Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Vợ nói nhiều

Địa điểm giải trí vo-noi-nhieu Vợ nói nhiều Thông tin
Rate this post

Hết giờ làm, anh Quang Tình đi bộ hai vòng quanh chung cư, hít một hơi thật sâu mới ấn thang máy về nhà. Trong đầu, anh nghĩ đến cảnh vợ đang càu nhàu.

“Người ta bảo nhà là chốn bình yên sau những bão tố cuộc đời. Với tôi, ngoài đời có bão to, về nhà có bão nhỏ”, anh Tình, 38 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội than thở.

Đúng như anh lường trước, vừa vào nhà vệ sinh, vợ anh, chị Nguyễn Thu Quỳnh 36 tuổi, đã đứng cạnh cửa vọng vào: “Ngồi xuống mà ‘giải quyết’ cho đỡ tung tóe ra. Tụ tập bia bọt cho lắm vào rồi về nhà xả”.

Anh chồng cười xòa cho qua nhưng lập tức thuỗn mặt khi vợ nói tiếp: “Thay áo sơ mi thì nhét luôn vào túi giặt. Cứ bỏ ra đấy ai sức đâu phục vụ”. “Đấy, lại đi dép ở ngoài vào nhà vệ sinh”, chị nhìn xuống chân anh, giọng bực bội. Ông chồng cau mặt: “Nói ít thôi, đi làm đã mệt thì chớ, về nhà vợ soi còn quá sếp”.

Thấy chồng phản ứng, bao nhiêu dồn nén chị Quỳnh xả hết vì “đâu phải ở nhà là không mệt”. Chị kể hết những việc đã làm trong ngày. Nào nấu ăn sáng, đưa con lớn đến trường, rồi chở con nhỏ đi học; Trưa về dọn nhà, giặt giũ, phơi quần áo, cắt tỉa cây cối. Chiều chị đón con, tắm cho bọn trẻ, chợ búa, cơm nước…

“Anh không giúp tôi được một việc gì còn bày ra cho tôi dọn. Chẳng biết kiếp trước tôi nợ nần gì anh mà kiếp này khổ thế”, chị thở dài, bưng bát cơm lên lại đặt xuống. Anh Tình cúi gằm mặt ăn, biết có nói thêm câu nào lúc này chỉ “đổ dầu vào lửa”.

Hết chồng, đến lượt hai đứa con bị mẹ càm ràm. Chị quát con trai ba tuổi chơi xong không dọn đồ, mắng con gái lớp 3 vì bài kiểm tra điểm kém. “Chắc chỉ lúc ngủ là miệng vợ tôi mới nghỉ”, anh nói.

Địa điểm giải trí 1-9907-1653011502 Vợ nói nhiều Thông tin

Ảnh minh họa:Treatalady.com

Thạc sĩ Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học Tâm lý- Giáo dục (Hà Nội) cho biết, trong đời sống hàng ngày, chúng ta dễ gặp những bà vợ nói nhiều như chị Thu Quỳnh.

Theo bà Nga, chị Quỳnh thuộc nhóm người có xu hướng “nghĩ gì nói đấy”, vừa nghĩ vừa nói nên đôi khi thông điệp không trọng tâm, dẫn đến dài dòng. Vừa nói vừa kèm theo chỉ trích cũng làm đàn ông bức xúc.

Trên thực tế, có một định kiến xã hội tồn tại đã khá lâu rằng “đặc tính sinh học của phụ nữ là nói nhiều”. Deborah James, một chuyên gia tâm lý xã hội người Mỹ, đã công bố 56 kết quả nghiên cứu trong một cuốn sách xuất bản hồi năm 1993 chỉ ra rằng thực chất nam giới nói nhiều hơn.

Năm 2007, nhà tâm lý học James Pennebaker (Đại học Texas, Mỹ) công bố một kết quả thí nghiệm xã hội trên Tạp chí Khoa học cho biết trong 17 tiếng, phụ nữ nói trung bình khoảng 16.200 từ, nam giới nói 15.600 từ. Mức độ chênh lệch gần như không đáng kể và quan niệm phụ nữ nói nhiều là không đúng.

Không khẳng định vợ nói nhiều nhưng anh Hoàng Đức, 29 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ ghét nhất tính “dây cà ra dây muống” của vợ.

“Trước khi bảo tôi dọn nhà, cô ấy sẽ chê tôi bẩn, kể tội tuần trước bảo tôi cọ bồn cầu mà tôi không làm. Muốn chồng đi làm về sớm không nói thẳng, cứ mắng tôi chơi với lũ bợm nhậu, suốt ngày la cà, thấy bia là mờ mắt”, anh nói.

Có lần, hai vợ chồng đang xem TV, anh Đức bảo vợ: “Anh thấy em dáng người na ná cô ấy, mua những bộ kiểu này mặc cho sang”. Chị An, vợ anh thở dài: “Anh chê vợ mặc không đẹp chứ gì. Anh cứ tháng mang về cho vợ 50 triệu như chú Minh hàng xóm xem, vợ anh mặc đẹp ngay”.

Rồi chị bắt đầu mang thu nhập của chồng sang so sánh với chồng đồng nghiệp. Giữa lúc dịch bệnh bùng phát, nhiều doanh nghiệp lao đao, cắt giảm nhân sự, chị thúc giục anh tìm việc mới. Chồng giải thích thời điểm đó không phù hợp. “Hay là anh có cô nào ở công ty rồi nên lương thấp vẫn không muốn đi?”, chị suy diễn rồi mang chuyện trước đây anh từng yêu những ai ra kể tội.

