“Đi bão thôi!”, ông Nguyễn Quang Tuấn hét lớn khi cầu thủ Nhâm Mạnh Dũng ghi bàn ở phút 83, giúp Việt Nam có thêm chiếc HCV môn bóng đá nam, tối 22/5.
“Quá tự hào, tôi không thể bỏ lỡ màn ăn mừng chiến thắng cùng người dân cả nước, khi lần đầu Việt Nam đánh bại Thái Lan ở chung kết SEA Games”, ông Tuấn, người đã đồng hành cùng đội tuyển quốc gia 20 năm qua, nói. Mặc cơn mưa sau trận đấu, ông cầm cờ, cổ đeo trống hòa vào dòng người cổ vũ trên đường.
Đây là lần thứ hai người đàn ông 73 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội “đi bão” xuyên đêm. Trước đó ông từng lái xe máy qua 36 phố phường, hô lớn “Việt Nam vô địch”, khi đội tuyển U23 Việt Nam lần đầu vô địch AFF Suzuki Cup năm 2018.
“Bão đêm” lần đầu ghi nhận ở Việt Nam năm 1995, khi đội tuyển bóng đá Việt Nam giành huy chương bạc tại SEA Games. Kể từ đó, đi bão thành nét đặc trưng, hoạt động giải trí của người hâm mộ bóng đá Việt Nam mỗi khi đội nhà có chiến thắng quan trọng tại các giải đấu lớn.
Hai mươi năm theo đoàn thể thao Việt Nam đi khắp Đông Nam Á cổ vũ, ông Tuấn cho biết, không nơi đâu người dân nhiệt tình, thể hiện tinh thần yêu thể thao, sự hiếu khách như ở Việt Nam. Ông từng chứng kiến ở các nước bạn, khi giành huy chương vàng, người hâm mộ chỉ hò hét trên sân và trở về nhà một cách lặng lẽ.
Hai tuần SEA Games 31, truyền thông và người dân Đông Nam Á đã dành lời ngợi khen cho tinh thần cuồng nhiệt của cổ động viên Việt Nam. Ở tất cả các môn thi đấu luôn có lượng lớn khán giả đến cổ vũ, kể cả khi đội chủ nhà không tham dự.
Trước trận đấu vòng bảng U23 Singapore gặp U23 Lào, sân vận động Thiên Trường (Nam Định) đã được phủ kín khán giả cùng 60 tay kèn, 18 tay trống người Việt. Người hâm mộ còn tổ chức diễu hành, cổ vũ đội bạn. Fanpage ASEAN Football nhận định, sân vận động ở thành phố Nam Định đã lập kỷ lục về trận đấu có nhiều khán giả nhất, tại một địa điểm tổ chức trung lập trong lịch sử SEA Games, với 30.000 cổ động viên.
Huấn luyện viên Michael Weiss của U23 Lào bày tỏ sự bất ngờ bởi rất đông khán giả trên sân Thiên Trường cổ vũ. “Đây sẽ là những kỷ niệm đẹp đối với các thành viên U23 Lào và toàn đội. Chúng tôi có cảm giác thi đấu trên sân nhà với sự cổ vũ cuồng nhiệt nhất”, ông Michael Weiss nói sau trận thi đấu hôm 7/5.
Theo sát từng trận đấu của đội tuyển quốc gia, Noly Xaythideth, 26 tuổi, ở Viêng Chăn, Lào bày tỏ sự cảm kích khi biết người hâm mộ Việt Nam cổ vũ nhiệt tình với tất cả các đoàn thể thao. “Nhất là các trận có đội tuyển Lào thi đấu, người Việt đến rất đông. Họ mang theo cờ, kèn trống đến cổ vũ, còn khán đài luôn chật kín người. Đó là động lực rất lớn với các vận động viên thi đấu trên sân khách và khiến tôi thấy ấm lòng”, Noly Xaythideth bày tỏ.
