiền về phụ ba mẹ sửa nhà”, Thống chia sẻ.

Với những đóng góp của mình, năm 2007, Thống trở thành “Công dân trẻ tiêu biểu của TP HCM”. Anh được Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam hỗ trợ vốn. Vay được 85 triệu đồng, anh mở một studio ảnh cưới ở quận 12 vừa làm vừa dạy nghề cho trẻ ở mái ấm và bất kỳ ai muốn học nghề.

Hơn 15 năm qua, Thống đã đào tạo được hàng trăm tay máy, trong đó theo anh có khoảng 60 học viên đã có sự nghiệp thành công.





Địa điểm giải trí PSX-20220126-001733-1731-1643132779 Chàng trai đánh giày trả ơn đời Thông tin

Lê Tấn Tây đứng trước cửa tiệm của mình ở Quảng Ngãi, cuối năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lê Tấn Tây, 33 tuổi quê Sa Huỳnh, Quãng Ngãi là một trong những học trò đáng nhớ nhất của Thống.

Tấn Tây từng tốt nghiệp cao đẳng nhưng ròng rã hai năm vẫn không xin được việc làm do một bên chân trái bị teo nhỏ. Năm 2016, cha anh dự một đám cưới mà Thống là tay máy chính. Thấy Thống cũng có khiếm khuyết ở tay nhưng chụp hình giỏi, người cha hỏi thăm và biết anh còn dạy nghề miễn phí nên xin cho con trai theo học. Tây được nhận ngay sau đó, sau hai năm anh về quê mở một studio chụp hình gia đình, em bé.

“Ban đầu tôi ngại chụp hình cưới, vì nghĩ mình khiếm khuyết không làm được nhưng bây giờ tôi có thể tự tin làm tốt. Nhờ anh Thống mà cuộc đời tôi rẽ sang một trang tốt đẹp hơn”, Tây chia sẻ.

Dù đã giúp được nhiều người nhưng Thống vẫn chưa hài lòng. Anh mong sẽ có ngày mình có đủ khả năng lập một lớp nhiếp ảnh miễn phí như ngày xưa mình được học. Anh luôn tâm niệm, ngoài sự cố gắng của bản thân, thì cuộc đời đã ưu ái cho anh gặp được nhiều cơ hội tốt, người thấy tốt, vì thế, anh muốn trả ơn bằng cách cho đi những điều mình từng được nhận.

“Lúc đó, tôi chỉ toàn tâm truyền nghề mà không phải lo chuyện cơm áo. Năm nay tôi 36 tuổi, tôi thấy mình vẫn trẻ và tin trong tương lai mình sẽ làm được”, Thống cười.

Diệp Phan