Nhiều người trẻ muốn tổ chức đám cưới theo nghi lễ truyền thống, nhưng rất khó để triệt tiêu những trò đùa phản cảm tồn tại lâu đời.
Một cô dâu trẻ bẽn lẽn ngồi trên giường, xung quanh là những khách dự đám cưới còn chú rể quỳ xuống và chuẩn bị hôn chân vợ theo yêu cầu.
Đây chỉ là một trong những thử thách được yêu cầu trong đám cưới, bởi theo phong tục truyền thống ở nước này, trước khi đón vợ đến địa điểm tổ chức tiệc cưới, chú rể phải vượt qua thử thách được nhà gái đưa ra.
Các nghi thức này đều bắt nguồn từ lịch sử Trung Quốc, giúp phân biệt rõ đám cưới truyền thông khác với các đám cưới hiện đại phương Tây. Đặc biệt, tục lệ này được cho là có thể xua đuổi tà ma, đem đến những điều tốt đẹp, hạnh phúc cho cặp đôi.
Nhưng các nghi thức này này đang mất dần kiểm soát trong những năm gần đây, biến tướng thành những trò đùa bạo lực, phản cảm hay thô tục. Nhiều cô dâu, chú rể trở thành nạn nhân của những trò đùa thực dụng, ám chỉ tình dục và sỉ nhục như trói vào cây, buộc vào cột điện, đổ bia, nước sốt lên người hay ném trứng.
Tháng 11/2018, người đàn ông 24 tuổi ở tỉnh Quý Châu đã qua đời ngay trong ngày cưới khi cố gắng thoát khỏi những khách mời có ý định lột đồ lót và bị ô tô đâm trúng. Cùng năm đó, chú rể họ Xia (cùng tỉnh) bị tàn tật sau cú ngã từ trên cao khi chân và tay bị trói chặt. Đến năm 2021, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh chú rể bị trói vào gốc cây và để khách mời tra tấn bằng roi. Nghe tiếng la hét, khách tham dự càng phấn khích và mạnh tay hơn, vì coi đây là một điều may mắn cho cặp vợ chồng mới cưới.
Trước các vụ bạo lực gia tăng, tháng 5/2019, chính quyền tỉnh Sơn Đông đã ban hành lệnh cấm các nghi lễ thô tục, mất kiểm soát và nhấn mạnh: “Các nghi lễ cổ xưa đã mất đi ý nghĩa. Bất cứ ai tham gia vào hành vi thô tục, gây rối trật tự xã hội đều bị xử phạt”.
“Điều cần thiết là phải loại bỏ hành vi này, một số người chỉ đơn giản là quấy rối người khác dưới danh nghĩa đùa giỡn trong đám cưới”, một người chia sẻ trên mạng xã hội.
Cùng với sự phổ biến của Hanfu (hán phục – trang phục truyền thống của Trung Quốc), người trẻ nước này có xu hướng tìm về các nghi thức cưới truyền thống thay cho các đám cưới kiểu phương Tây. Nhưng họ buộc phải tìm cách cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, khi các tập tục dân gian thường thô tục, nhạy cảm và không phù hợp.
Đầu năm nay, một cặp đôi ở nước này phải bàn bạc rất lâu trước khi quyết định tổ chức đám cưới truyền thống. Điều quan trọng là họ thực sự quan tâm đến văn hóa dân tộc, khi được truyền cảm hứng từ cuốn sách kinh điển “Book of Rites” (Kinh lễ, một cuốn sách trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử). “Đám cưới là để kết hợp những điều tốt đẹp của hai họ. Nhìn về quá khứ, họ thờ phụng tổ tiên. Nhìn về tương lai, họ duy trì nòi giống cho dòng tộc”, sách viết.
Trước hôn lễ, gia đình chú rể kiên quyết cho rằng phong tục địa phương cần được đưa vào hôn lễ. Trong đó, bố chú rể sẽ trang điểm đậm, kéo xe rước dâu đi vòng quanh, còn chủ hôn sẽ thêm những trò đùa thô tục. Chú rể mất nhiều thời gian để thương thuyết với gia đình, họ hàng và hàng xóm, hy vọng có thể cắt bỏ toàn bộ phong tục này.
Nhưng sau lần uống rượu, một người họ hàng dứt khoát: “Tùy, nhưng bố mẹ anh sẽ rất xấu hổ nếu không có tập tục trong đám cưới”. Điều này khiến chủ rể nhượng bộ. Cuối cùng, bố anh ta vẫn trang điểm và làm lễ, nhưng các trò đùa thô tục được giảm bớt.
Chủ nghĩa cá nhân trong thế hệ trẻ đang tăng, nhưng khi nói đến đám cưới, quyền tự chủ của họ không còn tuyệt đối. Họ phải chịu sự ảnh hưởng từ gia đình hoặc các mối quan hệ địa phương.
Sau lễ rước dâu, hai người sẽ cùng vào thăm phòng tân hôn. Ở đó có đặt chiếc giường được một người phụ nữ lớn tuổi lựa chọn kỹ lưỡng. Người này phải là một phụ nữ có gia đình thịnh vượng, hạnh phúc và sinh được cả con trai lẫn con gái. Các loại hạt và trái cây khô được bày trên giường như chà là, nhãn và hạt sen, tất cả đều là biểu tượng truyền thống của sự sinh sôi.
Khi trở lại sảnh chính, cô dâu mặc áo cưới truyền thống, che mặt bằng khăn màu đỏ và được chú rể dùng gậy nâng lên. Sau đó, họ uống rượu từ một cặp bình được làm từ cùng một quả bầu – biểu tượng của sự gắn bó. Cuối cùng họ lễ bái đất trời, cha mẹ và giao bái với nhau.
Mặc dù nghi lễ của một đám cưới có thể biểu thị địa vị xã hội đã thay đổi của một người, nhưng suy cho cùng, chúng không phải là về biểu tượng, tiền bạc, hoặc ai đang có mặt. Chúng là phương tiện của cảm xúc, tình cảm và được chia sẻ bởi những người yêu thuơng.
“Tôi rất xúc động khi thấy chú rể bảo vệ cô dâu khỏi những phong tục địa phương đáng lo ngại. Anh ấy cẩn thận lau mồ hôi, dìu cô dâu vượt qua thử thách. Tất cả vì tình yêu họ dành cho nhau, cho lễ cưới và cam kết gắn bó lâu dài thay vì nhưng hủ tục lạc hậu. Chúng tôi có mặt để chứng kiến những chi tiết này”, một cô gái trẻ tham dự một đám cưới kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nói.
Minh Phương (Theo Sixth Tone, SCMP, Dailymail)