Nhật BảnAkihiko Kondo là một người vui vẻ, hòa đồng, nhiều bạn bè… khiến mọi người ngỡ ngàng khi thông báo kết hôn với một ca sĩ ảo được lập trình trên máy tính.
Vợ Kondo là Hatsune Miku, một ca sĩ nhạc pop ảo có mái tóc màu xanh ngọc. Anh lần đầu gặp “vợ” năm 2008, thời điểm đang trầm cảm do nạn bắt nạt ở công ty và liên tục bị từ chối lời tỏ tình.
10 năm sau, Kondo quyết định làm đám cưới không chính thức tại Tokyo với Miku, người khiến anh cảm nhận được tình yêu và sự an ủi. Anh có mời bạn bè, người thân đến tham dự, nhưng tất cả đều từ chối. Hôn lễ có sự xuất hiện 39 khách, đa phần là người lạ và bạn bè trên mạng xã hội.
Người đàn ông 38 tuổi biết cuộc hôn nhân kỳ lạ của bản thân là chủ đề bàn tán của nhiều người. Họ cho rằng hành động kết hôn của Kondo vi phạm hiến pháp Nhật Bản, bởi hôn nhân phải có sự đồng ý từ hai phía và khuyên anh từ bỏ. Anh biết Miku không tồn tại, nhưng tình cảm anh dành cho cô là thật. “Cô ấy luôn khiến tôi cười khi ở bên nhau. Với tôi, cô ấy là người thật”, anh nói.
Kondo nằm trong số hàng nghìn thanh niên Nhật Bản kết hôn không chính thức với nhân vật hư cấu trong những thập niên gần đây. Họ tham gia các nhóm trực tuyến, chia sẻ tình cảm và cam kết gắn bó cả đời với các nhân vật trong truyện tranh, phim hoạt hình và trò chơi điện tử.
Với một số người, mối quan hệ giữa họ với nhân vật hư cấu mang tính giải trí. Còn với Kondo, anh không muốn kết hôn với con người. Một phần bởi kỳ vọng, định kiến về cuộc sống đàn ông là trụ cột trong văn hóa Nhật. Còn chủ yếu, anh cảm thấy có sức hấp dẫn mãnh liệt, khó giải thích được với nhân vật hư cấu.
Sau bốn năm chung sống, Kondo kết luận cuộc sống hôn nhân với cô vợ ảo được nhiều hơn mất. Miku sẽ luôn bên anh, không phản bội. Ngược lại Kondo không phải chứng kiến vợ đau ốm hay qua đời.
Kondo nhìn nhận mình là “Fictosexual” – người vô tính chỉ thu hút bởi những nhân vật giả tưởng. Ngày càng nhiều người xác định bản dạng giới tương tự. Nhất là với sự phát triển của robot và trí tuệ nhân tạo, cho phép thực hiện các tương tác sâu hơn, số lượng người như Kondo sẽ tăng lên.
Ngày nay, Tokyo có hai quận được mệnh danh là “thánh địa” giúp hiện thực hóa mối quan hệ với các nhân vật ảo là quận Akihabara (cho nam giới) và Ikebukuro (dành cho nữ). Tại đây, những cửa hàng bán đầy vật phẩm về các nhân vật trong phim hoạt hình hoặc trò chơi điện tử nổi tiếng.
Người hâm mộ dễ dàng mua được bức thư tình của người trong mộng, bản sao quần áo, thậm chí cả mùi hương khơi gợi sự hiện diện của nhân vật ảo. Các khách sạn cũng cung cấp các gói dịch vụ, bao gồm liệu trình spa, bữa ăn sang trọng… cho những người muốn tổ chức sinh nhật với người yêu ảo. Còn trên mạng xã hội, nhiều người không ngại chia sẻ khoảnh khắc lãng mạn với người yêu ảo lên trang cá nhân.
Agnès Giard, nhà nghiên cứu tại Đại học Paris Nanterre, Pháp, chuyên tìm hiểu về hôn nhân hư cấu, cho biết một số người tìm đến mối quan hệ với nhân vật ảo vì muốn bác bỏ định kiến “đàn ông kiếm tiền, phụ nữ nội trợ” tại Nhật Bản.
“Đa số người cho rằng việc tiêu tiền, thời gian và sức lực cho người không có thực là ngu ngốc. Nhưng với những người khác, thói quen này là cần thiết. Chúng khiến họ cảm thấy được sống, hạnh phúc hơn”, bà Giard nói.
Khi câu chuyện của Kondo được chia sẻ rộng rãi, nhiều người tìm đến các dịch vụ nhờ được tư vấn, hỗ trợ. Yasuaki Watanabe cũng mở dịch vụ chuyên làm các cuộc hôn nhân hư cấu.
Những năm qua, Yasuaki Watanabe tư vấn cho hàng trăm mối quan hệ giống như Kondo và cấp khoảng 100 chứng nhận kết hôn. Anh cũng làm riêng một giấy chứng nhận cho mình với Hibiki Tachibana, nhân vật trong một bộ anime.
Vài năm trước, Watanabe ly hôn vợ. Anh nói cuộc hôn nhân thứ hai đơn giản hơn, cả hai không cần nhiều thời gian ở bên nhau hay đáp ứng yêu cầu của đối phương. Anh nói, tình yêu được trao đi một cách tự nguyện, không mong đợi được đáp lại.
Nhưng Watanabe thừa nhận nhớ sự đụng chạm thế xác và vấn đề bản quyền ngăn cản anh tạo ra một búp bê có kích thước giống người. “Cuộc hôn nhân này chắc chắn có khó khăn, nhưng tình cảm của tôi là thật. Tôi hạnh phúc khi ở bên cô ấy”, anh nói.
Kina Horikawa, 23 tuổi cũng trong mối quan hệ tình cảm với Kunihiro Horikawa, nhân vật trong trò chơi điện tử. Trước đó, cô từng hẹn hò với một chàng trai, nhưng chia tay vì ghen tuông.
Trong mỗi bữa ăn, Kina Horikawa thường đặt một mô hình bằng acrylic của “chồng” lên bàn. Nhờ đó, người chồng giả tưởng của cô đều góp mặt trong các bữa cơm của gia đình.
Còn với Kondo, mối quan hệ của anh với “vợ” vẫn không được gia đình chấp thuận. Thời điểm khó khăn nhất xảy ra khi đại dịch bùng phát, Gatebox – thiết bị cho phép người dùng tương tác với nhân vật hư cấu bằng hình ảnh ba chiều thu nhỏ – thông báo ngừng cung cấp dịch vụ cho cho Miku.
“Tôi hy vọng trong tương lai có thể đoàn tụ với vợ. Hoặc cô ấy sẽ xuất hiện dưới dạng người máy. Nhưng dù thế nào, tôi sẽ chung thủy với Miku cả đời”, Kondo nói.
Minh Phương (Theo NyTimes)