Nhiều người từng tự trách bản thân hồ đồ trong tình yêu nhưng thực ra đó là những hiệu ứng tâm lý phổ biến.
1. Hiệu ứng hào quang
Hiệu ứng hào quang được nhà tâm lý học Edward Thorndlike, người Mỹ phát hiện đầu thế kỷ 20. Ông nhận thấy có những người lính được chỉ huy “vừa mắt” về ngoại hình sẽ được đánh giá cao về khả năng lãnh đạo, trí tuệ, lòng trung thành… Ngược lại, khi chỉ huy có ấn tượng không tốt về một người lính thì họ đánh giá người đó tiêu cực mọi mặt.
Hiệu ứng hào quang là một thiên kiến nhận thức xảy ra khi ấn tượng ban đầu về một người quá mạnh khiến bạn không có đánh giá đúng về họ. Nếu ấn tượng ban đầu tốt, bạn sẽ nghĩ người này chỉ toàn tính cách tích cực. Ngược lại, bạn sẽ luôn thấy những điểm chưa tốt ở một người bản thân có ấn tượng xấu.
Hiệu ứng tâm lý này không hề hiếm gặp mà xảy ra ở nhiều mặt trong cuộc sống, từ tình cảm cho tới công việc. Bởi vậy, cần đảm bảo những yếu tố cơ bản cho quá trình tạo ấn tượng ban đầu. Ví dụ luôn ăn mặc lịch thiệp, chủ động chào hỏi trước, ngôn từ cử chỉ văn minh lịch sự… sẽ gây ấn tượng tốt với người đối diện.
2. Hiệu ứng cầu treo
Năm 1974, hai nhà nghiên cứu Dutton và Aron đã thực hiện thí nghiệm với một nhóm nam giới. Họ chia những người tham gia thành hai nhóm A và B. Nhóm A phải đi qua một cây cầu bắc ngang hẻm núi, cách mặt đất vài chục mét và có dòng nước chảy xiết bên dưới. Cây cầu này tròng trành và rung lắc khi có người đi qua. Trong khi nhóm B chỉ cần đi qua một cây cầu vững chắc. Với cả hai nhóm, khi họ bước qua bên kia cầu, sẽ có một cô gái lại gần làm quen bằng cách cho số điện thoại và thông tin liên lạc. Kết quả là nhóm A có nhiều người liên hệ lại và nảy sinh mong muốn hẹn hò với cô gái hơn là nhóm B.
Khi trải qua trạng thái căng thẳng, cơ thể con người sẽ tiết ra hormone adrenaline khiến nhịp tim và hô hấp tăng vọt. Sau đó, một loạt các cảm giác như cồn cào, lo sợ, hoang mang, hồi hộp sẽ xuất hiện. Theo nghiên cứu, khi hai người cùng trải qua cảm giác lo âu sợ hãi thì họ dễ đồng cảm và có thể nảy sinh tình cảm với đối phương hơn. Nhịp tim đập nhanh khi trải qua sợ hãi sẽ làm bạn liên tưởng với nhịp đập tình yêu.
Nếu đang trong một mối quan hệ nhưng cảm thấy nhàm chán, hãy cùng nhau trải nghiệm những điều mới mẻ khiến tim đập mạnh hơn, lúc đó tình cảm sẽ thắm thiết hơn.
3. Hiệu ứng bóng tối
Nguồn gốc của hiệu ứng tối là một thí nghiệm được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Toronto, Canada và Đại học Northwestern, Mỹ.
Các nhà nghiên cứu đã cho hai tình nguyện viên cùng xem một đoạn phim, một người ngồi trong ánh sáng mạnh, người còn lại ngồi dưới ánh sáng mờ. Kết quả, người ngồi xem trong ánh sáng mạnh cảm thấy nhân vật chính của bộ phim rất hung hăng, nhưng thực tế nhân vật này đi làm muộn nên có một số hành động nhanh, gọn, dứt khoát. Trong khi tình nguyện viên trong ánh sáng mờ lại thấy hành động nhân vật chính hoàn toàn bình thường. Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học cho rằng, ở điều kiện ánh sáng khác nhau, tâm lý con người cũng sẽ khác nhau.
Trong tình yêu, khi hẹn hò, nên chọn những nơi có ánh sáng ấm áp, tránh những nơi có ánh sáng mạnh, dễ làm tâm lý đối phương bị ảnh hưởng. Theo các nhà khoa học, ở nơi có ánh sáng dịu nhẹ, đôi bên không nhìn rõ khuyết điểm của nhau, từ đó tạo ra cảm giác an toàn, có lợi cho việc gắn kết sau này.
4. Hiệu ứng bổ sung trong tình yêu
Hiệu ứng bổ sung trong tình yêu thường phát sinh khi ai đó thể hiện xu hướng thích bạn, tạo thiện cảm với bạn. Họ sẽ luôn chú ý đến nhất cử nhất động cũng như mọi sở thích để làm vừa lòng bạn.
Lúc này, chỉ cần giá trị bản thân của đối phương tạm ổn, bạn sẽ bất giác tìm những điểm mạnh của họ và thích họ lúc nào không biết.
5. Hiệu ứng Romeo và Juliet
Hai nhà tâm lý học Brehm và Weintraub, Mỹ từng thực hiện một nghiên cứu. Theo đó hơn một chục bé trai dưới 2 tuổi được đưa vào căn phòng có hai món đồ chơi hấp dẫn. Một chiếc đặt cạnh tấm chắn thủy tinh trong suốt, chiếc còn lại ở phía sau miếng chắn đó.
Với một số bé, người ta lắp tấm chắn chỉ cao khoảng 0,3m để trẻ có thể dễ dàng với lấy. Tuy nhiên, với những đứa trẻ khác, tấm chắn được lắp cao gấp đôi, khiến cho chúng không thể với tới món đồ chơi.
Kết quả, khi tấm chắn quá thấp để có thể ngăn cản đứa trẻ lấy món đồ chơi phía sau, chúng tỏ ra không đặc biệt thích cái nào hơn. Nhưng khi tấm chắn đủ cao để tạo thành một rào cản thật sự, bọn trẻ tiến thẳng đến chỗ món đồ chơi bị chặn và với lấy chúng nhanh hơn ba lần so với món đồ không bị chặn.
Đây là minh họa cho hiện tượng có tên là “hiệu ứng Romeo và Juliet”. Người lãng mạn cho rằng đó là một tình yêu hoàn hảo hiếm thấy. Còn nhà tâm lý lại chứng minh tình yêu đó đẹp là bởi hai người bị ngăn cản từ phía cha mẹ.
Theo các nhà khoa học, khi sự tự do được sở hữu thứ gì đó của chúng ta bị giới hạn, thì nó bỗng trở nên khan hiếm và sự mong muốn có được nó ngày càng tăng. Hiệu ứng này giải thích vì sao càng bị ngăn cấm thì chúng ta lại càng cố làm cho bằng được, đặc biệt trong tình yêu.
Vy Trang (Theo aboluowang)