TP HCMGần 20 năm nay, quán cháo của vợ chồng ông Lê Công Minh, ở quận 6 vẫn giữ giá 1.000 đồng một tô, giúp nhiều người nghèo, lao động tự do được ăn “bao no”.
Chiều 17/5, bà Hồng Tươi, 50 tuổi, đến quán cháo trong con con hẻm nhỏ trên đường Phan Văn Khoẻ (quận 6) ăn bữa xế. Bà kêu một tô cháo trắng cùng vài con tôm rim ăn kèm. “Bấy nhiêu đây mà chưa đến 10.000 đồng, trong đó tô cháo trắng chỉ có một nghìn thôi”, bà Tươi nói, tay bưng hai chén cháo, đồ ăn kèm.
Chủ quán cháo là hàng xóm nhà bà Tươi, vợ chồng ông Lê Công Minh (68 tuổi) và Nguyễn Thị Kim Phượng (55 tuổi). Trước đây ông Minh làm thợ hồ nhưng công việc vất vả nhưng không đủ chi tiêu. Khi vợ sinh người con gái thứ hai, ông nghỉ việc về nhà cùng vợ xoay qua mở quán cháo kiếm thêm thu nhập.
Ông Minh thừa nhận quán nhỏ, đồ ăn cũng không có gì đặc biệt lắm, hồi mới mở nhiều khi gặp hôm ế ẩm, cả nhà phải ăn cháo thay cơm. “Thấy khu này mọi người đa phần là công nhân, phụ hồ, sinh viên… nên tôi bán giá phải chăng. Dần dà quán có khách ổn định hơn”, người đàn ông 68 tuổi nói.
Trước ông bán mỗi tô cháo trắng là 500 đồng nhưng hơn chục năm nay tờ tiền mệnh giá này ít được sử dụng và vật giá leo thang nên vợ chồng ông Minh mới tăng lên 1.000 đồng. Những món ăn kèm với cháo trắng như kho quẹt, dưa mắm, củ cải, hột vịt muối… có giá dao động 2.000-10.000 đồng.
Quán mang tên “Về đây em” cũng khiến nhiều khách thích thú khi vào ăn. Cái tên do người chồng “đặt đại”, vì khi phát âm nghe nhẹ nhàng, trìu mến. Thấy vợ không có ý kiến gì nên tên quán vẫn tồn tại gần 20 năm nay.
Không gian quán rộng khoảng 15 m2, là khoảng hiên nhà được tận dụng làm nơi buôn bán. Người chủ kê cái bàn to để đặt đồ ăn kèm cháo trắng, gia vị, chanh, ớt… cũng là nơi khách ngồi, tối đa được 5 người cùng ăn.
Phía trong là nơi ông bà nấu cháo, mỗi ngày bán hết 4 nồi nhỏ, tương đương 4 cân gạo trắng. Chủ quán cho biết, cháo phải nấu cả tiếng đồng hồ để được nhuyễn và không pha bột, bởi sẽ bị mất đi hương thơm đặc trưng của gạo. Nồi nấu bằng than lúc nào cũng phải đỏ lửa cho cháo nóng thì ăn mới ngon.
Quán mở từ 15h đến 20h mỗi ngày nhưng thường hết sớm. Ngoài bà con trong xóm ủng hộ, nhiều khách từ các quận khác cũng đến ăn để cho biết cháo 1.000 đồng là như thế nào.
Dù vậy, không phải ai mua bao nhiêu là ông Minh cũng bán. Mấy năm trước, biết cháo giá rẻ, có người đặt đến 500 phần nhưng chủ nhất quyết không bán. Ông sợ nếu bán hết ngay sẽ không còn cháo cho những người, công nhân, xe ôm, bán vé số… ngày hôm ấy.
Bà Phượng, vợ ông Minh, cho biết thêm sở dĩ quán có thể bán với giá rẻ là do không mất tiền thuê mặt bằng, nấu bằng bếp than thay vì dùng gas nên cũng tiết kiệm. “Tất nhiên chúng tôi vẫn có lời nhưng không nhiều đâu, nhưng được cái hôm nào cũng bán hết. Hơn nữa mình bán rẻ xíu, miễn sao khách ăn được no là niềm vui, động lực rồi”, bà nói.
Ông bà tâm sự, hiện tại cuộc sống cũng ổn định, con cái đã trưởng thành. Với hai người, bán cháo giờ không quan trọng lời lỗ mà trên hết là niềm vui tuổi xế chiều, hạnh phúc khi giúp đỡ được một phần cho những lao động nghèo.
“Nhiều ăn rồi họ trả dư nhưng tôi không lấy, miễn là họ thích quán là thấy vui rồi. Bán quen bao năm nay giờ mà nghỉ thì buồn lắm, nên tôi cứ cố gắng đến khi nào không nổi nữa thì thôi”, ông Minh nói.