Dùng tay đo thân nhiệt, chườm khăn lạnh cho trẻ hạ sốt nhanh, lạm dụng thuốc là những sai lầm phụ huynh thường gặp khi hạ sốt cho trẻ.
Sốt là sự gia tăng nhiệt độ cơ thể, khi hệ miễn dịch phản ứng với một tác nhân gây bệnh. Sốt có lợi vì ức chế sự phát triển và sinh sản của một số vi khuẩn và virus. Khi trẻ sốt, nhiều phụ huynh chưa hiểu được bản chất nên thường chăm sóc sai cách, vô tình dẫn đến các biến chứng không mong muốn. Theo tờ Checkup Newsroom (Mỹ) có 5 sai lầm mà phụ huynh thường gặp khi chăm sóc trẻ sốt, bao gồm:
Mặc định sốt là bệnh có hại
Phụ huynh thường nghĩ sốt là bệnh và có hại nên chỉ tập trung hạ sốt cho con mà quên mất nhiệm vụ tìm ra nguyên nhân. Do vậy, cha mẹ nên lưu ý tìm nguyên nhân dẫn đến cơn sốt để giải quyết tận gốc vấn đề.
Không đo nhiệt độ, đo sai nhiệt độ
Khi trẻ sốt, nhiều phụ huynh chỉ sờ thấy con nóng chứ không đo chính xác nhiệt độ. Cũng có nhiều trường hợp trẻ sốt quấy khóc nên cha mẹ khó đo nhiệt độ chính xác, dẫn đến kết quả bị chênh lệch. Trong khi nhiệt độ rất quan trọng để chẩn đoán và tiên lượng bệnh, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng. Theo các bác sĩ, nhiệt độ cụ thể giúp phân biệt được các cơn sốt và dựa vào đó bác sĩ đưa ra chỉ định xét nghiệm tìm nguyên nhân gây sốt nếu cần. Với trẻ lớn trên 3 tuổi, nếu trẻ sốt nhẹ (từ 37,5-38 độ C) thì chưa cần thiết phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Trong trường hợp sốt nhẹ nhưng dai dẳng nhiều ngày liền, cha mẹ mới cần cho con đi khám.
Dùng tay đo thân nhiệt
Nhiệt độ cơ thể đo bằng tay sẽ không thể chính xác bằng các dụng cụ chuyên dụng như nhiệt kế thủy ngân hay nhiệt kế điện tử. Nhiều trường hợp trẻ sốt nhưng tay chân lạnh, nếu sờ vào tay chân để chẩn đoán có thể dẫn đến sai sót.
Để kiểm tra nhiệt độ chính xác cho trẻ, cha mẹ nên dùng nhiệt kế. Ngoài đo ở nách, cha mẹ còn có thể đo nhiệt độ ở miệng, hậu môn, trán hoặc tai.
Nếu trẻ có nhiệt độ hậu môn là 36,5 – 37,5 độ C nghĩa là trẻ bình thường. Nếu nhiệt độ hậu môn, tai trên 38 độ C, nhiệt độ nách, miệng trên 37,5 độ C tức là trẻ đã sốt.
Sử dụng thuốc sai chỉ định
Nhiều cha mẹ dùng thuốc khi trẻ sốt nhẹ để con nhanh chóng về nhiệt độ thường. Thế nhưng lạm dụng thuốc hạ sốt có thể gây ra nhiều vấn đề về gan. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh dùng thuốc không theo khuyến cáo của bác sĩ, cứ nghĩ cho trẻ uống nhiều thuốc thì trẻ hạ sốt nhanh. Đây là quan niệm sai lầm. Uống quá liều có thể khiến trẻ ngộ độc và dẫn đến các vấn đề sức khỏe không mong muốn. Ngoài ra, không nên kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cùng một lúc cho trẻ, thuốc hạ sốt nên dùng cách nhau 6-8 tiếng.
Hạ nhiệt bằng nước đá
Chườm nước đá quá lạnh hoặc đắp khăn lạnh để hạ sốt có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh, thậm chí bỏng lạnh do đá. Đối với trường hợp trẻ sốt cao, ngoài việc cho trẻ uống hạ sốt, cha mẹ nên kết hợp lau người cho trẻ bằng khăn ấm, đặc biệt là chườm ở bẹn và nách.
Anh Chi (Theo Checkup Newsroom, CarePlus VietNam)