Bình DươngNhận được tro cốt mẹ, cậu bé 5 tuổi Trần Gia Nghĩa khóc nức nở, chỉ chịu nín khi bà nội bảo “ba sẽ mua đũa thần đưa mẹ quay về”.
Đó là thời điểm nửa năm về trước, khi chị Nguyễn Thanh Hòa, mẹ bé mất bởi Covid-19.
Giờ, trong ngôi nhà đi thuê tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Nghĩa thường lủi thủi bên cạnh bà nội đã ngoài 70, thi thoảng lại hỏi: “Khi nào có gậy thần để mẹ cháu bước xuống từ trên bàn thờ?”. Bà Trần Thị Lan thở dài, an ủi cháu: “Để bố kiếm nhiều tiền, rồi mua đũa thần cho con”.
Trần Gia Nghĩa là con trai duy nhất của anh Trần Văn Trung, 39 tuổi và chị Nguyễn Thanh Hòa, 36 tuổi. Vợ chồng lấy nhau đã 10 năm nhưng rất lâu sau mới có bé Nghĩa sau nhiều lần sảy thai.
Từ quê nhà Bình Thuận lên Bình Dương, anh Trung làm việc tại một xưởng inox, trước tăng ca 13-14 tiếng mỗi ngày, tháng nhiều nhất cũng kiếm được chục triệu. Số tiền này, anh nuôi vợ con, hy vọng tích góp mua nhà rồi lập nghiệp ở thành phố. Nhưng tai họa dồn dập đến gia đình từ cuối năm 2020, trước Tết Nguyên đán một tháng.
Tháng 12/2020, khi đang dừng xe chờ đèn đỏ, anh Trung bị một chiếc xe máy đâm mạnh từ phía sau, ngã đập người xuống đường. Vào viện, anh liên tục nôn ói nên được đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị dập nội tạng phải mổ cấp cứu để cắt một phần lá lách, vá gan và nối ruột. Tay phải của anh cũng bị dập nát, phải mổ xếp lại xương rồi băng bó cố định.
Con nhỏ mới ba tuổi, để chăm chồng ở viện, chị Hòa phải nhờ mẹ chồng từ Vũng Tàu lên giữ cháu giùm. Chị cùng chồng chữa trị từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, ròng rã hai tháng. Sau khi xuất viện, tay phải anh Trung vẫn không hoạt động được bình thường, phải vật lý trị liệu. Vết mổ ở bụng cũng thường xuyên đau nhức, phải thay rửa băng hàng ngày.
“Sau tai nạn, Trung từ 60 kg sụt còn 41 kg, người xơ xác như khúc củi khô bên đường, ai nhìn cũng xót”, bà Lan, mẹ anh hồi tưởng.
Thời điểm đó, tiền tiết kiệm phải mang ra trị bệnh cho chồng. Dù nhận được hỗ trợ từ anh em, họ hàng nhưng gia đình chỉ cầm cự được nửa năm, lúc này chị Hòa phải đi làm để cáng đáng kinh tế. Đó là thời điểm tháng 6/2021, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Bình Dương. Hòa xin làm công nhân tại một xưởng may tư nhân gần nhà.
Vừa lĩnh tháng lương đầu tiên, chị bị nhiễm Covid-19, được đưa đi cách ly tại khu thu dung. Đầu tháng 8/2021, Hòa được ra viện, nhưng bác sĩ yêu cầu tự cách ly thêm 14 ngày tại phòng riêng để theo dõi sức khỏe. Anh Trung khi đó thuê thêm một căn phòng cùng khu trọ cho vợ, cách phòng đang ở chỉ vài bước chân.
Chị Hòa một mình ở phòng riêng, hàng ngày anh Trung đều mang cơm nước đặt ngoài cửa rồi gọi ra lấy. Rảnh rỗi, cả gia đình vẫn nói chuyện với nhau qua điện thoại, cập nhật tình hình sức khỏe cũng như những nhớ thương qua màn hình nhỏ xíu. Vợ được về nhà, dù mừng nhưng người chồng vẫn lo lắng, sợ chị không khỏe, không ăn uống được. Thấy chồng gầy rộc vì mình, Hòa động viên “anh cố chăm con, vài ngày nữa em khỏi hẳn, cả nhà lại đoàn tụ”.
Nhưng cái ngày đoàn tụ đó không bao giờ trở thành hiện thực.
