Lạng SơnKhi cùng chồng bế đứa con tím tái trên tay, bắt xe khách xuống Hà Nội, Chu Thị Xuân cắn chặt môi dặn mình đừng khóc.
Tới bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ thông báo bé Lý Ngọc Hà, hơn một tuổi bị u nguyên bào thần kinh. Đây là một dạng ung thư phổ biến nhất trong năm năm đầu tiên của cuộc đời. Tuổi trung bình mắc bệnh là 19 tháng với 89% bệnh nhân dưới 5 tuổi và 98% bệnh nhân dưới 10 tuổi.
“Tôi chẳng biết bệnh gì đâu, nhưng bác sĩ bảo nặng lắm, phải cấp cứu ngay”, Xuân nhớ lại hôm đưa con vào viện, hè năm 2021.
Phút đó, chị suýt đánh rơi gói xôi người nhà dúi cho từ sáng, “khóc như nước đổ trên rừng mùa mưa”. Chị tự trách mình không nhanh chân mang con xuống Hà Nội sớm, để bé giữa lằn sinh tử.
Trước đó 10 ngày, bé Ngọc Hà xuất hiện các triệu chứng bụng chướng, sốt, không chịu ăn, đi ngoài liên tục. Chị Xuân đưa con đến bệnh viện tỉnh điều trị năm ngày rồi ra viện. Về nhà, bé Hà vẫn thở hổn hển, da vàng, sốt cao. Lúc này, vợ chồng chị mới vội vã đưa con đi Hà Nội. Ở nhà, chị gửi hai con lớn và Ngọc Khánh, chị em sinh đôi với Ngọc Hà cho ông bà nội lo liệu.
Đường xuống Hà Nội, Xuân đã quen. Từ lúc mang thai Ngọc Hà, Ngọc Khánh, người mẹ một tháng xuống viện một lần. Sinh mổ lần ba, nguy cơ tử vong cao lại dọa đẻ non, chị phải xuống bệnh viện phụ sản Hà Nội khám thai định kỳ. Sinh con ra, hai buồng trứng một bánh rau, một thai đa ối, một thai thiếu ối. Các bé đều bị suy hô hấp, phải thở oxy, chiếu đèn. Ngọc Khánh ra viện sau 7 ngày, Ngọc Hà 18 ngày thì được về nhà.
Chị Xuân không ngờ, đó chỉ là khởi đầu cho những gian nan.
Sau đợt đầu truyền hóa chất ở bệnh viện Nhi, Ngọc Hà tỉnh táo hơn. Nhưng chị Xuân vẫn mơ màng với đường đi lại trong bệnh viện, các thủ tục phải lo. Vì Covid-19, anh Bảo, 31 tuổi, chồng chị đến viện nhưng chỉ được ở ngoài.
Một mình, Xuân bế con đến các khoa phòng làm xét nghiệm, lấy kết quả. Có lần, hai mẹ con đi vòng khắp viện gần một giờ đồng hồ vì chẳng rành đường. “Người ta chỉ đi lối này, tôi lại sang lối kia. Có khi đi đúng, nhưng vì dịch, nhiều lối cấm nên phải đi vòng”, chị kể.
Covid bùng phát mạnh ở Hà Nội, bệnh nhi chuyển vào khu lưu trú của bệnh viện đông hơn. Một phòng có 14 giường, chật chội, chen chúc. Đêm đêm, những đứa trẻ bị bệnh tật giày vò quấy khóc, những người mẹ như Xuân mắt thâm quầng vì mất ngủ triền miên và mệt mỏi. Đến viện chị mới thấy ngôi nhà mái tôn nằm khuất sau rừng của mình là thiên đường. Dịch tạm lắng, chị ra xóm trọ thuê 80-100 nghìn đồng một ngày để thoải mái hơn.
Đau nhất với Xuân là chứng kiến những lần con lấy ven hỏng, chọc tủy. Tay đứa bé non nớt, lấy ven bên phải nhiều lần không được, nhân viên y tế phải chuyển sang tay trái, rồi lên chân, lên đầu. “Thấy con khóc ré lên vì đau, tôi tan nát hết lòng. Ước gì tôi có thể chịu mọi đau đớn, bệnh tật thay con mình”, chị nói, nước mắt ứa ra.
Ngọc Hà bị ung thư, bác sĩ khuyên vợ chồng chị nên đón Ngọc Khánh xuống kiểm tra tổng quát, đề phòng sinh đôi cùng bệnh lý. Khi Ngọc Hà qua giai đoạn nguy kịch, chị bàn với chồng về bế bé em xuống viện khám. Hai đứa trẻ thấy nhau cười khúc khích, bám không rời. Nhưng được hai hôm, anh Bảo phải bế Khánh về bệnh viện E khám, Hà với mẹ Xuân ở lại bệnh viện Nhi.
Ở viện E, bác sĩ kết luận Ngọc Khánh bị hở ống động mạch, phải làm thủ thuật. Một tháng liền, hai vợ chồng chị Xuân và cặp song sinh ở chung thành phố mà không được gặp nhau.
“Người ở bên này lo cho người bên kia. Con nào cũng thương, nhưng đành chia nhau ra chăm sóc”, chị nói. Những ngày ở viện, khoản tiền 5 triệu đồng dắt túi không đủ, anh Bảo phải về quê vay mượn thêm. Sau 6 đợt truyền hóa chất của Ngọc Hà và ca phẫu thuật của Ngọc Khánh, vợ chồng chị Xuân nợ 30 triệu đồng.
“Trước đây dù đông con, công việc vất vả, chúng tôi vẫn tin có thể nuôi con tử tế. Giờ hai đứa trẻ bị bệnh, tài sản trong nhà cứ thế đội nón ra đi”, chị Xuân thở dài. Cả nhà sống nhờ ruộng lúa và nghề thu hoạch nhựa thông nên món nợ 30 triệu đồng đủ khiến họ lo mất ăn mất ngủ.
Ông Lý Văn Hóa, trưởng thôn Pò Phấy cho biết, gia đình chị Xuân là một trong 25 hộ nghèo của thôn có 66 hộ. “Biết chị ấy khó khăn, địa phương cũng chỉ có thể động viên về mặt tinh thần. Khi nào có đợt các cấp ở trên tặng quà thì ưu tiên gia đình chị”, ông Hóa nói.
Cuối tháng 4, đang lên rừng cạo mủ cao su, nghe nhà có khách, chị Xuân tất tả chạy về. Nhìn thấy mẹ, Ngọc Khánh lao vào ôm, Ngọc Hà la toáng lên khóc, đẩy em ra rồi trèo vào lòng mẹ. Chị Xuân vươn tay ra, ôm cả hai đứa trẻ vào lòng hít hà, cười tươi.
Hiện tại, sức khỏe của Ngọc Hà đã ổn định, không cần phải xuống Hà Nội chữa trị. Cứ ba tháng, chị Xuân lại bế con lên viện tỉnh khám một lần. “Bác sĩ bảo chẳng có gì đảm bảo khối u có trở lại hay không. Nhưng còn thở là tôi còn hy vọng”, chị nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Phạm Nga