Không chỉ bóng đá mà các môn thường thưa thớt người xem như bóng rổ, điền kinh, bơi lội, đấu kiếm… cũng ghi nhận lượng khán giả đông kỷ lục tại các nhà thi đấu. Ông Nguyễn Trọng Hổ, Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia cho biết, trung bình mỗi buổi đấu điền kinh tại SEA Games 31, thu hút hơn 10.000 khán giả, gấp khoảng 20 lần các giải đấu khác.
Một số khu thi đấu riêng như bơi lội, bắn cung có lúc phải đóng cửa, ngừng nhận khán giả vì quá tải. “Chúng tôi rất bất ngờ khi người hâm mộ đến xem đông, đặc biệt là vòng tranh huy chương”, ông Hổ nói.
“Ấn tượng nhất ở SEA Games năm nay chính là sự ủng hộ của người dân”, ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, nói. “Chúng tôi đã chỉ đạo các địa điểm tổ chức phải tạo điều kiện cho người dân vào xem. Nếu hết chỗ thì ngồi bậc thềm. Các địa phương cũng không bán vé. Ban tổ chức vô cùng bất ngờ vì người dân đến sân rất nhiều. Thể thao đã đi vào cuộc sống và sinh hoạt của tất cả người dân Việt Nam”.
“Đó là lòng tự hào, lòng tự tôn dân tộc”, tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, nhà nghiên cứu văn hóa nhận định. Theo bà, việc người dân xếp hàng, ngồi chật kín trên các khán đài ở các môn thi đấu của SEA Games 31 để cổ vũ vừa thể hiện tình yêu thể thao vừa cho thấy mong muốn giải tỏa tâm lý sau khoảng thời gian dài giãn cách vì dịch bệnh.
Theo dõi sát từng trận đấu, bà Hồng nhận thấy khán giả Việt đi cổ vũ ngày càng văn minh, thể hiện tinh thần fair play, không chỉ với đội nhà mà còn cả đội bạn. “Họ mang đến khán đài một không khí sôi động, nhiệt thành thay vì đặt nặng thắng thua”, nhà nghiên cứu nói.
Từ hôm bắt đầu khai mạc SEA Games 31, Bình Minh, 30 tuổi, quận Hoàng Mai đều đi cổ vũ cho các đội thi đấu. “Tôi không thể đi tất cả các trận do lịch thi đấu trùng nhau và phân bổ tại nhiều tỉnh. Nhưng mỗi ngày đều cố gắng đến một nhà thi đấu, sân vận động ở Hà Nội. Cuối tuần sẽ chọn một trong các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh đi cổ vũ”, Minh cho biết.
Để tránh ảnh hưởng đến công việc, anh xin làm trực tuyến, giải quyết công việc vào buổi đêm hoặc sáng sớm. Hai tuần qua, Bình Minh bất ngờ khi các khán đài chưa bao giờ hạ nhiệt. Các môn thi kiêu vũ thể thao, dancesport, đấu kiếm, bơi lội, bóng bàn luôn kín người, ngay cả giữa tuần.
“Đó là niềm động lực rất lớn để chúng tôi có thêm động lực, ý chí và quyết tâm đạt thành tích tốt nhất, đem vinh quanh về cho nước nhà”, vận động viên nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo, người giành huy chương bạc tại SEA Games 31 nói.
Nữ vận động viên cho biết ở SEA Games 31, trên khán đài các môn thi đấu ít hoặc không có tính đối kháng, trung bình khoảng 10.000 người xem – điều trước giờ cô và các đồng đội chưa từng gặp khi thi đấu ở nước ngoài.
“Ngoài cổ vũ đội nhà, người Việt rất nhiệt thành với đội khách. Nhiều vận động viên nước bạn bày tỏ sự xúc động khi có cảm giác được thi đấu trên sân nhà”, Thu Thảo nói.
Trường hợp của vận động viên điền kinh Felisberto de Deus, 23 tuổi, người đem về hai huy chương bạc nội dung chạy 5.000 m và 10.000 m, cho Timor Leste là một minh chứng điển hình.
