Hà NộiÔng Nguyễn Xuân Thủy, 52 tuổi, quận Long Biên, sở hữu hơn 1.400 chiếc đài cassette quý hiếm, sau gần 5 năm sưu tầm.
Ông Thủy cho biết, để có bộ sưu tập này, ông phải cất công săn lùng trong và ngoài nước, nhờ tìm kiếm tại các bãi rác điện tử ở Nhật Bản, Campuchia, thậm chí trắng đêm canh phiên đấu giá trực tuyến như eBay, Yahoo Nhật Bản. “Đó là một quá trình rất cực nhưng xứng đáng”, ông nói.
Năm 2017, một lần ngồi quán cà phê, ông Thủy tình cờ nghe được đoạn nhạc du dương, âm thanh analog mộc, nguyên bản phát ra từ chiếc đài cassette cổ, khiến người nghe hồi tưởng về những năm 80, 90 của thế kỷ trước.
Giống như TV đen trắng, thời đó đài cassette là niềm ao ước của mọi gia đình, giá trị có thể lên tới cả cây vàng bởi nghe được tin tức, âm nhạc và học ngoại ngữ…
“Thời ấy, nhà nào oách lắm mới có cassette, chủ yếu phải nhờ mua từ nước ngoài. Tôi thi thoảng cũng chạy sang hàng xóm nghe ké, nhưng hay bị nhắc “cấm sờ vào hiện vật”. Có chút chạnh lòng, sau tôi hạ quyết tâm phải sở hữu một chiếc”, ông Thủy kể và chỉ tay vào chiếc cassette đầu tiên sở hữu là RX C40F của hãng National, mua năm 1991 có giá ngang tiền bán một cặp lợn. Từ đó đến nay, chiếc đài được đặt trang trọng tại một góc nhà và thường xuyên sử dụng.
Nửa năm đầu kể từ bắt tay vào nghề săn đài cassette cổ, ông tìm mua được khoảng 400 chiếc, chủ yếu từ các hội nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn âm thanh xưa và mối buôn bán đồ điện tử từ Campuchia. Nhưng không ít lần ông Thủy bị lừa, mua phải đài lỗi, hỏng, bị thay thế linh kiện.
Với ông, một chiếc đài đẹp, được đánh giá cao phải nhiều năm tuổi, giữ được độ mới như khi xuất xưởng; các nút bấm, phần xi mạ crom còn sáng đẹp, không bạc, mòn; linh kiện phải nguyên bản, chưa từng sửa chữa, thay thế hay độ chế.
Chiếc đài tiêu tốn nhiều thời gian, công sức nhất của ông là Viettronics RX-4960, sản xuất từ những năm 1980 tại Việt Nam.
“Sau hai năm sưu tầm, sở hữu một số lượng lớn đài cassette của hãng lớn nhưng tôi chưa tìm thấy đài do Việt Nam sản xuất”, ông Thủy kể. Sau một thời gian dài tìm hiểu, ông biết một cựu kỹ sư điện tử tại Công ty điện tử Biên Hòa còn giữ một chiếc được lắp ráp tại Việt Nam mang tên Viettronics, nên nhanh chóng tìm đến.
Lần đầu ngỏ ý mua lại, ông bị từ chối. Sau nhiều lần bay từ Hà Nội vào Biên Hòa thuyết phục, tỉ tê, cuối cùng chủ nhân của chiếc đài cũng đồng ý nhượng lại, cùng điều kiện “phải giữ, không bán”. Đúng lời hứa, hàng năm ông Thủy vẫn chụp hình, quay video gửi qua để báo cáo với lời nhắn “Kỷ niệm của chú cũng là kỷ niệm của tôi. Dù có người trả giá cao, tôi cũng không bán”.
Sau 5 năm sưu tầm, ông Xuân Thủy sở hữu hơn 1.400 chiếc cassette với đủ thương hiệu, kiểu dáng, kích cỡ và màu sắc khác nhau, từ hàng liên doanh, nhập khẩu và xách tay từ nước ngoài. Chiếc mới nhất có tuổi đời trên 30 năm.
Hiện ông chỉ giữ ở nhà hơn 400 chiếc, gần 1.000 chiếc được mang đi giao lưu, trưng bày tại các quán cà phê trên khắp cả nước. Ngoài đồ cũ, ông lưu giữ một số bộ radio cassette còn nguyên tem mác, chưa sử dụng, rất hiếm trên thị trường.
Sở hữu bộ sưu tập được đánh giá “khủng”, tùy từng chiếc có giá dao động từ vài trăm nghìn, vài triệu đến cả trăm triệu đồng nhưng ông Thủy nói “không quan tâm đắt rẻ, chỉ chú trọng vào cảm xúc”. Với ông, mỗi chiếc đài đều lưu giữ câu chuyện một thời vàng son, khi nhìn lại đều nhớ về kỷ niệm đã qua.
Ngoài sưu tầm đài cassette cổ, người đàn ông 52 tuổi còn mày mò, khôi phục các mẫu tem dán trên sản phẩm. “Nhiều loa đài cũ bị bóc hết tem mác, nhìn rất đơn điệu, nhạt nhòa, tôi bắt tay làm quần áo cho chúng. Riêng những chiếc không tìm được mẫu mã để khôi phục, tôi tự chế, dựa trên tìm hiểu của bản thân và hợp phong cách của hãng”, ông cho biết.
Đến nay ông Thủy phục chế và tự thiết kế khoảng 1.000 tem mác khác nhau. Có chiếc gắn tem do ông thiết kế thành thương hiệu, nhiều người lầm tưởng là nguyên bản.
Là một trong những người sưu tầm đời đầu, ông Thủy nhận định số người chịu chơi và chịu chi ngày càng lớn. Trước năm 2017, phần lớn là người chơi đơn lẻ, số lượng ít, nhưng nay các hội nhóm trên mạng xã hội có vài nghìn thành viên tham gia. Nhu cầu mua bán, trao đổi tăng chóng mặt. “Nhưng người chơi cần cẩn thận với các chiêu trò lừa đảo, tránh tiền mất tật mang”, ông cảnh báo và khuyên người mới nên tìm địa chỉ mua bán uy tín hoặc nhờ người có kinh nghiệm trợ giúp.
Hiện mỗi ngày ông Thủy nhận ba, bốn lời đề nghị tìm giúp những chiếc radio cassette cổ, của người yêu đài, muốn hoài niệm về quá khứ, trên khắp cả nước. Toàn bộ công việc tìm kiếm và thông báo cho người cần, ông không lấy công, báo đúng giá bán. “Thứ lớn nhất tôi nhận được là những người bạn cùng sở thích hoài cổ, muốn tìm về quá khứ”, ông nói.
Trong thời gian tới, ông Thủy vẫn theo đuổi đam mê của mình nhưng tập trung tìm mẫu mã đài cassette của Việt Nam, cùng một số sản phẩm độc, lạ, còn nguyên kiện.
“Nhiều người nói tôi gàn dở khi trưng bày hộp kim loại vô tri, nhưng nghe được những âm thanh xưa sống lại trong thế giới hiện đại là điều vô giá”, ông bộc bạch.
Quỳnh Nguyễn