24 năm trước, Trương Song Kì (50 tuổi) ở Hà Nam nhìn thấy một bé gái bị vứt bên vệ đường trong giá rét nên đã đưa nó về nhà.
Với mong muốn tìm lại gia đình cho cô bé, hôm sau ông Trương đến báo với trưởng thôn. Sau nhiều tuần, không ai đến nhận, ông Trương khi đó vẫn đang độc thân nên quyết định nhận bé làm con nuôi và đặt tên là Trương Bạch Các.
Không có gia đình, lại chưa từng chăm một đứa trẻ, hàng ngày ông bố gõ cửa những gia đình có con mới sinh trong làng xin sữa mẹ mang về cho Bạch Các. Để có thêm thu nhập, ông không nề hà bất cứ việc gì, từ làm ruộng, chăn cừu, nhặt phế liệu cho đến làm công nhân trong các nhà máy.
Lớn lên từ những đồng bạc lẻ của bố, nhưng ở tuổi vị thành niên Bạch Các nhìn bạn cùng lớp có quần áo đẹp, được đưa đón bằng xe sang trọng, cô bé thấy tự ti. Cô không muốn cho bố đến trường hay đón mình, cũng thường chê ông hôi hám vì toàn làm những công việc nặng nhọc. Ông Trương rất buồn, nhưng hiểu bản thân chỉ có thể làm được như vậy để nuôi con.
Học lên cấp 3, Bạch Các bắt đầu chê những bữa trưa bố chuẩn bị không ngon như các bạn. Rồi một ngày, cô về nhà đột xuất và thấy trên bàn ăn của bố chỉ có vài chiếc bánh bao chay nguội. “Khi đó tôi nhận ra, bữa ăn của mình ngon hơn của cha rất nhiều. Những gì tốt đẹp nhất ông đều đã dành cho tôi”, cô hồi tưởng.
Để cha không quá vất vả, dù kết quả học tập khá tốt nhưng Bạch Các không học lên đại học mà đi làm kiếm tiền. Cô vào thành phố làm bồi bàn. Tháng lương đầu tiên được 800 tệ (gần 3 triệu đồng), cô đã dành toàn bộ để mua cho bố một chiếc nệm mới, thay thế chiếc nệm cũ ông đã dùng cả chục năm.
Đi làm chưa được bao lâu thì biến cố lại xảy ra. Bạch Các bị chẩn đoán mắc bệnh nặng. Để có tiền chữa trị cho con, ông Trương bán tất cả những gì có giá trị trong nhà đưa con đến Bắc Kinh. Hai cha con phải sống trong một căn nhà ổ chuột tối tăm và hôi hám. Những ngày đồng hành cùng con, người cha bán thêm quần áo dạo, nhặt phế liệu để Bạch Các có những bữa ăn đủ chất. Khi đó, cô con gái đã tự hứa, nếu khỏi bệnh, cô nhất định phải báo đáp cha.
Khỏi bệnh, Bạch Các xin làm nhân viên thu ngân trong siêu thị rồi bán mỹ phẩm online. Làm việc chăm chỉ, lại nắm bắt được thị hiếu giới trẻ, việc kinh doanh của cô ngày càng khấm khá. Sau vài năm cô đã thành lập được một công ty nhỏ và xây cho cha ngôi nhà mới.
Lúc này, ông Trương vẫn sống ở quê và đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe yếu dần. Một lần, hàng xóm gọi điện báo tin cho Bạch Các, bố cô ngất xỉu giữa nhà, phải đi cấp cứu.
Cô con gái trở về nhà, nhìn thấy cha gầy rộc trên giường bệnh, bỗng nhận ra điều quan trọng nhất với ông giờ là sự sum vầy, chăm sóc chứ không phải tiền bạc. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Bạch Các quyết định bán công ty.
Tháng 5/2021, cô mua một chiếc xe dã ngoại RV và đưa cha đi du lịch nhiều nơi ở Trung Quốc. Họ đến đảo Hải Nam để hưởng không khí nhiệt đới, đến Vân Nam để được ăn những món ngon nổi tiếng hay qua Tân Cương để trải nghiệm những phong tục dân tộc khác nhau.
Thời điểm Bạch Các dừng mọi công việc để đưa cha đi du lịch, cô nhận không ít sự gièm pha. Nhiều người quen của cô nói rằng, Bạch Các “bị điên” khi đang ở phong độ đỉnh cao, lại từ bỏ công việc để đưa cha đi du lịch.
Phản ứng trước những lời dị nghị, Bạch Các nói rằng, cô muốn cha mình được tận hưởng những gì tốt đẹp nhất, điều mà ông đã cố gắng cho cô suốt cuộc đời. “Nếu như 24 năm trước, cha không đón tôi về. Rồi những ngày ở Bắc Kinh chữa bệnh, cha không ở bên, thì đã không có tôi của ngày hôm nay”, cô nói.
Nhiều người cũng khuyên Bạch Các nên tìm cha mẹ ruột, nhưng cô kiên quyết: “Với tôi, thế giới này chỉ có ông Trương Song Kì là người cha duy nhất”.
Vy Trang (Theo qq)