Địa điểm mới

Vợ chồng hết mâu thuẫn nhờ ngủ riêng

Nhiều đêm bức bối vì thói xấu của nhau trên giường ngủ, vợ chồng anh Nguyễn Minh Hùng quyết định ngủ riêng, không ngờ thấy hấp dẫn trong mắt đối phương hơn.

Vợ anh Hùng (ở Cầu Giấy, Hà Nội) có tật nằm cạnh ai phải vặn tai người đó. Khi yêu nhau, anh đã nghe kể, nhưng nghĩ nó không phải vấn đề lớn. Thời gian đầu, cô vợ chỉ sờ nhẹ tai chồng, dần dần chuyển sang nắm chặt, rồi vặn. “Nhiều hôm tôi đang ngủ say, ngồi bật dậy vì vợ ngủ quên tiện tay lại véo tai đau điếng”, anh kể. Để đề phòng, trước lúc ngủ, anh lăn vào góc giường, đặt gối ở giữa hai vợ chồng.

Vợ Hùng lại khó ngủ, mà anh ngáy như “tiếng máy cày”. Nhiều hôm đang say giấc, anh bị vợ đá vào người hoặc bứt tóc. Cả hai mất ngủ lại cãi nhau. Đỉnh điểm, anh chồng ôm gối ra sofa ngủ. “Trước đây tôi nghĩ ngủ riêng là dấu hiệu của rạn nứt vợ chồng, nhưng không phải”, anh chồng làm kinh doanh, cho biết.

Ngủ một mình, anh hết cảnh bị vợ vặn tai, cũng không bị đá bật dậy lúc nửa đêm. Giấc ngủ trọn vẹn, sáng dậy, Hùng thôi phải mắt nhắm mắt mở tắt chuông đồ hồ đến ba lần. Vợ anh không có người nằm cạnh cũng không nổi máu vặn tai, ngủ từ tối đến sáng vì không bị tiếng ngáy làm phiền. Sau lần đó, thi thoảng hai vợ chồng tách ra. Đến khi con gái chào đời 10 năm trước, họ chính thức ngủ riêng. Khi nào có nhu cầu gần gũi, hai vợ chồng chủ động tìm đến nhau.

Vợ chồng anh Hùng không phải cặp đôi duy nhất chọn ngủ riêng để giải quyết bất đồng khi ngủ. Theo khảo sát của VnExpress với 100 cặp vợ chồng, có khoảng 20 đôi cho biết họ ngủ riêng để tránh những bất tiện đối phương gây ra trong phòng ngủ.





Địa điểm giải trí 1-3234-1635908035 Vợ chồng hết mâu thuẫn nhờ ngủ riêng Thông tin

Nhiều cặp vợ chồng không thể ngủ ngon khi chung giường vì thói quen hoặc bệnh lý của người này gây phiền cho người khác. Ảnh:Heart Radio.

Ngủ riêng cũng phổ biến ở nhiều quốc gia. Theo một cuộc khảo sát năm 2017 của tổ chức Giấc ngủ quốc gia Mỹ, gần một trong bốn cặp vợ chồng đã kết hôn ngủ riêng giường. Một cuộc khảo sát thực hiện với 1.500 người cả nam và nữ ở Nhật Bản cho thấy, 15% số người được hỏi cho biết họ không ngủ chung với vợ/chồng.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, TP HCM) ủng hộ các cặp vợ chồng ngủ riêng trong trường hợp thói quen của bạn đời gây phiền, làm họ không ngon giấc, ảnh hưởng tới sức khỏe.

“Vợ chồng hạnh phúc hay không quan trọng là thời gian chất lượng và cảm xúc dành cho nhau, chứ không nhất thiết chung giường”, bà nói. Theo bà Tâm, có những đôi vì quan niệm ngủ riêng là không hạnh phúc nên dù gặp các trục trặc kể trên vẫn cố nằm cạnh nhau, dẫn đến mâu thuẫn trầm trọng hơn.

Bên cạnh thói quen của bạn đời, con cái cũng là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng “ly hôn khi ngủ“. Khi chỉ có hai vợ chồng, chị Hoàng Anh (ở Hà Đông, Hà Nội) đã không thích bị ôm hay gác lúc ngủ. Thế nên, trừ lúc “tình cảm”, hai vợ chồng mỗi người một góc. Nhưng hai đứa con lần lượt chào đời, chiếc giường 1,8 mét bỗng chật chội.

