Địa điểm mới

Vì sao cha mẹ trở thành thủ phạm bạo hành trẻ em?

Cô bé lớp 5 ở Thanh Hóa đang chăm chú làm bài tập, bất thình lình ông bố xuất hiện, đánh túi bụi vào mặt vào đầu dù chẳng có lý do gì.

Người bác đang cưu mang cô bé kể lại sự việc với tư vấn viên của Tổng đài bảo vệ trẻ em 111. Hôm giữa tháng 8 đó, ông bố ra tay đánh con trong khi người nồng nặc mùi rượu. Cô bé sợ hãi, chỉ biết ôm đầu cầu xin. May mắn người bác đã có mặt kịp thời đẩy người cha ra. Tuy nhiên, ngay cả lúc ông bố không có hơi men, những trận đòn vô cớ vẫn thường xuất hiện.

“Nguyên nhân do hai năm nay làm ăn thất bại, không có tiền bạc, người này đã trút bức bối lên vợ con. Người vợ không chịu nổi bỏ đi, từ lúc đó chỉ còn cô con gái chịu trận”, tư vấn viên Tổng đài 111, chia sẻ.

Cô bé đã bị bạo hành một thời gian dài. Em được hai bác đón về nhà nuôi dưỡng để tách khỏi người cha, song bố vẫn tìm đến đánh con. Người bác cho biết, đã nhiều khuyên can và nhờ chính quyền địa phương can thiệp nhưng ông bố vẫn làm càn và thường lớn tiếng thách thức “con tao, tao dạy”.

Khi tiếp nhận vụ việc, Tổng đài 111 đã làm việc với công an, chính quyền địa phương và Hội phụ nữ, buộc ông bố cam kết không tái diễn việc dùng bạo lực với con. Sự lên tiếng của người thân, các cơ quan công quyền địa phương, cho đến sự can thiệp của Tổng đài 111, có thể đã ngăn chặn được một vụ án thương tâm.

Nhưng vẫn còn đâu đó nhiều câu chuyện bạo hành khác không được phát hiện, như vụ cô bé ở quận Bình Thạnh, TP HCM tử vong hôm 22/12; bé gái sáu tuổi ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội thiệt mạng sau cơn nóng giận của bố hồi tháng 9. Hay trước đó tháng 10/2019, một bé ba tuổi ở quận Đống Đa cũng chết sau những trận hành hạ của cha dượng, mẹ đẻ.





Địa điểm giải trí 233b74f5db10114e4801-1-1718-16-5276-3095-1640788510 Vì sao cha mẹ trở thành thủ phạm bạo hành trẻ em? Thông tin

Người dân thắp nến tưởng niệm bé gái ở Bình Thạnh, tối 27/12. Ảnh: Đình Văn

Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện, 1.506 trẻ em bị xâm hại tình dục. Đáng nói, 97% kẻ gây hại đều là phụ huynh, người thân của nạn nhân. Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 cho biết, tiếp nhận trung bình 30.000 cuộc gọi phản ánh và cầu cứu mỗi tháng. Tuy nhiên, giữa năm 2021, khi nhiều địa phương giãn cách xã hội, trẻ em ở trong nhà với người thân, số cuộc gọi tăng tới 40.000 – 50.000 mỗi tháng.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững MSD, những cái chết thương tâm của trẻ vì bạo hành gia đình thời gian qua, dường như vẫn chưa đủ sức cảnh báo những người làm cha mẹ.

“Họ có mặt đâu đó trong đám đông lên án và phẫn nộ kẻ khác, nhưng ngay sau đó vẫn đánh con”, bà Linh nhận xét. Thậm chí, các nghiên cứu quy mô lớn trên thế giới đã chỉ ra, 2/5 số phụ huynh được hỏi thừa nhận đánh trẻ mạnh hơn dự định.

Trái với suy nghĩ “yêu cho roi cho vọt” của cha mẹ, hơn 90% trong số 5.400 ý kiến của trẻ em khắp cả nước cho dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do MSD thực hiện tháng 11/2021, cho thấy mọi hình thức như đánh bằng tay hay bằng các vật dụng, giật tóc, mắng, so sánh, chửi bới, hay các hình thức tra tấn khác đều là bạo lực, dù cha mẹ có nhân danh đó là yêu thương.

