Thông tinVác 3 tấn đất lên sân thượng làm vườn admin2 năm ago011 mins Thứ sáu, 17/6/2022, 06:28 (GMT+7)TP HCMChị Đoan Nghiêm ở quận Tân Bình huy động hai em trai, thuê 4 người vác đất, biến sân thượng thành khu vườn có hàng chục loại rau trái. Giữa năm ngoái, Covid-19 bùng phát khiến một người bận rộn với kinh doanh như chị Trương Nữ Đoan Nghiêm bỗng dưng nhàn rỗi. Chị quyết định trồng rau trên sân thượng tầng ba để khuây khỏa. Việc đủ rau ăn xuyên mùa dịch khiến chị có động lực cải tạo thêm sân thượng tầng bốn, rộng 30 m2 để trồng các loại dưa lưới, mướp, bầu bí và cây ăn quả. Chị huy động các thành viên trong gia đình cùng với hai em trai và bốn người được thuê vác ba tấn đất, theo từng đợt, qua cầu thang nhỏ hẹp lên sân thượng tầng 4.“Hai cậu em trai còn lo thiết kế, lắp đặt đèn điện, nước, dựng thêm giàn, kê chậu và trộn đất. Tôi ươm hạt, trồng cây, chăm sóc và bón phân. Ba tôi và con gái phụ tưới cây, bắt sâu”, chị nói. Đất để làm vườn là đất thịt (đất đỏ bazan) trộn với mùn dừa, tro, trấu, vỏ lạc, cám gạo, bột đậu nành, bánh dầu đậu phộng, vỏ trứng, phân Super Soil, vôi. Sau khi ủ trong khoảng ba tuần để diệt sạch mầm bệnh, trộn thêm nấm Trichodemar, chị bắt đầu trồng cây con. Cuối tháng 2 năm nay, khu vườn dưa lưới sân thượng mới hình thành. Chị Đoan Nghiêm trồng vụ đầu gồm 32 cây dưa Honey Red, 8 cây dưa Kim Long và 8 cây Hami04. Vườn dưa được thiết kế theo kiểu “năm không”: không nhà màng, không hệ thống tưới tự động, không bón phân hoá học, không mái che và không thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng. Ngoài trộn đất và trồng đúng thời vụ, theo chị Nghiêm, tưới và bón phân đúng cách quyết định thành công của khu vườn. Chị tự ủ phân cá, phân đỗ tương để bổ sung đạm cho cây phát triển. Đến giai đoạn ra hoa, trái, chị bổ sung Kali từ dung dịch chuối, trứng, sữa và thêm rác nhà bếp. Cuối tháng 5, Sài Gòn mưa lớn, nhìn những cành chèo nhỏ phải gồng gánh quả dưa nặng, chị Đoan Nghiêm lôi vải mùng may thành võng cho dưa nằm. “Vụ dưa đầu tôi thu hoạch được gần 100 kg dưa Kim Long và Honey Red, khoảng hai tuần nữa sẽ được thưởng thức dưa Hami04”, chị nói. Trên vườn, chị Nghiêm dành một góc trồng giàn bí bơ và 10 cây bí ngòi.Các loại cây trong vườn đều được phun dung dịch tỏi, ớt, gừng; nước ngâm vỏ tỏi, hành và dung dịch vỏ trái cây chứa tinh dầu như cam, bưởi, chanh để đuổi bướm, ngừa sâu. “Ngày nào tôi cũng lên vườn thăm từng cái lá, phát hiện cây nào có dấu hiệu sâu bệnh là xử lý kịp thời”, chị cho hay. Giữa tháng 6, giàn bí bơ chuyển xanh thành vàng, bắt đầu cho thu hoạch. Bí bơ trồng khoảng 1,5 tháng sẽ cho ra quả, ba tháng cho thu hoạch. Mỗi cây cho quả ở nách lá trên nhánh chính. Con gái mê món canh cua rau tập tàng nên chị Đoan Nghiêm trồng thêm các loại rau ngót, mùng tơi, rau dền… Gia đình còn trồng nhiều cây ăn quả khác như lựu, ổi, táo. Nho đang bắt đầu leo kín giàn… Một góc vườn đặt bàn trà, nơi mọi người có thể ngắm bình minh và hoàng hôn. Sau những ngày chăm sóc, gia đình chị Đoan Nghiêm có khu vườn để thư giãn, có rau, quả sạch để ăn và tặng bạn bè. Đặc biệt, nhờ tạo lập và săn sóc cây vườn các thành viên trong gia đình gần gũi, thân thiết hơn. Con gái chị mê vườn hơn mê điện thoại, iPad, cứ đi học về là lên vườn phụ ông ngoại tưới rau, chăm quả.“Tôi đã sống trong ngôi nhà hơn 20 năm, nhưng nay mới nghĩ đến tận dụng sân thượng làm vườn. Nhìn thành quả, tôi tiếc đã lãng phí phần diện tích lý tưởng bao năm qua”, chị nói.Nhật MinhẢnh nhân vật cung cấpNo related posts.Điều hướng bài viếtPrevious: Khách sạn ở Hà Nội lọt top 100 thế giớiNext: Nước trái cây Joco chinh phục người tiêu dùng trẻ
Kiếm 500 – 2 triệu/ngày – Khởi nghiệp với mô hình kinh doanh hàu nướng vỉa hè admin1 năm ago1 năm ago 0