“Tôi ngỡ mình đang thi đấu trên sân nhà. Người Việt Nam cổ vũ tôi từng vòng chạy. Họ liên tục vỗ tay, hô lớn tên Timor Leste. Đó có lẽ là động lực để tôi hoàn thành tốt cuộc thi”, Felisberto nói.
Còn huấn luyện viên điền kinh của Timor Leste liên tục cúi đầu, nói cảm ơn khi nhắc đến người Việt. “Chúng tôi bất ngờ khi thấy mình không đơn độc ăn mừng chiến thắng bởi phía sau còn hàng nghìn người đang vỗ tay chúc mừng. Chưa có một quốc gia nào chúng tôi đến thi đấu lại được người dân cổ vũ và đối xử tốt như Việt Nam”, huấn luyện viên của Felisberto, bày tỏ.
Noly Xaythideth thừa nhận sự hâm mộ và tinh thần thể thao của người Lào không bằng Việt Nam bởi dân số ít và lượng người quan tâm không nhiều. Đặc biệt, hình ảnh các khán đài phủ kín màu đỏ tổ quốc hay đi bão xuyên đêm chưa từng xảy ra ở Lào. “Không khí và sự cuồng nhiệt tại Việt Nam là điều hiếm một quốc gia nào trong cộng đồng ASEAN có được”, chàng trai 26 tuổi nói.
Lý giải thêm về nguyên do khiến người hâm mộ Việt ngày càng quan tâm đến thể thao, chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng đó là tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc hòa với tinh thần thể thao, dựa trên nguyên tắc minh bạch, bình đẳng, tử tế và vô tư.
“Bên cạnh đó, sự phát triển của truyền thông, phong trào thể thao quần chúng được đẩy mạnh; chủ đích phân chia các môn thi đấu sang nhiều tỉnh, thành phố của ban tổ chức SEA Games, tạo điều kiện cho người yêu thích được tiếp cận; cộng với tâm lý muốn ra ngoài sau hai năm dịch bệnh là lý do khiến các khán đài luôn chật kín người”, ông Vỹ nói.
Nói về sự phát triển của thể thao nước nhà, ông Hùng Vỹ nhận định Việt Nam mất gần 40 năm, từ một nước xuất phát điểm thể lực kém đến khẳng định vị thế hàng đầu ở đấu trường thi đấu chuyên nghiệp.
SEA Games 22 đã đánh dấu bước ngoặt của thể thao Việt Nam. Kết thúc đại hội, đoàn Việt Nam có 752 vận động viên, dẫn đầu bảng tổng sắp với 158 huy chương vàng, gần gấp đôi đoàn thứ hai là Thái Lan. Ngoài ra đoàn có 97 huy chương bạc, 91 huy chương đồng. Đến SEA Games 31, toàn đoàn ghi nhận 446 huy chương, trong đó 205 huy chương vàng.
“Đó là quá trình dài của sự cố gắng, kiên trì, chúng ta có quyền tự hào. Tôi tin chắc tại các kỳ đại hội kế tiếp, sự cổ vũ của người Việt là động lực để các vận động viên đạt thành tích tốt hơn. Đặc biệt phong trào cổ động văn minh trên các khán đài sẽ ngày càng nhân rộng”, nhà nghiên cứu bày tỏ.
Còn ông Quang Tuấn đã lên kế hoạch chuẩn bị cùng đoàn thể thao Việt Nam sang Campuchia dự Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2023. “Không còn lợi thế sân nhà, nhưng tôi mong được sát cánh để đoàn Việt Nam, để các vận động viên tinh thần thi đấu tốt nhất. Tôi còn muốn lan tỏa tinh thần yêu thể thao, sự cuồng nhiệt trên các khán đài Việt đến bạn bè các nước trong khu vực và trên thế giới”, người đàn ông 73 tuổi cười nói.
Quỳnh Nguyễn