Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

80 ngày độc hành Pakistan của cô gái Việt

80 ngày độc hành Pakistan của cô gái Việt Du lịch
Rate this post

Ngộ độc thực phẩm, sốt 5 ngày, bị xe bus từ chối… là những trải nghiệm khó quên nhưng không ngăn được tình cảm của Thanh Tâm dành cho Pakistan.

Nguyễn Thị Thanh Tâm, sinh năm 1996, người Bà Rịa – Vũng Tàu, đến Pakistan vào một ngày đầu tháng 3. Trước đây, Tâm không có kế hoạch đi Pakistan nhưng mọi thứ thay đổi khi cô được truyền cảm hứng từ blogger người Canada với video “Pakistan đã thay đổi cuộc sống của tôi”. Khi du lịch quốc tế mở cửa trở lại, Tâm một mình xách balo lên đường tới vùng đất mà trong hình dung từng là nơi có nhiều hà khắc và là đất nước của khủng bố. 80 ngày độc hành đã khiến Tâm thay đổi nhiều thứ.

Mặc dù đã du lịch bụi một mình nhiều nơi, Tâm vẫn lo lắng khi đến một nơi nhiều tai tiếng. Tuy nhiên, Tâm nhận định Pakistan an toàn khi du lịch một mình (miễn không vào khu vực bất ổn chính trị). Dân địa phương mà cô gặp rất dễ thương, tốt bụng, luôn giúp đỡ khách du lịch, đặc biệt sau khi họ thấy con gái đi một mình. “Sẽ có chút khó khăn về ngôn ngữ, phương tiện đi lại nhưng luôn có người giúp đỡ bạn. Nhưng thật lòng, nếu bạn du lịch với bạn bè hoặc gia đình thì vẫn an toàn hơn”, Tâm chia sẻ kinh nghiệm của mình.

80 ngày độc hành Pakistan của cô gái Việt Du lịch

Tâm vô tình bắt gặp trẻ nhỏ ở Badshani mosque.

Suốt chuyến đi, Tâm lên các hội nhóm để đăng bài về bản thân, giới thiệu về hành trình của mình nhằm xin lời khuyên và gợi ý của người địa phương, đồng thời tìm các gia đình bản địa để ở nhờ. Đây là cách mà theo cá nhân Tâm có thể trực tiếp học hỏi và trải nghiệm về văn hóa, tôn giáo. Tâm nhận được nhiều sự quan tâm, lời chủ động cho ở nhờ của các gia đình địa phương nơi cô muốn đến. Dù vậy, cô từng bị mời ra khỏi nhà người dân vì vấn đề an ninh, từng bị cảnh sát gọi điện, tra hỏi, thậm chí đến tận nhà “thăm hỏi” nhưng “điều đó không là gì so với những tình yêu thương mà mình nhận được từ những con người nơi đây”, Tâm bộc bạch.

Hành trình của Tâm đi qua các địa điểm Lahore, Multan, Bahawapul, Islamabad, Peshawar, Chitral… Đến Pakistan, Tâm thấy mình như được du lịch ở rất nhiều quốc gia khác nhau. Mỗi bang, mỗi thung lũng có nền văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ riêng. Thậm chí, khuôn mặt cũng có sự khác biệt giữa Punjab (giáp Ấn Độ), Khyber Pakhtunkhwa (giáp Afghanistan), Gilgit Baltistan (giáp Trung Quốc). Trong khoảng thời gian ở đây, Tâm được gặp gỡ nhiều người từ các tầng lớp khác nhau nhưng đều có điểm chung là thân thiện, nhiệt tình, tốt bụng và hiền hòa. “Sự hiếu khách của Pakistan nằm cách xa với những nước mình từng đến. Càng đi, càng tiếp xúc nhiều người, mình nhận ra họ càng khác xa với những khuôn mẫu mà truyền thông gán cho. Pakistan là đất nước bình dị nhất mình từng đến”, Tâm ca ngợi.

Tuy vậy, Tâm gặp cũng không ít khó khăn trong hành trình, song cô gọi nó là “thử thách chứ không phải cản trở”. Khi ở vùng Thượng Chitral và Hunza, vì khí hậu lạnh nên Tâm hay bị bệnh, làm chuyến đi chậm lại vài ngày. Rào cản ngôn ngữ cũng là một thử thách khi phần lớn thời gian ở chung với gia đình người bản địa ở vùng sâu xa. Tại khu vực như vậy, họ không nói tiếng Anh nên Tâm gặp nhiều thử thách trong giao tiếp, phần lớn dùng ngôn ngữ cơ thể. Cô cũng phải trang bị một vài từ tiếng Urdu để “nói được câu nào hay câu đó”.

Ở Chitral, đường rất xấu. Tâm chạy xe máy bị té ngã vì đường dốc bất ngờ, sỏi đá nhiều. Đi xe bus, cô ba lần bị từ chối vì là con gái đi một mình. Lý do nhà xe đưa ra vì phụ nữ đi một mình sẽ rất bất tiện hoặc đàn ông sẽ không dám ngồi ghế bên cạnh. Nếu là khách nước ngoài, có một rắc rối nữa là khi cảnh sát dừng xe và kiểm tra, nếu có người nước ngoài thì họ sẽ mất thêm thời gian để kiểm tra hộ chiếu và visa.

