MỹGần 17 năm trước, khi vợ chồng chị Hope Ettore nhận Nguyễn Lê Hùng làm con nuôi, cậu bé nhỏ xíu, người đầy ghẻ và gần nửa khuôn mặt bị khối u che kín.
Bây giờ Hùng (tên mới là Samuel) đã là một thanh niên 18 tuổi khỏe mạnh, khuôn mặt thanh tú. “Con đã tốt nghiệp cấp ba và sắp sửa vào đại học”, chị Hope, 51 tuổi, ở San Diego, California, nói. Hành trình 17 năm nuôi dạy một đứa trẻ bình vốn đã chất chứa không ít gian nan thì với vợ chồng chị, khó khăn ấy nhiều hơn gấp bội. Ngày Samuel mới sang Mỹ, các bác sĩ từng nói cậu bé sẽ không thể nói chuyện hay đi học bình thường.
Những năm 1990, chị Hope là nhà dịch tễ học sang Đông Nam Á làm việc. Tiếp xúc hàng ngày với những đứa trẻ nghèo đói, ốm yếu, mong ước của chị là một ngày nào đó có thể nhận một trong số chúng về nuôi.
“Tôi luôn cầu nguyện Chúa dẫn đường cho mình. Vào một đêm, tôi mơ thấy mình đang đi bộ ở TP HCM”, chị kể. Nghĩ giấc mơ này là tín hiệu, năm 2005, chị và chồng là anh John Ettore liên hệ với trại trẻ mồ côi ở quận Gò Vấp, TP HCM nêu nguyện vọng muốn nhận con nuôi. Trại trẻ giới thiệu cho vợ chồng chị một cậu bé bị u máu và nhiều vấn đề sức khỏe khác, tên Nguyễn Lê Hùng, 16 tháng tuổi. Xem bức ảnh cán bộ trại trẻ gửi đến, vợ chồng Hope choáng váng, không nghĩ tình trạng con nghiêm trọng đến vậy.
Hai vợ chồng quyết định đến tận nơi thăm Hùng. Theo giấy tờ, cậu bé sinh năm 2004, quê ở Đồng Phú, Bình Phước. Tên bố được lưu lại là Lê Xuân Hùng, mẹ là Nguyễn Thị Liên. Mười sáu tháng tuổi, đáng lẽ biết đi nhưng Hùng lọt thỏm trong cũi như một đứa trẻ sơ sinh.
Cán bộ trại trẻ mồ côi kể, Hùng là đứa trẻ sinh non cùng với một người anh em sinh đôi khác. Vì cậu bị bệnh nên bố mẹ gửi trại trẻ, chỉ giữ lại đứa trẻ lành lặn.
Họ từng vài lần quay lại trại trẻ để thăm con, định đón về nuôi vì quá nhớ thương nhưng cán bộ nói nếu không được chăm sóc y tế Hùng sẽ chết, khuyên gia đình nên để con ở lại, tìm người nhận nuôi để được sang nước ngoài điều trị.
Lần đầu thấy cậu bé, chị Hope tiến lại gần hỏi chuyện. “Khoảnh khắc con nhoẻn miệng cười in đậm trong tim tôi, nhắc tôi phải cứu giúp con bằng được”, chị nói.
Vợ chồng chị đón Nguyễn Lê Hùng về nuôi, đổi tên thành Samuel Ian Ettore. Hai tuần sau khi về Mỹ, chị sinh con gái út. Gia đình bốn người nay có thêm ba thành viên, cô bé mới sinh, Samuel và một cậu bé con nuôi khác, cũng 16 tháng tuổi, từ Ethiopia.
Bước đầu, vợ chồng Hope bổ sung dinh dưỡng, chữa bệnh nhiễm trùng, giúp Samuel có sức khỏe tốt nhất cho cuộc phẫu thuật loại bỏ khối u. Nhưng vài tháng đầu, thằng bé ốm dặt dẹo, liên tục quấy khóc.
Khối u của Samuel chứa đầy các mạch máu, nên nguy cơ chảy máu gây tử vong luôn hiện hữu. Vợ chồng chị Hope bế con đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ, gặp hàng chục bác sĩ, nhưng không ai dám phẫu thuật cho Samuel. Sau những nỗ lực, vợ chồng chị Hope vỡ òa trong nước mắt khi một bác sĩ gật đầu đồng ý.
