Các chuyên gia dự đoán ngành du lịch sẽ thất thu nặng nề trong dịp Quốc tế Lao động vì Omicron bùng phát và chính sách zero Covid.
Những người làm trong ngành dịch vụ và du lịch tại Trung Quốc cho biết khả năng chi tiêu mà người dân bỏ ra trong dịp nghỉ lễ 1/5 (từ 30/4 đến 4/5) sẽ yếu. Nước này đang vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ khi Covid-19 được phát hiện ở Vũ Hán hơn hai năm trước. Việc đi lại nội địa bị hạn chế tối đa. Bên cạnh đó, chính quyền vẫn cương quyết theo chính sách không Covid. Điều này khiến kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày mà nhiều người đã lên kế hoạch từ trước bị đảo lộn.
Ryan Duan, 24 tuổi, sống ở Bắc Kinh, đã lên kế hoạch thăm Tây Tạng, nhưng anh đã phải hủy vì các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt của địa phương nơi sắp ghé thăm. Anh lo ngại mình có thể không được vào, hoặc phải cách ly vì hiện nay nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc từ chối du khách nếu họ đến từ những vùng rủi ro dịch bệnh.
“Tôi không thể đi bất kỳ đâu nếu Bắc Kinh vẫn nằm trong khu vực bị cảnh báo rủi ro”, Duan nói.
Zhou Mingqi, người sáng lập công ty tư vấn du lịch Jingjian Consulting, cho biết lượng chi tiêu có thể sẽ giảm mạnh. “Vẫn còn hàng chục thành phố bị phong tỏa. Điều này có tác động rất lớn đến việc chi tiêu của du khách. Có rất ít lý do để mọi người tin rằng đây sẽ là một kỳ nghỉ hứa hẹn”.
Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh kêu gọi người dân ở nhà trong kỳ nghỉ 5 ngày tới. Giới chức nước này hạn chế số lượng, sức chứa đám đông ở các địa điểm công cộng, tham quan.
Dịp lễ Thanh Minh kéo dài ba ngày vào đầu tháng 4 cũng đã bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát dịch bệnh. Theo số liệu từ Bộ Văn hóa và Du lịch, số lượng các chuyến đi trong dịp này đạt 68% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu du lịch giảm 30,9% so với năm 2021 và chỉ đạt 18,78 tỷ tệ (2,9 tỷ USD).
Nhà kinh tế học Wang Lisheng cho biết: “Làn sóng Omicron mới nhất đã giáng đòn mạnh vào tiêu dùng của Trung Quốc, đặc biệt là đối với các dịch vụ trực tiếp như du lịch và ăn uống. Tác động tiêu cực của dịch bệnh có thể kéo dài hết tháng 4, thậm chí lâu hơn”.
Iris Pang, nhà kinh tế trưởng tại ING Bank, nói thêm: “Chúng tôi chỉ có thể hy vọng rằng chính quyền địa phương có thể đưa ra nhiều biện pháp cứu trợ hơn cho những doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng dịp này”.
Năm ngoái, Trung Quốc đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong dịp 1/5, với lượng du lịch nội địa thậm chí còn tăng hơn so với trước dịch. Cụ thể, 230 triệu chuyến đi được thực hiện trong năm ngày, tăng gần 120% so với 2020 và cao hơn 3,2% so với trước đại dịch. Doanh thu du lịch cũng tăng 138,1% so với cùng kỳ 2020, đạt 77% so với trước dịch.
Cùng với lễ Quốc khánh vào đầu tháng 10, Quốc tế Lao động là kỳ nghỉ dài tại Trung Quốc. Thông thường, đây là dịp người dân đổ xô đi du lịch.
Anh Minh (Theo SCMP)