Địa điểm mới

Sống mòn trong biệt thự cũ

Địa điểm giải trí song-mon-trong-biet-thu-cu Sống mòn trong biệt thự cũ Thông tin

Hà NộiNghe báo có khách, bà Nguyễn Thị Tình dò dẫm từng bước, tay sờ dọc bức tường mãi mới tìm thấy công tắc bóng đèn.

Căn phòng 15 m2 của người phụ nữ 87 tuổi, nằm trong ngôi biệt thự cũ lại bị bao quanh là đồ đạc nên ngày hay đêm đều đen như mực.

Đây là nơi bà Tình dùng tiếp khách, gian thờ và cũng là giường ngủ. Một nửa chiếc ghế dài đựng sách báo, gầm ghế là nơi đựng các loại thuốc. Vài bức tranh đặt dưới sàn vì thiếu chỗ treo. Nơi đáng lẽ đặt bàn phải nhường chỗ cho tấm nệm ngả lưng của bà Tình và cũng là chỗ ngồi của khách.

Địa điểm giải trí Biet-thu-31-8438-1650736037 Sống mòn trong biệt thự cũ Thông tin

Bà Tình trong căn phòng 15 m2 được chia nhỏ từ ngôi biệt thự ở ngõ 57B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, chiều 22/4. Ảnh: Phạm Nga

Vợ chồng bà Tình đều là cựu cán bộ Sở Ngoại thương Hà Nội. Do tản cư, ông bà phải lang bạt nên được cấp cho một góc trong căn biệt thự nằm trên đường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Dù chỉ 15 m2 nhưng có thời căn phòng này là nơi sinh sống của 6 người. Ngoài gác xép chính, vợ chồng bà chế thêm một gác xép phụ trên nóc bếp để hai đứa con trai, một con gái lấy chỗ ngủ.

Các con bà đều bảo phải có nhà riêng mới dám lập gia đình chứ căn phòng này “chẳng còn hở chỗ nào mà chen chân”. Mười lăm năm trước, người con cả mua được miếng đất hơn 15m2 sát bên mới lấy vợ khi đã ngoài 30 tuổi. Con trai thứ hai và con gái bà cũng chọn rời biệt thự khi lấy vợ, gả chồng.

Cảnh ngộ nhà bà Tình chẳng khác gì 12 gia đình khác sống cùng căn biệt thự này. Tất cả chỉ có một nhà tắm, một nhà vệ sinh dùng chung. “Hết giờ làm, mưa nắng gì cũng phải xếp hàng trước cửa nhà tắm chờ đến lượt”, bà Tình kể, mắt hướng ra ba cái nhà tắm bám rêu đen vì ẩm mốc. Khổ nhất là những ngày mưa lớn, đi tắm vẫn phải lội vì nước ngập gần đến gối. Mùa đông, muốn tắm nước ấm, mỗi nhà đều đun 3-4 phích nước xách xuống.

Bà Tình cho biết, hai năm nay cảnh mưa ngập đã không còn nhờ thành phố lắp đặt hệ thống thoát nước. Một số hộ đã tự xây được nhà vệ sinh riêng nên cũng không còn cảnh xếp hàng.

Tiếng là sống trong biệt thự, nhưng vợ chồng bà Tình hiếm khi mời khách tới chơi. Có lần, vài người bạn thân thiết chủ động đến thăm, họ sửng sốt vì không gian sống chật chội của bà. “Sao anh nhà là cán bộ cấp cao mà lại ở như…”, một người bỏ lửng câu. “Biết họ nói đúng và chẳng có ý gì, nhưng mình chạnh lòng lắm”, bà Tình nói.

Trong nhà, bà treo nhiều ảnh chụp ở nhà em trai, em gái, nhưng chưa từng chụp bức ảnh nào tại nhà riêng. “Thế này thì chụp gì, ai nhìn thấy lại cười cho”, bà lão vốn thích chụp ảnh, thở dài.

Địa điểm giải trí pho-co-4-4-7019-1650705681 Sống mòn trong biệt thự cũ Thông tin

Bà Trần Thị Hạnh sống tại tầng 2 trong biệt thự số 57B Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Nga

Cũng ở trong một biệt thự cũ như bà Tình, căn phòng của bà Trần Thị Hạnh, 64 tuổi, rộng hơn với 20 m2 nhưng cuộc sống chẳng khác là mấy.

Bà Hạnh lấy chồng và về sống tại ngôi biệt thự Pháp cổ ở số 57B Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội từ đầu những năm 1980. Là nhà đi thuê từ thời bố mẹ chồng, hàng tháng vợ chồng bà phải trả hơn 200.000 đồng. Ngôi nhà là nơi cư ngụ của 7 hộ gia đình, với tổng diện tích sử dụng khoảng 100 m2.

Căn phòng 20 m2 của gia đình bà ở cuối hành lang tầng 2, có lúc là nơi ở của 7-8 thành viên. Phòng khách kiêm phòng ngủ còn bếp và nhà tắm chỉ đủ để hai người đứng dựa lưng vào nhau. Mỗi lúc đi tắm, mọi người phải kéo rèm ngăn với nơi nấu nướng. Nước sử dụng lấy từ chiếc bể xi măng xây từ đầu năm 90, nơi bà Hạnh phải nuôi cá vàng diệt bọ gậy. Trước đây, nhà cũng không có phòng vệ sinh, phải dùng chung với nhiều hộ dân. Bảy năm nay, bà xin được một góc dưới chân cầu thang để xây toilet nhưng nhưng hôm mưa gió đi xuống nước mưa thường tạt ướt hết người.

