Sống trong một gia đình hôn nhân “tập hai”, khi có bất đồng nuôi dạy con cái, bạn sẽ làm thế nào nếu chúng không phải con bạn?
Hơn 10 năm trước, Lori và David Sims, ở Mỹ đứng trước bờ vực ly hôn. Lori có một con trai từ mối quan hệ trước, còn David có bốn con. Năm thứ hai sau hôn nhân, cả hai mâu thuẫn vì Lori cảm thấy David quá chiều chuộng các con. Chúng cũng không nghe lời cô và phản ứng khi bị can thiệp vào cuộc sống.
Để cứu vãn mối quan hệ, họ đã đến gặp một chuyên gia tư vấn, nhưng mỗi khi Lori phàn nàn về các con của chồng, chuyên gia lại nói: “Lori, chúng không phải là con của bạn”. Cô sẽ nói: “Tôi không muốn chúng có hàm răng xấu. Tôi không muốn chúng nghịch ngợm ở trường”. Nhưng dù cô biện hộ thế nào, chuyên gia vẫn trả lời như cũ.
Lori cáu kỉnh sau buổi tư vấn, khiến hai vợ chồng phá lên cười sau nhiều tháng căng thẳng. “Chúng không phải là con tôi. Tôi đang chui đầu vào rọ khi cố gắng nuôi dạy những đứa trẻ có hai bố mẹ này”, cô nói.
Buổi tư vấn đã thay đổi cách Lori nuôi dạy con cái. Ví dụ, nếu con riêng vứt đồ bừa bãi và không dọn, cô có thể yêu cầu David dọn. Nếu bận, cô có thể yêu cầu chồng nấu đồ ăn cho các con hoặc anh yêu cầu chúng tự làm. Cô không còn lo lắng việc các con chồng đã làm việc nhà hay hoàn thành bài tập và kìm chế nếu không đồng ý với cách David hành xử với con…
Lời của chuyên gia “Chúng không phải là con bạn”, đã giúp Lori và chồng hình thành nên học thuyết Nacho kids (viết tắt của cụm từ Not your kids). Đây là một phương pháp lùi lại khỏi các tình huống khiến bạn và vợ/chồng “tập hai” căng thẳng.
Khi bạn cảm thấy mình “không kiểm soát được” thực ra bạn có quyền kiểm soát tối cao. Thuật ngữ này giúp họ bớt căng thẳng và tập trung vào nhiệm vụ trước mắt, tức tạo dựng và nuôi dưỡng một gia đình hỗn hợp thành công.
Lori và chồng lập một blog về phương pháp này, sau đến một nhóm Facebook, hiện có hơn 20.000 thành viên và cuối cùng là Học viện Nacho Kids, nơi họ hướng dẫn các bậc cha mẹ về phương pháp, bước đầu tiên là tách khỏi vai trò nuôi dạy con, như cô đã làm nhiều năm trước.
“Chúng không phải là con của bạn về mặt pháp lý, sinh học. Điều này không phải là sự xúc phạm mà là thực tế”, Lori nói. Nhưng không có nghĩa phớt lờ con riêng, mà nên đối xử với chúng như con của một người bạn, hoặc cháu gái, cháu trai.
Các gia đình có con riêng đã có lịch sử tồn tại lâu dài gần như gia đình truyền thống. “Phụ nữ chết khi sinh con, những người đàn ông đã chết khi làm việc. Cuộc sống rất ngắn ngủi và để tồn tại người còn lại buộc phải tìm một người khác thay thế”, Lawrence Ganong, giáo sư danh dự về phát triển con người tại Đại học Missouri, Mỹ, người đã nghiên cứu về gia đình có con riêng trong nhiều thập kỷ, cho biết.
Trong phần lớn lịch sử loài người, cha mẹ kế làm nhiệm vụ như người cha/mẹ đã khuất. Vào những năm 1970, số lượng cha mẹ kế bắt đầu tăng lên nhiều hơn. Bản thân người trong cuộc và ngay cả cha mẹ ruột cũng mong người cha mẹ kế nuôi dạy con ghẻ như con ruột. Những bậc cha mẹ không hài lòng với cách nuôi dạy con cái của vợ/ chồng họ thường cố gắng lao vào và nhào nặn theo ý mình.
