Nhiều phụ nữ Trung Quốc sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp, bạn bè, cuộc sống cá nhân để dành thời gian quản thúc con.
Trong tiếng Trung Quốc “peidu” có nghĩa là kèm học, ám chỉ những bà mẹ sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để đốc thúc con học, với hy vọng trẻ đạt điểm cao, đỗ vào trường đại học tốt, thay đổi số phận nghèo khó.
Hè 2021, Qi Weiwei, nhà nghiên cứu khoa học xã hội, đến thăm ngôi làng nhỏ thuộc quận Dongzhi, tỉnh An Huy trong chuyến đi điền dã. Trước đó, nghiên cứu về các bà mẹ “peidu” đưa cô đến Quảng Đông, Hà Nam, Hồ Nam và Đông Sơn, nhưng quận Dongzhi ghi nhận sự gia tăng đột biến.
Tại đây, cô gặp một người phụ nữ 30 tuổi đã lập gia đình và có hai con gái. Người chồng làm việc ở Bắc Kinh trở thành trụ cột gia đình còn vợ bỏ công việc ở thành phố đến thị trấn Dương Hồ đôn đúc con gái học. Nhưng Qi sớm nhận ra đây không phải trường hợp cá biệt. Ở các gia đình nông thôn luôn có những bà mẹ sẵn sàng hy sinh theo cách này.
Một người phụ nữ khác cũng quận Dongzhi, cũng gửi con về quê khi cùng chồng làm việc ở Thượng Hải. Nhưng đứa trẻ không chịu làm bài tập, không nghe lời ông bà. Người mẹ trẻ bị giáo viên chủ nhiệm gọi điện thoại và yêu cầu “về nhà kèm con”. Không muốn thứ hạng con tụt dốc, cô nghỉ việc về quê.
Qi nhận thấy, các bà mẹ thường nghỉ việc khi con học lớp 8. “Đây là khoảng thời gian quan trọng bởi sang năm những đứa trẻ có thể học lên trung học phổ thông hoặc học nghề. Không muốn con vào trường nghề, họ dành toàn bộ thời gian, tiền bạc, mong con đỗ vào cấp 3, sau là đại học”, Qi giải thích.
Một ngày của các bà mẹ “peidu” luôn quanh quẩn bên con. Họ dậy sớm nấu bữa sáng, đưa con đi học. Và tiếp tục kèm cặp con, sau giờ học. Nhưng không ít người kiểm soát con quá đà. Ví dụ, con mất 20 phút từ trường về nhà, nhưng nếu vượt qua khoảng thời gian đó, phụ huynh sẽ gọi giáo viên để chất vấn.
“Một số bà mẹ thừa nhận buộc phải nghiêm khắc, vì mong con tốt hơn, nhưng vô tình khiến trẻ chịu áp lực lớn. Đứa trẻ cảm thấy bị quản giáo, bắt đầu nổi loạn và cãi lời. Mối quan hệ giữa mẹ và con trở nên căng thẳng”, Qi nói.
Nghe phụ huynh tâm sự, nhà nghiên cứu dễ nhận thấy sự lo âu, mệt mỏi trong lời nói. Những người mẹ “peidu” miêu tả sự cô độc khi cả ngày quanh quẩn bên con, không được tương tác xã hội và chỉ có thể trò chuyện với những phụ huynh chung cảnh ngộ để giải khuây.
Ngoài ra, họ cũng chịu áp lực từ chính xã hội và con cái. Nếu không kèm cặp khiến con học kém, người phụ nữ bị chỉ trích cho rằng họ ích kỷ. Con cái cũng có thể so sánh, mong được bố mẹ đồng hành, khi thấy bạn bè được chăm sóc. Chưa kể, trường học cũng đặt kỳ vọng vào phụ huynh. Họ nói rằng “ở gần cha mẹ giúp con học tập tốt và hỗ trợ con phát triển” khiến đa số những bà mẹ chấp nhận nghỉ việc kèm con học, để chồng đi làm.
Xu hướng kèm cặp con từ sớm cũng trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Trước đây, các bà mẹ bắt đầu kèm cặp con từ lớp 12, nhưng nay là lớp 8. Thậm chí nhiều gia đình kèm con từ tiểu học. Nhưng nỗ lực đó khiến nhiều người hoài nghi “sự hy sinh đó có thực sự xứng đáng”
Là một nhà nghiên cứu, Qi cho rằng nỗ lực kèm cặp, đốc thúc con con của phụ huynh không thực sự hiệu quả. Rất ít học sinh đạt điểm cao và vượt qua kỳ thi đại học. “Điều họ có thể làm tốt là chăm sóc cuộc sống hàng ngày, đảm bảo con ăn uống đầy đủ.
Một số chuyên gia khác nghiên cứu về “peidu” cũng có kết luận tương tự tại các làng, thị trấn ở tỉnh Cam Túc, Sơn Tây, Hồ Bắc, thuộc miền Trung và miền Tây của Trung Quốc.
Ngoài thất vọng, các bà mẹ bày tỏ sự buồn phiền, thất vọng khi đánh mất những cơ hội phát triển khi ở nhà trông con. Quá trình kèm cặp con kết thúc cũng là lúc họ bước sang tuổi 40, 50, độ tuổi rất ít công ty muốn nhận. “Không thể xin việc, họ buộc phải sống dựa vào chồng hoặc tìm việc chân tay để mưu sinh”, Qi nói.
Ngoài những người nuôi dạy con cái thành công, một số người đang phải trả giá đắt. Qi từng nói chuyện với người phụ nữ có con gái đỗ vào trường đại học tốt, nhưng mối quan hệ của cả hai trở nên căng thẳng khi cô bé học cấp 2.
“Nếu không sát sao các con ắt sẽ trách tôi khi bị điểm kém và không thể vào trường đại học. Con có thể thù ghét, nhưng tôi hiểu mình đã làm tròn bổn phận của một người mẹ”, người này chia sẻ.
Minh Phương (Theo Sixthtone)