Gia đình bà Hạnh dùng chung ban công rộng một mét vuông với căn hộ bên cạnh, chuyên để phơi quần áo. Dù ban công hướng ra mặt đường Hàng Bồ, một khu phố sầm uất giữa trung tâm Thủ đô, người phụ nữ này chẳng dám ra hóng mát, bởi sợ gạch ngói lở, rơi từ trên xuống. “Cửa ban công phải đóng suốt do nhiều chuột. Có thời điểm, ngày nào nhà tôi cũng bắt được vài con”, bà Hạnh chia sẻ.

Chuột không phải là nỗi sợ duy nhất. Mưa dột mới là nỗi ám ảnh cả chục năm nay với gia đình bà.

Trước, ngoài vợ chồng và hai cô con gái còn có gia đình chị chồng và bố chồng cùng sinh sống. Để mở rộng diện tích, gia đình xây thêm gác xép, làm nơi học tập cho các con nhưng giờ công dụng lớn nhất của chúng là ngăn nước mưa rơi xuống phía dưới. Những hôm mưa, nước chảy ồ ạt vào nhà, bà Hạnh liên tục dùng chổi quét nước ra ngoài nhưng không đặng. “Không quét nhanh, nước có lần cao đến cả chục phân”, người phụ nữ 64 tuổi kể về trận mưa lớn hơn một năm trước.

Địa điểm giải trí pho-co-1-1-1430-1650705681 Sống mòn trong biệt thự cũ Thông tin

Bà Hạnh đứng ở căn bếp và khu tắm rộng khoảng 4 m2 nói về trận mưa năm ngoái. Ảnh: Phạm Nga.

Gia đình bà Tình hay bà Hạnh là điển hình cho cuộc sống ở biệt thự cũ Hà Nội. Thủ đô hiện có hơn 1.200 biệt thự, gồm 367 căn thuộc sở hữu nhà nước, 732 căn thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 căn thuộc sở hữu tư nhân. Các biệt thự cũ chủ yếu nằm ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ. Đa số đều đã xây trên dưới 100 năm, nhiều công trình không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên nên bị xuống cấp, hư hỏng.

Giữa tháng 4, Hà Nội từng có ý định bán 600 biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước, với 5.686 hộ ký hợp đồng thuê và đã bán cho gần 5.000 hộ. Hiện còn 713 hộ đang thuê ở trong những căn biệt thự chưa bán.

Về điều kiện mua nhà, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, chỉ những trường hợp đang sử dụng ổn định, có hợp đồng thuê nhà và phân phối nhà trước đây mới được xem xét mua. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này đã tạm dừng để rà soát.

“Tôi chưa biết nếu nằm trong diện được mua, giá cả sẽ thế nào, gia đình tôi có đủ khả năng để mua lại hay không”, bà Hạnh băn khoăn. Cả hai vợ chồng đều là công nhân về hưu, tổng lương hơn 8 triệu đồng một tháng. Nếu phải rời đi, bà cũng chưa biết sẽ đi đâu về đâu, bởi quen với cuộc sống nơi đây. Mong muốn lớn nhất của phụ nữ này là được nhà nước cải tạo biệt thự để không phải nơm nớp lo mỗi khi mùa mưa tới.

Ông Trần Văn Cảo, tổ trưởng tổ 5, phố Hàng Bồ, nơi gia đình bà Hạnh sinh sống cho hay, cải tạo phố biệt thự là mong muốn thường trực của người dân sống ở đây. “Tuy nhiên, để tiến hành được cần sự động thuận của nhiều cơ quan, đơn vị và người dân. Việc này không hề dễ dàng”, ông nói.

Giống như bà Hạnh, bà Tình dù sống khổ nhưng cũng không muốn rời đi. “Đây là nơi thờ cha, thờ chồng, nơi gắn bó bao kỷ niệm nên tôi vẫn sẽ ở. Chỉ mong được cải tạo lại cho rộng rãi và sạch sẽ hơn”, bà Tình nói và cho biết từ nhà đi bộ 10 phút là ra ngay Hồ Hoàn Kiếm có thể đi dạo, gặp gỡ bạn bè.

Mua miếng đất dựng nhà cạnh biệt thự của bà Tình, bà Trần Thị Hoa, 83 tuổi cũng từng sống khổ trong biệt thự cổ. Bà quyết định dọn ra ngoài đã bốn năm nay để tận hưởng cuộc sống tự do, lại không phải xa phố cổ. “Tôi muốn sống nốt những ngày già tự do, yên tĩnh”, người phụ nữ nguyên là cán bộ sở Ngoại thương Hà Nội nói.

Bà hy vọng chính quyền thành phố có giải pháp cải tạo hàng nghìn căn biệt thự ở Hà Nội, để giữ cho thủ đô nét đẹp vừa cổ kính, vừa hiện đại, nhưng không lỗi nhịp văn minh.

Hải Hiền – Phạm Nga