Bún là món ăn dân dã và dễ chiều lòng người nhất. Một bát bún thơm ngon, bổ dưỡng sẽ lấy lại năng lượng nhanh chóng cho những ngày nghỉ lễ.
1. Bún giả cầy
Những tín đồ ẩm thực đường phố Hà Nội sẽ khó quên hương vị bún giả cầy với thịt chân giò mềm nhưng vẫn giữ nguyên bì giòn sần sật, nước sóng sánh vàng, dậy mùi thơm của riềng mẻ, mắm tôm. Gắp từng cuộn bún trắng mềm chấm đẫm vào bát nước sóng ánh vàng, ngầy ngậy ấy thì bao nhiêu thức quà khác đều nhường chỗ.
Với nguyên liệu đơn giản, cách làm chú ý nêm nếm gia vị sao cho ”già riềng non mẻ”, thêm chút tương bần dậy hương vị xưa.
Để nấu móng đủ mềm, thịt chân giò không nhừ quá thì cần cho móng giò ninh trước, sau 15 phút mới cho thịt chân giò vào sau. Một số nơi thay nghệ bằng tiết loãng cho vào gần cuối làm món ăn có vị như rựa mận.
=>> Xem cách làm: Bún giả cầy
2. Canh cá Quỳnh Côi
Canh cá Quỳnh Côi từ khoảng thế kỷ 17 đã được ghi vào danh sách các món ngon đặc trưng của Thái Bình. Ngày nay, món ngon này được liệt kê vào top các món bún phở ngon của Việt Nam. Với nguyên liệu bình dị thường ngày như cá rô đồng, bánh đa, rau linh hoạt theo mùa… qua sự chế biến tỉ mỉ, khéo léo tạo nên hương vị đồng quê rất đỗi mộc mạc, thân thương.
Theo thời gian, canh cá Quỳnh Côi lan tỏa tới mọi miền đất nước và có những phiên bản khác nhau, nhưng hương vị món ăn gốc vẫn luôn ghi dấu bởi đúng chất mộc nhưng lại tinh tế riêng như nét đẹp người dân nơi đây. Bạn có thể tự tay làm món ngon chuẩn vị này tại nhà.
=>> Xem cách làm: Canh cá Quỳnh Côi
3. Bún riêu cua đồng
Bún riêu cua đồng cuốn hút tín đồ ẩm thực bởi nét hồn hậu, bình dân. Từng sợi bún óng mềm ngập trong bát riêu cua vàng ươm, điểm chút mắm tôm dậy vị, ăn cùng rau diếp non thái nhỏ thì mệt mỏi đều tan biến. Bún riêu cua Hà Nội truyền thống chỉ có vị mộc từ thịt riêu cua, gạch cua, cà chua và hành hoa.
Theo thời gian, để ”chiều” lòng người, bún riêu có biến tấu thêm giò tai, đậu phụ chiên, trứng vịt lộn vào để topping thêm phần phong phú. Chú ý khi chế biến nên giã cua bằng cối và thêm chút muối hạt để tạo độ kết dính cho protein giúp lấy được nhiều thịt và đóng tảng khi nấu hơn là việc xay.
=>> Xem cách làm: Bún riêu cua đồng
4. Bún thịt nướng
Bún thịt nướng là món ngon phổ biến ở Nam bộ. Một bát bún với topping phong phú gồm thịt nướng thơm, mềm ngọt tự nhiên hòa quyện với rau xanh, bún sợi và nước mắm chua ngọt tạo nên một bức tranh nhiều sắc màu hấp dẫn.
=>> Xem cách làm: Bún thịt nướng
5. Bún xào rau cần
Bún xào rau cần (còn gọi là món ‘xêu bà Chúa’) là món ăn cổ truyền ở Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Tương truyền rằng, trong lúc chuẩn bị yến tiệc đãi khách cho lễ dạm hỏi công chúa Mỵ Châu, người làm bếp vội vã nên làm đổ bột gạo vào chiếc rổ đang đặt trong vạc nước sôi. Khi nhấc rổ lên, bột gạo kết thành các sợi dài màu trắng rất ngon. Sẵn còn mỡ lợn và rau cần đang vào mùa, người này tiếc ”sợi gạo” nên đã xào cùng rau cần. Bất ngờ thay khi thưởng thức món này, các quan khách đều khen ngợi. Từ đó, món ‘xêu’ trở thành đặc sản của Cổ Loa, dần dà lan ra khắp vùng đồng bằng Bắc bộ, gắn liền với ý nghĩa của ngày dạm hỏi Mỵ Châu.
Món ăn gốc chỉ có bún xào với rau cần. Theo khẩu vị, bạn có thể linh hoạt thêm thịt bò, thịt lợn hoặc tóp mỡ tùy thích. Nếu sử dụng bún Mạch Tràng (được làm thủ công, sợi dài) thì ngon nhất. Một số người dân nơi đây có cách làm khác là bún ướp chút nước mắm, hạt nêm, mỡ lợn cho tơi ra và thấm vị rồi sau đó mới xào.
=>> Xem cách làm: Bún xào rau cần
6. Bún cá
Đây là món bún bình dân, xuất hiện ở nhiều vùng miền trong cả nước với các biến tấu topping phù hợp khẩu vị. Với nước dùng thanh dịu, từng miếng cá vàng ươm, giòn ngon, giữ vị mộc luôn ”đắt khách” hơn bao giờ hết. Linh hồn của món ăn này chính là bí kíp chiên cá phi lê làm sao giữ được hương vị mà vẫn giòn lâu.
Cần chú ý: phi lê cá sau khi rửa sạch cần để ráo nước hoàn toàn, xóc chút muối cho đậm vị. Đun sôi dầu nóng từ từ rồi mới cho cá vào theo mẻ. Chờ cho mặt cá vàng giòn mới lật trở.
=>> Xem cách làm: Bún cá
7. Bún sườn nấu sấu
Theo Đông y, quả sấu có tính bình, vị chua khi còn xanh và hơi ngọt khi chín. Loại quả này có tác dụng giải khát, giải độc, giải rượu, trị đau họng, giảm ho, nổi mẩn ngứa… Với vị chua thanh đặc trưng, quả sấu được nhiều bà nội trợ ưu ái đưa vào chế biến món bún sườn thanh mát cho ngày hè.
Món ăn này nguyên liệu và cách chế biến đơn giản, phù hợp mọi lứa tuổi. Sườn thịt mềm, róc xương, đậm vị; nước dùng chua thanh vừa phải.
=>> Xem cách làm: Bún sườn nấu sấu
Bùi Thủy