Hà Nội7h sáng ngày đầu hè, bà Đỗ Thị Tuyến, 57 tuổi, chọn bộ đồ cũ nhất, xỏ ủng, đeo găng tay dày trùm kín người bằng mũ vải, nổi lửa lò rèn 40 năm tuổi.
Lò đốt lên, hơi nóng hừng hực tỏa khắp xưởng rộng hơn 20 m2 của gia đình bà Tuyến, ở Đa Sỹ, Hà Đông. Ba cái quạt bật công suất lớn nhất không giúp hạ nhiệt là bao.
“Người ta chuẩn bị đi làm sẽ chọn những bộ đồ đẹp nhất, còn tôi cứ bộ lem nhem nhất thì mặc. Đông hay hè cũng phải kín cổng cao tường”, bà Tuyến vừa nói vừa cầm búa đập chan chát vào miếng sắt đỏ lửa.
Đa Sỹ là một trong những làng nghề rèn nổi tiếng và lâu đời nhất đồng bằng Bắc Bộ. Người làng bảo, nghề rèn hình thành từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, do hai cụ Nguyễn Thuần, Nguyễn Thuật người gốc Thanh Hóa truyền dạy.
Sinh ra ở làng nghề, từ năm 14 tuổi bà Tuyến đã phải vào lò, phụ giúp cha mẹ rèn dao bán lấy tiền ăn học. Thấy nghề rèn vừa nặng nhọc vừa lấm lem nên hết lớp 9, bà Tuyến nghỉ học, xin đi chia cơm trong bệnh viện, một người bạn rủ bà đi Hòa Bình tìm việc. Có mỗi đứa con gái, bố mẹ nhất quyết không muốn bà xa nhà.
“Nghề tại gia tội gì không giữ lấy mà phải đi xa”, ông bố động viên. Từ đó, cô gái trẻ gắn bó với nghề rèn, học cha cách rèn dao thái, dao bổ cau mang ra chợ bán. Ban đầu, cầm búa chưa chắc tay, bà Tuyến nện loạn xị, chặt miếng sắt không thành hình như ý… Cả ngày cầm búa, nhiều bữa cánh tay bà mỏi rời, không nâng nổi bát cơm. Hai bàn tay phồng rộp, đau nhức đến mất ngủ.
Năm 18 tuổi, cô Tuyến và chàng trai cùng làng tên Đinh Công Tâm, cùng làm nghề rèn, phải lòng nhau. “Ông ấy là bạn anh trai tôi, thường sang nhà giúp đỡ những việc nặng lúc anh tôi đi bộ đội. Thấy tôi con gái mà thuần thục nghề rèn nên yêu lúc nào chẳng hay”, bà Tuyến nhớ lại.
Thỉnh thoảng, chàng trai sang cầm chạm (cái đục) cho cô gái đóng búa chặt sắt. Tình yêu lớn dần. Họ về chung một nhà khi bà Tuyến tròn 19 tuổi.
Ngôi nhà mái tranh, tường trộn bùn rơm chỉ có duy nhất bộ đồ làm nghề rèn đáng giá. Bà Tuyến học chồng làm thêm dao chặt, dao làm thịt lợn. Hai vợ chồng làm bạn với búa, với đe, nuôi hai đứa con trưởng thành, xây ngôi nhà hai tầng nhìn ra sông Nhuệ. “Ăn đời ở kiếp với cái lò rèn thành ra yêu nó. Không được nghe tiếng búa, tiếng đe lại nhớ, lại thèm”, bà nói.
Năm 2006, ông Tâm chuyển nghề khác, để lại vợ một mình làm chủ lò. Con trai theo nghề cha ông một thời gian rồi cũng chuyển sang công việc khác. “Ở Đa Sỹ ở hơn 1.000 hộ làm nghề rèn, trong đó có 13 người được phong nghệ nhân. Bà Tuyến là nghệ nhân nữ duy nhất còn theo nghề”, ông Hoàng Văn Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ, Chi hội trưởng chi hội nghệ nhân TP Hà Nội, nói.
Mỗi lò rèn ở đây đều có một nam, một nữ. Người chồng làm chính, người vợ phụ tạo dáng dao. Duy nhất lò rèn của bà Tuyến cả thợ chính và phụ đều là nữ. Những đòi hỏi kỹ thuật như chặt sắt, mài lưỡi dao vốn chỉ đàn ông làm, bà đều thành thạo.
Chị Đặng Thị Khanh, 40 tuổi, thợ phụ tại lò nhà bà Tuyến, có 20 năm gắn bó với với nghề truyền thống ở quê chồng. “Tôi chỉ làm thôi, chứ không hiểu về dao như chị. Nhìn thoáng qua, chị Tuyến có thể nhận diện được con dao này kích thước thế nào, dày bao nhiêu ly, mắc lỗi gì”, chị Khanh nói.
Mỗi ngày, từ sáng sớm đến tối muộn, bà Tuyến hoàn thiện khoảng 20 con dao. Hơn 20 loại dao, kéo từ lò rèn con con của bà Tuyến đã đi vào nhà bếp của hàng trăm gia đình ở khắp thế giới. Nhiều vị khách nước ngoài mê trải nghiệm còn tìm tới lò rèn của bà để được hướng dẫn làm dao mang về.
Người làm nghề rèn vất vả nhất vào những ngày hè nóng nực. “Chúng tôi chỉ uống nước cả ngày”, người phụ nữ thâm niên 40 năm, nói. Hai tai bà lúc nào cũng nhét kín bông để ngăn tiếng chát chúa từ máy móc, tiếng búa nện suốt ngày. Dẫu khẩu trang, mũ bọc kín người, nhưng cứ tháo ra, mũi và bàn tay vẫn lấm lem như nhúng bùn. “Mùa đông có xuống 8 độ thì vẫn phải bật quạt để át bụi than phả vào người”, bà Tuyến chìa bàn tay đen sạm ra, kể.
Mái tóc dày, đen dài của bà chẳng mấy dịp được thả. Tiếng ở gần phố, nhưng bà không trang điểm vì công việc lúc nào cũng phải trùm kín. “Hở ra là lửa bắn vào người, mất toi cái quần, thủng cái áo”, bà kể.
Những năm trước, khi chưa có mũ trùm kín, khắp vùng cổ của bà Tuyến chằng chịt vết sẹo do bỏng lửa. Tay dù đeo găng vẫn lốm đốm trắng, dấu vết của những lần lửa bắn vào da thịt.
Năm 2020, trong lúc rèn sắt, nữ nghệ nhân bị tai nạn ở chân, phải nằm viện suốt hai tháng. “Ngồi không, mẹ tôi bồn chồn không yên. Khỏe lại là bà lao ra xưởng làm việc luôn”, chị Vũ Thị Tâm, con dâu bà Tuyến kể.
Sắp đến tuổi về hưu, nhưng bà Tuyến vẫn không có ý định nghỉ làm. Bà tìm thấy sự tự chủ và cả thu nhập trong công việc vốn nặng nhọc này.
“Nghề nào cũng có cái khó, cái dễ. Thay vì nhìn vào những nhọc nhằn, hãy nghĩ đến niềm vui công việc mang lại để lại bắt đầu ngày mới với nó”, bà chiêm nghiệm.
Phạm Nga