Anh Đức chán, chẳng buồn xem phim nữa.

Diễn giả, nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng, một số phụ nữ vì quá kỳ vọng vào chồng nên biến mình trở thành người vợ lắm điều. Cũng như Thu Quỳnh hay An, họ muốn chồng phải sạch sẽ, trở thành người đàn ông kiếm nhiều tiền.”Cái này rất có thể bởi bản năng làm mẹ của người phụ nữ quá lớn. Họ coi chồng như một đứa trẻ cần được giáo huấn, dạy dỗ”, ông Tú nói.

Tuy nhiên, cách hành xử của đàn ông cũng là nguyên nhân biến vợ mình từ người phụ nữ “biết điều” thành “lắm điều”. Có những người là chồng, là cha mà vẫn như đứa trẻ to xác. Vợ nói lần một không nghe, phải nhắc đến lần hai, lần ba mới làm. Có ông chồng bị nói nhiều quá thì dỗi, chẳng đụng việc nhà nữa.

Chị Thu Quỳnh thừa nhận đôi lúc lắm điều, nhưng nếu không nói ra chị sợ chồng nghĩ mình ở nhà là sung sướng, nhàn rỗi. “Tôi quần quật cả ngày dọn việc nhà mà anh không thèm động viên hay chia sẻ chút gì. Nhiều khi tôi thấy không được tôn trọng”, chị nói.

Là người lo tài chính trong gia đình, anh Tình đi sớm, về muộn, không phụ giúp vợ bất cứ việc gì trong nhà. Nhiều bữa chị Quỳnh lầm lũi lau nhà, chồng đi cả giày ở ngoài vào. Có bữa, chị vừa cọ xong bồn cầu, chồng vào “xả” làm nước tiểu văng tung tóe. Ban đầu chị nhắc, anh bảo “anh chẳng thấy mùi gì, em khó chịu thì xô nước đấy dội hộ anh, mệt nhọc gì”.

Lần hai, lần ba, anh chồng vẫn chứng nào tật đấy. Bình thường chị Quỳnh nhịn cho xong, nhưng dịch bệnh bùng lên, hai đứa con nghỉ học khiến việc nhà thêm nhiều. Chồng làm sai, chị không nhịn nữa mà cáu gắt, tủi thân, rồi nghĩ anh không còn thương, không tôn trọng mình nữa.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet tháng 10/2021, đại dịch làm gia tăng rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm nghiêm trọng trên toàn cầu, đặc biệt ở phụ nữ và người trẻ tuổi. Nguyên nhân là do nhiều phụ nữ phải gánh thêm việc nhà và đối mặt với nguy cơ bạo lực gia đình ngày càng tăng.

Báo cáo tổng quan bình đẳng giới của tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố tháng 10/2021, cũng nhận định, trong vòng 15 tháng, Covid-19 có thể đảo ngược các thành tựu mong manh về bình đẳng giới đã đạt được, trên toàn thế giới và ở Việt Nam.

Vì những bất bình đó, phụ nữ nói ra như một cách để giải tỏa. Nhưng theo bà Linh Nga người vợ nói quá nhiều thường đi kèm những lời lẽ không kiểm soát, khiến đàn ông chán không muốn về nhà; tìm đến chất gây hại như rượu, bia, thuốc lá; thậm chí có hành vi bạo lực với vợ. Cứ như vậy, người vợ càng bức xúc, mâu thuẫn gia đình ngày càng lớn, tạo thành một vòng luẩn quẩn, dẫn đến rạn nứt hôn nhân.

Các chuyên gia cho rằng, phụ nữ cần tiết chế cảm xúc, truyền thông điệp rõ ràng, có trọng tâm để chồng dễ tiếp nhận. Khi nói cần chọn thời điểm thích hợp, chuẩn bị kỹ những gì cần trao đổi. Người vợ không nên quá kỹ tính và cầu toàn, để chồng con được thoải mái khi về nhà.

Anh Hoàng Đức cho biết, ban đầu vợ bảo đánh bồn cầu, anh đi làm về mệt vẫn xắn tay chia sẻ. Nhưng khi làm xong, vợ chẳng những không khuyến khích, còn mắng anh “làm như mèo mửa”. “Bực lên tôi bảo muốn vừa mắt thì tự đi mà làm”, anh Đức thanh minh.

Ông Hoàng Anh Tú lưu ý, đàn ông nên hiểu phụ nữ còn càm ràm nghĩa là còn yêu. Đôi khi họ lắm lời không hẳn vì ức chế mà đơn giản là họ cần tương tác. Thay vì cáu gắt, các ông chồng chỉ cần lắng nghe, vui vẻ với vợ, tự nhiên họ sẽ dịu lại.

“Đàn ông hãy dùng uy chứ đừng dùng quyền để thuyết phục vợ. Uy tức là uy tín, hãy giữ lời hứa với vợ. Đàn ông có trách nhiệm, phụ nữ sẽ thôi trách cứ”, ông Tú nói.

Chị Thu Quỳnh đã nộp hồ sơ xin đi làm lại sau bốn năm vừa sinh con, vừa vướng dịch bệnh. “Tôi nhận ra khi có thu nhập, có thời gian chăm sóc bản thân, tôi sẽ tự tin vào mình, vui vẻ và dễ chịu hơn với những người xung quanh”, chị chiêm nghiệm.

Phạm Nga

Hoa tiền