Nằm bất lực trên xe khách không thể làm gì suốt nhiều giờ đồng hồ vì tắc đường, anh Vương ám ảnh và tự hứa không ra khỏi nhà dịp lễ.
Tháng 4 năm nay có hai kỳ nghỉ lễ lớn kéo dài (giỗ Tổ và 30/4), trong khi bạn bè tất bật đặt vé máy bay, hỏi nhau đi đâu chơi gì thì anh Minh Vương, ngụ quận 4, TP HCM khá bình thản. “8 năm nay cứ tới lễ 30/4 tôi đều ở nhà, riết thành quen. Nếu muốn đi chơi thì lấy phép hoặc đi cuối tuần, nhất quyết không đi ngày lễ”, anh Vương chia sẻ.
Nhiều năm trước, trong một chuyến đi chơi 30/4 từ Nha Trang về TP HCM bằng xe khách, anh Vương bị tắc trên quốc lộ, trong trí nhớ của anh, ngày đó cao tốc Long Thành – Dầu Giây vẫn chưa đưa thông xe. “Theo lịch trình xe đi tầm 9 tiếng nhưng hôm đó hơn 12 tiếng mới về bến. Nhiều giờ ở trên xe khách, vừa đói vừa mệt, muốn đi vệ sinh mà không được, xe thì nhích từng chút một, rất bất lực”, anh Vương nhớ lại, dù lần kẹt xe đó chưa phải “quá đau” như các trường hợp anh đọc trên mạng xã hội, “nhưng như thế là quá đủ”.
Chưa hết ám ảnh cảnh kẹt xe, anh Vương cũng ngao ngán lượng khách đông đúc, tấp nập, đi kèm là việc nhiều người không ý thức vệ sinh, vứt rác bừa bãi, vô tư chen lấn. “Nhiều nhóm khách gia đình xem điểm tham quan như nhà của họ, rất vô tư giành chỗ mua vé, mua thức ăn mà không nghĩ đến người khác”, chàng trai 30 tuổi nói.
Tương tự, chị Ái Ngọc ở TP Cần Thơ cũng không mấy mặn mà du lịch dịp lễ nhiều năm nay. “Đi ngày nào cũng được, trừ ngày lễ”, chị Ngọc khẳng định. Là người thích chụp ảnh, check-in các nơi, đi du lịch dịp lễ làm chị thấy “cạn lời” khi ảnh chụp toàn người với người, không thấy cảnh đẹp ở đâu.
Chị Ngọc rất sợ kẹt xe vì thường xuyên đi chơi bằng xe máy, di chuyển từng chút dưới trời nắng nhiều giờ khiến chị mệt mỏi. “Nóng nực, khó chịu, mùi xăng xe, động cơ bao quanh làm mình dễ cáu gắt với bạn đồng hành, đi chơi không vui vẻ gì nữa. Ngoài ra, hàng quán dịp lễ phục vụ đông người sẽ không chu đáo như ngày thường, giá cả cũng cao nữa”, chị nói.
Một số công ty du lịch cho biết nhiều khách phàn nàn về dịch vụ lưu trú, ăn uống mùa lễ. Lượng khách đông đúc, đi tự túc, chưa đặt trước các dịch vụ. Qua mỗi năm, đơn vị làm du lịch lại rút kinh nghiệm từ thực tế để phục vụ tốt hơn cho năm sau. “Năm nào khách cũng rất đông rồi lại có người phàn nàn thái độ nhân viên, đồ ăn không ngon… Điều chúng tôi có thể làm là cố gắng hết mình, có chiến lược cân đối tùy vào tình hình thực tế như đào tạo thêm nhân sự, đầu tư thêm phòng ốc, nhà hàng, dịch vụ đi lại… để đáp ứng đủ”, đại diện một công ty du lịch phía Nam cho hay.
Vẫn muốn đi chơi nhưng để tránh cảnh giá cả leo thang, “chuốc bực vào mình”, nhiều gia đình, bạn trẻ có xu hướng đi du lịch trước hoặc sau lễ để tiết kiệm chi phí, đảm bảo chuyến đi có trải nghiệm như mong muốn.
Chị Minh Anh, Hà Nội, đã điều chỉnh lại kế hoạch đi chơi 30/4 và 1/5 khi giá vé máy bay cao gấp 2-3 lần bình thường. “Tôi sẽ tận dụng hai ngày nghỉ cuối tuần, dùng thêm một ngày phép để đi sớm trước lễ, tiết kiệm chi phí. Đi ngay dịp 30/4, chỉ tính riêng tiền vé từ Hà Nội – Buôn Ma Thuột khứ hồi đã tốn hơn 5 triệu đồng, giá tiền bằng cả chuyến đi”, chị Minh Anh nói.
Lường trước việc vé máy bay sẽ tăng giá, anh Trịnh Huy, TP HCM tranh thủ đặt vé máy bay sớm vì lo ngại giá vé thay đổi theo từng ngày. Đồng thời, anh cũng dời lịch đi du lịch cùng gia đình vào đầu tháng 4 thay vì chờ tới cuối tháng. “Tôi còn 3 ngày phép dư từ năm ngoái, năm nay tận dụng để đi du lịch, dịp lễ 30/4-1/5 sẽ ở nhà để tránh đông đúc và chi phí đắt đỏ”, anh nói.
Ngoài ra, một số gia đình chọn giải pháp thay đổi địa điểm du lịch, tới những chặng bay bình ổn hơn, như Đà Nẵng, Nha Trang, đỡ chi phí đi lại đội lên cho 4-6 người với số tiền không nhỏ.
Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 năm nay, trong khi nhiều du khách khác vẫn lên đường du lịch, anh Minh Vương sẽ lại ở nhà như mọi năm, thư giãn, đi bơi, xem phim, tìm hiểu thêm một lĩnh vực mình tò mò hay đi cà phê nhẹ nhàng ở Sài Gòn. “Nghỉ lễ mà, không nên rước bực và mệt mỏi vào người”, anh bày tỏ.
Huỳnh Nhi