Dọn dẹp nhà cửa là một trong những cách đơn giản giúp con người bình tĩnh, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Đối với Moushumi Khara, nhà thiết kế nội thất và sáng lập công ty The Lifestyle Editor có trụ sở tại Hong Kong, giữ nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp là hình thức tự chăm sóc bản thân. Moushumi mô tả việc sắp xếp tủ quần áo, phòng ngủ, nhà bếp vài tuần một tuần rất hấp dẫn.
“Nhà là nơi tôn nghiêm, tôi luôn cố gắng biến chúng thành địa điểm lý tưởng để sinh sống, làm việc và nghỉ ngơi”, cô nói. Để căn nhà gọn gàng, thi thoảng Moushumi sẽ bán hoặc tặng những món đồ không cần thiết. Cô coi việc dọn dẹp như một phương pháp trị liệu giúp bản thân tăng tính sáng tạo, hoàn thành nhiều công việc.
Nhà thiết kế thực sự tin rằng không gian sinh sống có ảnh hưởng lớn đến tinh thần. Sau một ngày làm việc dài, trở về căn nhà ngăn nắp, gọn gàng khiến Moushumi bình tĩnh và thoải mái hơn.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, sự lộn xộn có thể gây ảnh hưởng lớn đến cảm xúc. Năm 2011, Đại học Princeton, Mỹ, cho thấy việc sống trong không gian lộn xộn, nhiều tác nhân gây kích thích thị giác (quần áo bẩn chất đống, bát đĩa chưa rửa) khiến não bộ choáng ngợp, mệt mỏi, mất khả năng tập trung và làm việc kém hiệu quả.
Hay nghiên cứu công bố năm 2010 trên bản tin Tâm lý Xã hội và Nhân cách, người mô tả ngôi nhà của họ là “lộn xộn” và “đầy những dự án chưa hoàn thành” dễ chán nản, có mức độ căng thẳng cao hơn những người nói căn nhà “gọn gàng” và “bình yên”.
Đặc biệt, tập trung làm việc nhà có thể xoa dịu cảm xúc. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Mindfulness năm 2014 chỉ ra, những người thích rửa bát đã báo cáo mức độ lo lắng giảm 27%.
Việc nhà giúp con người thêm năng động. Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết, 20 phút hút bụi tương đương việc đi bộ 1,6 km. Trong khi gấp chăn màn, quần áo hay di chuyển đồ qua các phòng là cách tốt nhất để giữ dáng và đốt cháy nhiều calo.
Tiến sĩ Lim Boon Leng, bác sĩ thần kinh tại Singapore, cho biết lợi ích khác khi làm việc nhà là tăng cảm giác hài lòng, sự tự tin và cải thiện tâm trạng. “Nguyên nhân là do sự bừa bộn dễ khiến bạn cảm thấy tội lỗi, tự trách bản thân lười biếng, vô trách nhiệm”, Tiến sĩ Lim nói.
Ngoài ra, nhà thiết kế và đồng sáng lập ra The Happy Space Nassim Secci, nhận định sử dụng màu sắc, dành thời gian thiết kế không gian sống đem lại cảm giác bình yên và có tác dụng phục hồi cảm xúc hiệu quả. Nghiên cứu năm 2018 từ Đại học Bắc Floria, Mỹ cho thấy những người thích trồng, cắm hoa trong nhà có sức khỏe tinh thần tốt và báo cáo mức độ căng thẳng thấp hơn.
Nghiên cứu khác công bố năm 2015 trên Tạp chí Nhân học Sinh lý học, tiết lộ các loại cây trồng trong nhà có thể giúp con người thấy thoải mái và xoa dịu tâm hồn. “Hòa mình vào thiên nhiên khiến bạn thấy thư giãn và hưởng lợi từ chúng”, Secci nói.
Khác với số đông thích dọn dẹp, một số người nói bị trầm cảm, quá sức khi phải vệ sinh nhà cửa thường xuyên. “Nếu đúng như vậy, hãy bình tĩnh thay đổi”, Lim nói.
Theo tiến sĩ, việc thúc ép bản thân phải làm điều không muốn dễ dẫn đến cảm giác tội lỗi và làm trầm trọng hơn chứng trầm cảm của bản thân. Do vậy hãy bắt đầu từ việc thu dọn chén đĩa, quét nhà… Theo thời gian, bạn có thể cố gắng làm nhiều hơn khi sức khỏe tinh thần được cải thiện.
Trong những năm qua, Moushumi giúp nhiều người sắp xếp lại ngôi nhà trở nên ngăn nắp. Cô hiểu rõ những thách thức liên quan đến việc giữ một nơi ở sạch sẽ, ngăn nắp và căn bằng cuộc sống, nhưng nhấn mạnh con người không nên tự làm khó bản thân nếu đang vật lộn với lịch trình công việc dày dặc.
“Hoàn hảo không phải là vấn đề. Bạn không nên tự đánh giá mình vì có những thứ lộn xộn đang nằm xung quanh. Hãy làm những gì bạn cảm thấy thoải mái tại chính ngôi nhà của mình”, nhà thiết kế nói.
Minh Phương (Theo SCMP)