Vì khối u quá lớn, các nhân viên y tế phải chia thành từng giai đoạn phẫu thuật. Tổng cộng, cậu bé Việt trải qua 5 lần phẫu thuật mặt, hai lần phẫu thuật mắt để lấy lại thị lực và vẻ ngoài bình thường.
Khó khăn không dừng lại ở đó. Samuel chậm nói, chậm đi, tiếp thu cũng chậm. Cậu bé được bố mẹ cho vật lý trị liệu, tập vận động, trị liệu ngôn ngữ, thực hành các liệu pháp hành vi để chữa chứng chậm phát triển. Đã có lúc, vợ chồng chị Hope nghi ngờ lòng kiên nhẫn của chính họ. “Tôi tự hỏi, có khi nào con sẽ phải sống phụ thuộc chúng tôi cả đời hay không”, người mẹ nuôi nhớ lại.
Hàng ngày, ngoài đưa con đến các cơ sở điều trị, vợ chồng chị và các thành viên khác trong gia đình chung sức giúp Samuel thay đổi định mệnh. “Không chỉ phải bỏ ra chi phí điều trị khổng lồ, cha mẹ và các anh chị tập cho tôi đi, dạy cho tôi nói, đọc sách cho tôi nghe… Nhờ họ, tôi trưởng thành như một đứa trẻ bình thường”, Samuel, nay đã tìm được một công việc có thu nhập, nói.
Dốc lòng chữa trị cho con nhưng vợ chồng chị Hope đồng thời thẳng thắn nói với Samuel về nguồn gốc của cậu. Là thành viên châu Á duy nhất trong gia đình, Samuel hay nhìn vào gương, thấy mình khác biệt. Nhưng sống ở nơi không có nhiều người gốc Á, cậu ít cơ hội khám phá văn hóa quê nhà.
Sợ con trai mất kết nối với cội nguồn, chị Hope dẫn cậu bé đến các lễ hội truyền thống được người Việt tổ chức ở Mỹ, mua những cuốn sách về Việt Nam tặng con. “Mẹ kể với tôi, bố mẹ đẻ vì muốn tôi có cơ hội chữa trị mới cho tôi đi”, Samuel nói.
Hơn hai năm trước, gia đình chị Hope đã kết nối được với bố đẻ của con trai nuôi người Ethiopia. Duyên đoàn tụ của cậu con trai thứ tư càng giúp chị Hope có động lực tìm kiếm gia đình cho Samuel.
Người mẹ nuôi biết, dẫu ít kết nối với cộng đồng châu Á, nhưng hình hài, sở thích của Samuel gắn với dòng máu đang chảy trong người cậu. “Thằng bé bảo với tôi rất muốn tìm lại cha mẹ. Chắc chắn họ cũng nhớ con như con khát khao tìm họ. Con cũng rất thích ăn các món Việt, đặc biệt là phở”, người mẹ kể.
Những năm qua, chị nhiều lần nhờ một người Việt sống ở Mỹ trên nhóm Kids Without Borders (Trẻ em không biên giới) tìm người thân cho con. Nhưng ngoài tên và quê quán, họ chẳng còn chút manh mối nào.
Gần đây, bác sĩ nói chị Hope không còn nhiều thời gian khi ung thư vú đã di căn. Qua một người bạn Việt Nam thời đại học, chị đưa thông tin tìm cha mẹ ruột cho con nuôi Việt lên mạng, bằng hai ngôn ngữ, chia sẻ khắp các hội nhóm.
Hôm 26/5, một phụ nữ quê Bình Phước đã liên hệ với người bạn Việt Nam của chị Hope, nhận là mẹ của Samuel. Bạn bè đang giúp chị Hope và Samuel kết nối với người này, tiến hành làm xét nghiệm ADN. “Tôi kỳ vọng sẽ có một kết quả như mong đợi. Lúc đó, tôi có thể tặng cho Samuel món quà ý nghĩa nhất của tuổi 18”, chị Hope hào hứng nói.
Nếu kết nối được con với ruột thịt của mình, chị Hope sẽ cùng Samuel sang Việt Nam, chứng kiến cảnh đoàn tụ. Người mẹ nuôi cho biết, điều chị muốn khi gặp bố mẹ đẻ Samuel là nói lời cảm ơn họ, vì đã nén nỗi đau xa con để cậu được chữa trị.
Dù nuôi con, giúp con vượt qua những ngày khó khăn nhất cuộc đời, nhưng với chị, Samuel – Nguyễn Lê Hùng là phước lành to lớn.
Phạm Nga