Vào ngày thứ 10 vợ cách ly trong phòng, anh Trung vẫn mang cơm đặt ngoài cửa, nhưng gọi mãi không ai trả lời. Đoán chị gặp điều gì bất trắc, người chồng dùng hết sức phá cửa, bủn rủn chân tay khi thấy vợ nằm xõng xoài trên giường. Đứng không vững nhưng anh vẫn đủ tỉnh táo gọi cho y tế phường, hy vọng cứu được vợ. Nhưng mọi việc đã quá muộn.
“Chỉ còn 4 ngày nữa chúng tôi được gặp nhau, nhưng cô ấy không thể chờ được”, Trung nghẹn ngào.
Ba ngày sau, người ta mang tro cốt của chị Hòa về trao tận tay người chồng. Lúc này, Trung mới gọi con trai sang, chỉ vào hộp tro cốt, nói rằng mẹ đang ở trong đó. Nhắc đến mẹ, Nghĩa khóc nức nở vì lâu ngày không được gặp. Khóc xong cậu mới ngơ ngác hỏi: “Sao ở ngoài mẹ to lớn vậy, giờ lại nằm trong này hả ba. Có phải mẹ cần chiếc đũa thần để được ra ngoài không?”. Khi còn sống, chị Hòa thường kể cho con trai nghe về chiếc đũa thần, có thể thực hiện được tất cả ước muốn của người sở hữu nó. Nghĩa luôn tin, nếu có nó, mẹ sẽ trở về bên mình.
Bàn thờ chị Hòa vừa lập trong nhà trọ, chủ nhà nói khéo để đuổi cả gia đình đi. Anh Trung lại dắt díu mẹ đẻ và con trai tìm thuê một căn nhà khác, nhưng giá cao gấp đôi. Mỗi tháng, cả tiền điện nước, anh phải trả gần 3 triệu đồng.
Vợ mất, kinh tế gia đình ngày càng suy kiệt. Dù sức khỏe chưa hồi phục hẳn nhưng sau lễ cúng 49 ngày vợ, Trung trở lại công ty cũ. Biết sức khỏe anh yếu, người chủ không cho tăng ca, lương tháng vì thế chỉ bằng 2/3 trước đó. Để có xe đi làm tại xưởng cách nhà 3 km, Trung cũng phải nhờ anh em họ hàng hỗ trợ tiền sửa sang chiếc xe gần như nát vụn sau vụ tai nạn trước kia.
Ông Bồ Văn Nhàn, trưởng khu phố 1, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương chia sẻ, mỗi khi phường hỗ trợ cho gia đình có người mất vì Covid-19, anh Trung, cháu Nghĩa thường được nhận quà. “Tôi cũng thường động viên Trung cố giữ gìn sức khỏe, giờ chỉ còn lại một mình nuôi con”, ông nói.
Từ khi vợ mất, Trung chỉ cặm cụi làm việc, tối về ôm con trò chuyện. Trong câu chuyện của hai bố con, hình bóng người mẹ luôn xuất hiện với những kỷ niệm đẹp, khi cả nhà cùng chơi đùa hay nấu nướng bên nhau.
“Nhiều đêm khó ngủ, tôi trở dậy thì thấy Trung thường ngồi thẫn thờ dưới bàn thờ. Chắc nó nhớ vợ quá”, bà Lan kể.
Còn với Nghĩa, từ ngày mẹ mất, cậu rất thích có người đến chơi nhà. Mỗi lần ai đó ghé qua, cậu bé năm tuổi đều chuẩn bị chai xịt tay khử khuẩn “Để không ai còn nhiễm Covid-19, bị nhốt trong hộp như mẹ cháu”, Nghĩa nói. Thằng bé cũng rất thích tô tranh, đặc biệt là hình ảnh gia đình, có bố, có mẹ và các con. Gần đây, Nghĩa trở lại trường, còn được học thêm những bài hát về gia đình, về mẹ, véo von suốt cả ngày.
Mỗi sáng, trước khi đi làm, anh Trung đều chở con trai đến lớp. Trên đường đi, hai bố con ríu rít đủ thứ chuyện. Dù vậy, trước mặt Nghĩa, người bố chưa khi nào giải thích về cái chết của vợ, bởi anh muốn cậu bé tin, đủ tiền bố sẽ mua chiếc đũa thần. Khi đó mẹ sẽ quay trở lại.
Hải Hiền