“Điều đó gây ra vấn đề với nhiều gia đình có con riêng. Chín trong 10 trường hợp thường gây phản ứng ngược”, Laura Petherbridge, một chuyên gia chuyên tư vấn cho các gia đình có con riêng, nói.
Nhiều bậc cha mẹ cũng cho biết, con riêng không nghe lời họ hoặc cha/mẹ ruột còn lại chống đối dạy con họ, vì thế những người này có trách nhiệm nhưng lại không có trọng lượng. Anh Marty Samelak, người có ba con ruột và hai con riêng, nói cả anh và vợ đều “xù lông nhím” khi người kia chỉ trích con ruột của họ.
“Nếu tôi từng nói bất cứ điều gì về những đứa trẻ của cô ấy mà hơi gần tiêu cực, điều đó sẽ gây ra một cuộc chiến. Nếu cô ấy nói điều gì đó về những đứa trẻ của tôi, tôi thực sự phòng thủ” Marty nói.
Cố gắng làm “cha mẹ” mà không có mối ràng buộc chặt chẽ thể khiến những nhiệm vụ dù đơn giản cũng không thể thực hiện được. Ví như khi Maarit Miller chuẩn bị bữa trưa cho con riêng của chồng, con bé không ăn. Khi chồng cô đưa chính xác các món ăn này, con bé lại ăn. Cô nhìn ra con bé chưa sẵn sàng cởi mở với mình. “Có thể nhận ra rằng việc cố gắng nuôi dạy bọn trẻ đang khiến chúng xa rời bạn hơn. Cách yêu thương nhất mà tôi có thể đóng góp cho gia đình là lùi lại một bước”, cô nói.
Thuật ngữ nacho hiện đã phổ biến trên các diễn đàn nuôi dạy con cái, song vẫn còn gây tranh cãi. Chị Natasha Brown, mẹ của chín con – một con nuôi, sáu con riêng và hai con đẻ, biết rõ cuộc sống gia đình hỗn hợp có thể khó khăn như thế nào, nhưng không ủng hộ những người theo chủ nghĩa nacho.
“Nếu bạn cưới anh chàng đó, bạn đã chấp nhận sẽ làm mẹ những đứa trẻ đó. Và nếu bạn không dành trọn trái tim cho chúng, hãy ra khỏi cuộc sống của chúng”, Brown nói. Theo quan điểm của chị, việc những đứa trẻ “chấp nhận” cha dượng mẹ kế không có ý nghĩa, bởi chúng cũng luôn chống đối cha mẹ ruột.
Ngược lại một số thậm chí xem con riêng như con thật của mình. Diane Roy thân thiết với một trong những con chồng đến nỗi đã tặng con bé một chiếc nhẫn sapphire như một cam kết cho mối quan hệ hai mẹ con. Cô chỉ muốn làm mẹ thật của con bé, nhưng không thể xây dựng mối quan hệ như vậy với tất cả các con của chồng.
Một nghiên cứu đã cho thấy, những người cha dượng xem con riêng như con đẻ cao gấp đôi tỷ lệ mẹ kế, một phần vì họ sống với con thường, còn cha ruột vắng bóng hơn những mẹ ruột. Kirsten van Houdt, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Xã hội Thụy Điển, nói rằng tình mẫu tử còn là một “gánh nặng” hơn cả tình phụ tử, bởi kỳ vọng của xã hội đối với người mẹ cao hơn so với người cha. Những phát hiện của Van Houdt xác nhận rằng gốc rễ của việc làm cha mẹ không chỉ nằm ở sinh học hay luật pháp, mà có thể hình thành từ chính những trách nhiệm.
Về điểm này, Lori Sims đưa ra bằng chứng về gia đình của mình. Cuộc hôn nhân của cô đã tồn tại. Các con riêng của cô giờ đã trưởng thành, thành đạt. Mối quan hệ của cô với chúng lành mạnh và ấm áp.
“Nếu biết lùi lại, biết giữ mồm giữ miệng, chúng ta có thể học cách xây dựng mối quan hệ với các con. Bất kỳ ai cũng có thể làm được như tôi, có điều không được bỏ cuộc”, Lori nói.
Bảo Nhiên (Theo Atlantic)