Trung QuốcÔng Wei Jianguo, 60 tuổi, đã sống ở sân bay suốt 14 năm qua, dù có nhà ở Bắc Kinh.
Năm 40 tuổi, ông Wei bị nhà máy sa thải vì họ cho rằng ông đã quá già. Tuyệt vọng, chán nản do không tìm được việc mới, ông chìm đắm trong rượu, thuốc lá và bị gia đình phản đối. Sau nhiều lần cãi vã với vợ, năm 2008, ông Wei dọn đồ đạc đến nhà ga T2 của sân bay quốc tế Bắc Kinh, cách nhà 19 km, để sinh sống. Quyết định này được đưa ra sau khi Wei xem bộ phim Mỹ The Terminal, nói về một người đàn ông bị mắc kẹt ở sân bay nhiều năm do trục trặc giấy tờ tùy thân.
Người đàn ông dành phần lớn thời gian để ăn, ngủ và dùng số tiền trợ cấp hàng tháng của chính phủ là 1.000 tệ (khoảng 3,6 triệu đồng) duy trì cuộc sống. Ông nói có thể thoải mái uống rượu, hút thuốc mà không phải nghe sự phàn nàn của người thân, tại nơi ở mới.
Nhiều lần bị cảnh sát và bảo vệ sân bay buộc phải rời đi, người đàn ông vẫn tìm mọi cách bám trụ. Để duy trì cuộc sống, ông mang theo đồ dùng nấu bếp, chăn, quần áo và đựng trong vali.
“Tôi không muốn về nhà, ở đó không có sự tự do. Họ bắt tôi phải cai rượu, bỏ thuốc lá, nếu không sẽ phải nộp khoản trợ cấp hàng tháng. Điều đó thật khó chấp nhận”, ông Wei giải thích với tờ China Daily năm 2018.
Người đàn ông này chọn định cư ở nhà ga T2 “vì chỗ này ấm nhất” nhưng thi thoảng vẫn chuyển qua ở T3 một thời gian ngắn để “thay đổi không khí”. Một nhân viên bán hàng tại sân bay cho biết, Wei thường xuyên ồn ào, lớn tiếng khi say xỉn nhưng vô hại.
Theo tờ China Daily, Wei không phải là người duy nhất có lối sống bám trụ ở sân bay. Năm 2018, nhà chức trách từng thống kê được ít nhất 6 người chọn sân bay Bắc Kinh làm nhà.
Ngoài Wei, người đàn ông quốc tịch Iran tên Mehran Karimi Nasseri cũng nổi tiếng khi sống tại sân bay trong 18 năm, từ năm 1988 đến năm 2006. Trước đó, người này cố gắng nhập cảnh vào Anh nhưng không thành. Khi tới sân bay Charles de Gaulle (Pháp) ông bị mất sạch giấy tờ tùy thân cũng như tài sản nên càng không thể nhập cảnh cũng không thể quay về.
Minh Phương (Theo Dailymail)