Nhận một lời từ chối có thể gây ra cảm giác không thoải mái cho bất cứ ai, dù đó là điều khó có thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Tiến sĩ, nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Leslie Becker Phelps cho biết, trong một số trường hợp, lời từ chối thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm và lo lắng.
Tại sao lời từ chối lại gây tổn thương?
Những lời từ chối thường gây cảm giác không dễ chịu, không phải vì chúng ta yếu đuối hay quá nhạy cảm. Điều này liên quan đến góc độ tiến hóa, và chúng ta rất cần người khác chấp nhận mình.
Theo nhà trị liệu tâm lý Lori Gottlieb, con người dựa vào việc sống theo nhóm để tồn tại. Do đó, khi ai đó từ chối bạn, bạn thấy mình thiếu giá trị. Thêm vào đó, nhu cầu kết nối tồn tại trong chúng ta ngay từ khi mới sinh ra. Vì vậy, một số người gặp khó khăn hơn trong việc vượt qua sự từ chối.
Trong tất cả các loại từ chối, bị người mình yêu từ chối đem lại cảm giác tồi tệ nhất bởi điều này đồng nghĩa với cảm giác bị bỏ rơi.
Tuy nhiên, trên thực tế, nói lời từ chối hoặc chấp nhận lời từ chối có thể thực sự mang lại lợi ích cho bạn. Nó có thể giúp bạn trưởng thành và kiên cường hơn trong cuộc sống.
Làm thế nào đối diện với sự từ chối?
Hãy thực hành tự chăm sóc bản thân
Tức giận và tổn thương có thể sẽ là phản ứng tức thì của bạn sau khi bị từ chối. Tuy nhiên, điều này không giúp làm giảm cảm xúc tiêu cực, thậm chí có khả năng làm tăng những xúc cảm xấu.
Trong những thời điểm này, chăm sóc bản thân thực sự quan trọng. Nên bắt đầu bằng việc tự xoa dịu bản thân, bao gồm việc xoa dịu từng giác quan trong số năm giác quan của bạn. Đó có thể bao gồm ăn ngon, uống đồ uống yêu thích, mặc đồ thoải mái, chạy bộ, tập yoga, thiền… Tất cả những điều này đều có thể giúp bạn có được trạng thái cân bằng để suy nghĩ rõ ràng hơn về tình huống thay vì suy nghĩ theo cảm xúc cá nhân.
Dành thời gian để xử lý cảm xúc của bạn
Sau khi đã dành thời gian để bình tĩnh, điều quan trọng là phải chú ý đến những gì bạn đang cảm thấy. Nên liệt kê tất cả những cảm xúc mà bạn đang cảm thấy theo đúng nghĩa đen. Theo Becker-Phelps, cảm xúc của bạn không bao giờ đúng hay sai, chỉ đơn giản đó là cảm xúc.
Tránh tự dằn vặt
Sau khi bị từ chối, chúng ta có xu hướng dằn vặt bản thân về những điều có thể khiến mình bị từ chối. Tuy nhiên, thói quen này chắc chắn khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn. Tốt nhất là hãy viết ra một số điều tích cực về mình, ví dụ danh sách một số điểm mạnh và giá trị của bạn. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn.
Tìm kiếm sự hỗ trợ
Điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là cuộc sống không chỉ có một lần bị từ chối. Đừng quên rằng bạn luôn có rất nhiều người ở bên như gia đình, bạn bè… Hãy tìm tới họ để được hỗ trợ về tinh thần. Gottlieb nói, điều đó nhắc chúng ta về việc chúng ta đáng yêu như thế nào, mọi người quan tâm đến chúng ta ra sao và chúng ta xứng đáng với điều đó hay không”.
Sống lành mạnh
Lời từ chối có thể khiến bạn ngủ không đủ giấc, ăn uống không tốt… Tuy nhiên, điều này chỉ khiến bạn mệt mỏi hơn. Nên tập trung vào việc ăn uống đầy đủ, tập thể dục thường xuyên và cung cấp đủ nước cho cơ thể. Tất cả điều này giúp bạn vững vàng khi đối mặt với sự từ chối. Becker-Phelps nhấn mạnh: “Lối sống của bạn càng lành mạnh thì bạn càng có nhiều nguồn lực hơn để đối phó với những tình huống khó khăn”.
Đừng chùn bước
Đừng bao giờ để những lời từ chối ngăn cản bạn nỗ lực trong tương lai. Suy cho cùng, bị từ chối là một phần tất yếu của cuộc sống. Tất cả những người thành công đều từng trải qua điều đó, lúc này hay lúc khác. Gottlieb nói: “Điều quan trọng nhất là đừng mãi chìm trong nỗi buồn của việc bị từ chối. Nên đặt ra câu hỏi: Tôi có thể học được gì từ trải nghiệm này?”.
Thùy Linh (Theo Yahoo Life)