Một thống kê do trung tâm nghiên cứu Pew, Mỹ thực hiện cho thấy, khoảng 35% thanh thiếu niên ở tuổi teen (14-19) xác nhận đã trải qua một mối tình lãng mạn.
Ở lứa tuổi này, việc bước vào một mối quan hệ lãng mạn là điều bình thường, xuất phát từ cảm xúc rất tự nhiên của trẻ. Dù vậy, không phải cha mẹ nào cũng thoải mái tiếp nhận điều đó, và đây là sai lầm khiến họ dần rời xa đứa trẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý học, có 5 điều sau cha mẹ nên làm khi con bắt đầu biết yêu.
Vui vẻ làm quen với bạn của con
Gặp gỡ cô bạn gái hoặc cậu bạn trai của con cho phép bạn hiểu hơn về “gu” mà con bạn yêu thích. Điều này cũng cho bạn một cái nhìn thoáng qua về quan điểm, cách đánh giá về con người của con. Do đó, nếu con bạn giới thiệu bạn với đối tác của chúng, hãy vui vẻ, thân thiện.
Việc bạn vui vẻ khi làm quen với bạn của con giúp củng cố sự ủng hộ chân thành của bạn với mối quan hệ của con, cho dù chuyện tình cảm đó sẽ tiến bao xa. Đừng quên, quan trọng hơn cả là điều này tạo nền tảng cho sự giao tiếp cởi mở hơn giữa bạn và con.
Đừng coi thường tình cảm của con
Nhiều cha mẹ không chấp nhận việc con đã lớn và tỏ ra thờ ơ, không tin tưởng, thậm chí dè bỉu mối quan hệ của trẻ. Đừng cười nhạo cảm xúc của con, dù đó là những tình cảm ngô nghê nhất. Nên đón nhận những cảm xúc thật của đứa trẻ, bao gồm yêu thương, đau khổ, thất vọng… thay vì trêu chọc, răn đe chúng phải vượt qua những tình cảm “bọt xít”.
Đừng gò ép con
Con bạn đã ở tuổi dần có thể quyết định được mọi việc cá nhân, do đó, đừng gò ép con vào những quyết định mà bạn đưa ra. Ví dụ, nếu con muốn hẹn hò với bạn gái vào buổi tối giữa tuần, nên lắng nghe con trao đổi lý do và chấp thuận nếu bạn thấy hợp lý. Việc nói “không” với mọi đề nghị của con trong khi không giải thích lý do tại sao sẽ chỉ khiến chúng tìm cách giữ bí mật với bạn. Nên tỏ thái độ hoan nghênh đối với các mối quan hệ tình cảm mới chớm nở của con và sẵn sàng hướng dẫn chúng bất cứ khi nào.
Đừng xem trộm tin nhắn của con
Đừng ép con cho xem tin nhắn, cũng đừng lén xem tin nhắn của trẻ, đặc biệt là những tin nhắn con trao đổi với bạn gái/bạn trai của mình.
Hẳn nhiên cha mẹ làm như vậy xuất phát từ nỗi lo thực tế rằng trẻ có thể sai lầm, vấp ngã, tuy nhiên, đừng biến mình thành cha mẹ độc đoán và xen vào chuyện của con một cách không cần thiết.
Chủ động dạy con thiết lập ranh giới
Cha mẹ nên nhắc nhở con bạn về tầm quan trọng của việc nói “Không” trong những tình huống chúng thấy không thoải mái. Nên cung cấp cho con những chỉ dẫn về những việc cần làm, nếu chúng cảm thấy bị bạn trai/bạn gái gây sức ép.
Ngoài ra, cũng nên dạy con tôn trọng bạn trai/bạn gái của mình. Khi hai đứa trẻ có thể thiết lập ranh giới của riêng chúng và có được sự tôn trọng của nửa kia, đó sẽ là một mối quan hệ lành mạnh như cha mẹ mong đợi.
Hãy tin tưởng con
Sự tin tưởng mà cha mẹ dành cho con cái sẽ cho phép chúng học cách suy nghĩ cho bản thân nhiều hơn. Nên dạy con biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình, điều đó sẽ giúp trẻ tự tin đưa ra những quyết định đúng đắn trong các mối quan hệ cá nhân.
Thùy Linh (Theo Brightside)