Trong nghiên cứu, em Mai, 14 tuổi, ở Quảng Ngãi chia sẻ, ở quê em bố mẹ thường dùng đòn roi để răn đe ngày còn nhỏ. Lúc lớn lên, các em thường chịu những lời cay nghiệt. Mai thường bị mắng: “Sao mày không chết đi? Tao không nên đẻ ra mày. Mày còn không bằng con chó, còn bò… Lâu lâu lại nhắc lại, còn đánh thì rất đau”.

Em Ngân Anh, 13 tuổi, ở Hà Nội từng chứng kiến một bạn hàng xóm trên em một lớp bị mẹ bạo hành. “Bố chị ấy mất sớm. Một lần không biết lý do vì sao mà mẹ đánh chị ấy, bắt cởi hết quần áo, bắt đứng ra đường và cầm roi vụt. Đó là bạo lực cả về thể chất và tâm lý”, Ngân Anh kể.

Theo bà Phương Linh, không có giáo dục bằng bạo lực, cũng không có khái niệm “bạo lực an toàn”. Hơn nữa, bản chất của bạo lực là leo thang. Một khi hành vi này được dung dưỡng sẽ thành tội ác.

Có nhiều cha mẹ vẫn đánh mắng con hàng ngày, lúc đầu là cái đánh tay, tét mông, sau đó là trận đòn bằng roi mây, roi da… Bản chất của bạo lực và cái ác lúc nào cũng leo thang như thế, nếu thoả hiệp với nó, chúng ta sẽ bắt đầu nghĩ là bình thường và tăng mức độ lên.





Địa điểm giải trí 267503569-1066861090551646-687-5515-3990-1640835264 Vì sao cha mẹ trở thành thủ phạm bạo hành trẻ em? Thông tin

Ngày hội Lan toả yêu thương để truyền thông cho cha mẹ và học sinh về kỷ luật tích cực, tại một trường cấp hai ở TP HCM, 11/2020. Ảnh: MSD

Chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Hội Bảo trợ quyền trẻ em) cho biết, để giải quyết trọn vẹn vấn nạn bạo hành trẻ em phải đi vào gốc rễ. Xã hội đang mặc định kết hôn là sinh con, trong khi rất nhiều người chưa sẵn sàng và không có kiến thức nuôi dạy con. Theo bà, bên cạnh các khóa học tiền hôn nhân bắt buộc, các cặp vợ chồng cần được học các khóa làm cha mẹ trước khi sinh con. Đồng thời phải thay đổi quan niệm coi con cái như tài sản của mình nên tùy ý “cho roi cho vọt”.

Thứ hai, cần phải truyền thông cho cộng đồng. Người dân cần phải được trang bị kiến thức để lên tiếng bảo vệ trẻ em, cần phải biết các đường dây nóng để tố cáo bạo hành. Mỗi nhà trường cần phải có phòng tâm lý và dạy các con gặp khó khăn phải chia sẻ.

“Xã hội càng thiên về vật chất thì gặp vấn đề tâm lý càng nhiều. Nguyên nhân trẻ em bị bạo hành thường xuất phát từ mâu thuẫn của người lớn”, bà phân tích.

Gần đây chuyên gia đã tư vấn cho một nữ khách hàng quen. Năm trước chị đã khiến con gái đầu trầm cảm, muốn tự tử. Lần này, áp lực và sự kiểm soát của chị cũng khiến cậu con trai có hành vi tự hại. Nguyên nhân căng thẳng giữa mẹ và con lại bắt nguồn từ cuộc hôn nhân không hạnh phúc của chị.

Chuyên gia Nguyễn Thúy Uyên Phương, nghiên cứu sinh ngành thiết kế và lãnh đạo giáo dục tại Đại học Illinois (Mỹ), cho rằng không phải cha mẹ nào cũng đủ năng lực nuôi dạy con. Tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới, việc nuôi dưỡng trẻ em không thể giao hết cho cha mẹ. Rất nhiều trường hợp phụ huynh đã bị tước quyền nuôi con vì đánh đập hay bỏ bê trẻ.

“Chúng ta phải xây dựng một cơ chế cộng đồng để nuôi dạy trẻ. Một khi cha mẹ không đủ khả năng nuôi dạy con sẽ vẫn còn nhiều lưới an toàn khác là nhà trường hay các cơ quan công quyền”, bà nói và nhấn mạnh đã đến lúc phải xây “cả ngôi làng để nuôi một đứa trẻ”.

Phan Dương