Là một freelancer nhưng Tâm cũng khó làm việc tại Pakistan do một số nơi không có điện và wifi, nhất là khu vực phía Bắc. Tâm có thể dùng 3G nhưng cô chia sẻ, “yếu hơn cái tấm thân của mình”. Những khu vực mà điện mỗi ngày chỉ có mấy tiếng, Tâm lựa chọn hòa mình tuyệt đối với khí trời và thiên nhiên như ra hồ Attabad ngâm chân, trải thảm ra nằm ngủ cả buổi chiều…

80 ngày độc hành Pakistan của cô gái Việt Du lịch

Thanh Tâm tại hồ Attabad, Thượng (Upper) Hunza.

Một khó khăn và cũng là một kỷ niệm đẹp với Tâm là bị ngộ độc thực phẩm và sốt khoảng 5 ngày khi ở Kalash và Chitral. Cô suýt phải nhập viện, nhưng rồi đã được mọi người chăm sóc chu đáo đến khi khỏi bệnh. Trong 10 ngày ở Yasin, Tâm có nhiều thời gian vui với trẻ con trong làng. “Mình vốn không thích con nít nhưng mấy đứa cưng và dễ thương lắm. Ngày nào tụi nó cũng chạy qua phòng đòi chơi, dẫn mình đi khắp xóm. Mấy đứa con gái hay đòi mình thắt tóc, xịt nước hoa, nhảy múa với chúng nó hằng ngày”, Tâm cười khi nhớ lại. Ở Thượng Hunza, Tâm được một gia đình nhận làm con nuôi, đối xử như một thành viên trong nhà.

Điểm đến mà Tâm yêu thích nhất ở Pakistan là Chitral. Cô dành hơn hai tuần ở đây nhưng thấy vẫn chưa đủ. Còn nơi cô ấn tượng nhất là Hunza. Thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ. Nằm giữa dãy núi Karakoram là con đường cao tốc Karakoram, “kỳ quan thứ 8 của thế giới”. “Cảm giác ngồi trên xe máy bon bon trên cung đường này mới thấy thiên nhiên rộng lớn đến chừng nào”, Tâm chia sẻ.

Chuyến đi giúp Tâm nhận được nhiều thứ. Đó là lần đầu tiên thấy tuyết, lần đầu được chơi với tuyết, lần đầu được khoác lên trang phục của người đạo Hồi… “Mình được thêm nhiều bạn bè, nhận được tình thương từ những người lạ, có một gia đình nhận mình là con nuôi. Những trải nghiệm không thể nào quên được”. Và Tâm nhận được bài học: “Hãy sống cho người khác thay vì cho chính bản thân mình. Hãy tự đi ra thực tế và trải nghiệm khi những gì mình biết trên truyền thông chưa hẳn là chính xác”.

80 ngày độc hành Pakistan của cô gái Việt Du lịch

Thung lũng Macuri ở Yasin. Pakistan là nơi ghi dấu lần đầu Tâm được thấy và chơi với tuyết.

Du khách cần tôn trọng tôn giáo của người địa phương và ăn mặc kín đáo. Bạn nên kiểm tra trước khách sạn, nhà nghỉ vì một số nơi không chấp nhận các cặp đôi chưa cưới hoặc phụ nữ du lịch một mình. Bạn nên dùng tiền mặt thay vì thẻ, đặc biệt ở khu vực phía Bắc. Nên mang quần áo ấm vì một số nơi vùng núi cao có thể rất lạnh. Nên giao lưu, nói chuyện và kết bạn với người bản địa vì họ có thể giúp đỡ bạn rất nhiều. Không phải mọi thông tin trên website đều đúng, ví dụ lịch trình xe bus, tàu hỏa…

Về hồ sơ xin visa, Tâm nộp e-visa cần hộ chiếu, đặt phòng khách sạn, ảnh chân dung, sau đó trả phí 25 USD và đợi trong một tuần. Tuy nhiên, Tâm cho biết, một số trường hợp thì đại sứ quán yêu cầu thư giới thiệu từ công ty du lịch. Bạn có thể liên hệ với công ty landtour (tại Pakistan) hoặc các đại lý của Pakistan để được cấp thư giới thiệu với giá 70 đến 300 USD.

Lịch trình chi tiết:

Từ Việt Nam, quá cảnh ở Kuala Lumpur, Malaysia và Colombo, Sri Lanka trong hơn 24 tiếng.

Tại Pakistan:

– Lahore: 1 tuần
– Multan: 4 ngày
– Bahawapul: 1 ngày
– Islamad: 4 ngày
– Peshawar: 4 ngày
– Swat: 3 ngày
– Dir: 4 ngày
– Kalash: 7 ngày
– Lower Chitral: 5 ngày
– Upper Chitral: 4 ngày
– Yasin: 12 ngày
– Hunza: 12 ngày
– Gilgit: 6 ngày
– Islamabad: 7 ngày

Trung Nghĩa
Ảnh: NVCC

Hoa tiền