“Hai thằng nhỏ tối nào cũng đánh nhau. Vừa đông, vừa chật, tôi bức bối đến mất ngủ triền miên”, bà mẹ 32 tuổi nói. Chị quyết định sửa phòng bỏ không, cho chồng và con trai lớn sang ngủ. Từ hôm đó, cả nhà đều ngon giấc. Anh chị không còn bực tức vì nửa đêm vẫn phải xử lý hai thằng con đánh nhau. “Thích nhất là không bị thằng nào gác lên người”, chị nói.

Anh Đức Hùng (37 tuổi, ở TP HCM) cho biết, công nghệ mới là tác nhân chính khiến vợ chồng anh ngủ riêng. Buổi tối, dù đã quay lưng đi, nhưng ánh sáng màn hình điện thoại của vợ làm anh khó chịu. Mỗi lần có tin nhắn hay mail gửi đến, người vợ làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, lại trở mình làm anh bực dọc.

“Tôi biết vợ nhiều khi vẫn phải xử lý công việc qua điện thoại dù đêm muộn, nhưng đang cơn buồn ngủ mà cứ lục đục không cáu không xong”, anh nói. Vợ anh cũng càm ràm khi Hùng thức cày phim hoặc đấu game lúc cô cần nghỉ ngơi. Vì vậy, chỉ hơn hai năm kết hôn, họ chọn ngủ riêng.

Theo các nhà nghiên cứu, không ngủ ngon giấc khiến khả năng chịu đựng sự thất vọng của con người sẽ thấp hơn so với bình thường. Vì vậy, mục tiêu nhắm đến để trút giận có thể là người nằm cạnh. Ngoài ra, thiếu ngủ khiến ta kém đồng cảm với cảm xúc của người khác. Không chỉ vậy, tình trạng thiếu ngủ còn khiến vợ chồng nảy sinh nhiều xích mích hơn, từ những điều nhỏ nhất.

Ngược lại, khi cả hai ngủ ngon, họ giải quyết mọi chuyện tinh tế, nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Tiến sĩ Frida Rångtell, nhà giáo dục giấc ngủ và cố vấn khoa học thuộc tổ chức Sleep Cycle, cho rằng về lâu dài, ngủ riêng giúp củng cố mối quan hệ vợ chồng.

Không chung giường nên việc gần bạn đời không dễ dàng như ngủ chung. Lúc đó, bạn nhớ đối phương hơn, suy nghĩ nhiều hơn đến cách tiếp cận và dành thời gian thân mật với nhau. Điều này sẽ tạo nên những bất ngờ thú vị khiến cả hai thêm gắn kết.

Vợ chồng chị Hoàng Anh là một trong số đó. Thay vì bức bối, khó chịu vì nằm gần, họ thấy tình yêu thêm màu sắc nhờ ngủ riêng. Mỗi khi muốn “tâm sự” anh chị phải lên kế hoạch chi tiết để không bị hai cậu con trai phát hiện. Sau khi dụ con ngủ say, anh chồng nhắn sang “bên này ok rồi”, chị vợ đáp “ok”, là anh bước khẽ để sang, cẩn thận chốt cửa phòng.

“Vợ chồng với nhau mà cứ phải lén lút như ăn trộm. Lắm bữa đang hành sự thì thằng lớn tỉnh dậy không thấy bố đâu, la ầm. Tự nhiên vợ chồng thấy quý khoảnh khắc được gần nhau thế”, chị vui, kể.

Chuyên gia về giấc ngủ, phó giáo sư tại Trung tâm Y tế ĐH Duke (Mỹ) Sujay Kansagra, cho rằng giường chỉ phục vụ hai mục đích là ngủ và sex. Khi vào phòng, tâm trí chỉ nên tập trung vào hai thứ đó, không phải công việc hay TV.

Vợ chồng anh Đức Hùng ý thức hơn ai hết điều này khi chọn ngủ khác phòng. Muốn gần gũi, anh thôi cày game, vợ cũng gạt công việc sang một bên để gõ cửa phòng đối phương.

“Chúng tôi lại dành thời gian chất lượng cho nhau. Vui vẻ xong thì ai lại về phòng người đó, muốn làm gì thì làm, ngủ giờ nào cũng được”, anh nói.

Nhật Minh