Trung QuốcTư tưởng chồng phải tập trung vào sự nghiệp, vợ ở nhà chăm con cái đang dần thay đổi trong các gia đình trẻ.
He Jun, 40 tuổi, ở Bắc Kinh nghỉ việc để dành toàn thời gian chăm con khi vợ đi làm. Mỗi sáng anh dậy chuẩn bị đồ ăn và đưa con trai đi học mẫu giáo rồi quay về làm việc nhà và viết blog.
Cuộc sống mà He Jun chọn gần như chưa từng được biết đến ở Trung Quốc, nhất là xã hội truyền thống mang nặng tư tưởng gia trưởng. Nhưng quan niệm này đang dần thay đổi.
Dù còn sự chênh lệch mức lương giữa nam và nữ, nhưng ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc đạt được thành tựu trong sự nghiệp, có địa vị và được trả lương cao hơn đàn ông. Điều này khiến một số người đặt câu hỏi: Tại sao phải hy sinh sự nghiệp khi trở thành vợ?
Trong khi đó, một bộ phận người trẻ tuổi đang ấp ủ ý định trở thành những ông bố nội trợ. Cuộc khảo sát năm 2019 với các cặp vợ chồng trẻ của tờ China Youth Daily cho thấy, hơn 50% nam giới ủng hộ tư tưởng trở thành một ông bố toàn thời gian thay vợ.
Li Xuan, phó giáo sư tâm lý Đại học New York, cho biết: “Các ông bố trẻ Trung Quốc ngày nay sẵn sàng tham gia vào việc chăm sóc và gắn kết với con cái, hơn các thế hệ trước”.
Chính chủ cũng tích cực khuyến khích xu hướng này, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các bà mẹ. Theo khảo sát năm 2020, phụ nữ Trung Quốc dành hơn 2,5 tiếng mỗi ngày làm việc nhà, nhiều gấp đôi nam giới. Sự bất công này được cho là lý do khiến số phụ nữ không kết hôn tăng kỷ lục. Năm 2020, Trung Quốc ghi nhận 8,1 triệu cặp vợ chồng kết hôn, giảm 40% kể từ năm 2013. Nước này cũng ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất trong bốn thập kỷ.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng thông qua một số biện pháp để khuyến khích nữ giới lập gia đình, bao gồm quy định áp dụng chế độ nghỉ phép chung cho cả vợ, chồng. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, chính sách được đưa ra nhằm gửi thông điệp: việc chăm sóc con cái là trách nhiệm của vợ và chồng, thay vì đè nặng lên phụ nữ.
Tuy nhiên, các chuẩn mực văn hoá kéo dài hàng thế kỷ khiến đàn ông vẫn phải đối mặt với áp lực xã hội, buộc phải trở thành hình mẫu người cha truyền thống, là trụ cột gia đình. Thậm chí, các quảng cáo trên truyền hình cũng nhấn mạnh những người đàn ông mặc vest, lái ô tô mới thành công, còn người làm nội trợ luôn bị coi thường. Việc phá bỏ định kiến với He Junkhông hề dễ dàng.
Anh và vợ gặp nhau năm 2000, khi học đại học. Tốt nghiệp, cả hai đều làm việc ở Bắc Kinh và kết hôn năm 2010. Sinh con được bốn tháng, cặp đôi trở lại văn phòng và bắt đầu thảo luận về cách chăm sóc con khi không nhờ được bố mẹ hai bên.
Trong bối cảnh văn hoá làm việc công sở khốc liệt và các địa chỉ trông giữ trẻ đắt đỏ, He đồng ý nghỉ việc để ở nhà chăm con trai, ưu tiên vợ đi làm bởi cô kiếm được nhiều tiền hơn. “Không có cuộc tranh cãi hay xích mích giữa chúng tôi. Điều này đến rất tự nhiên”, anh khẳng định.
Nhưng gia đình hai bên lại không đồng tình. Bố mẹ He sống tại ngôi làng hẻo lánh ở khu tự trị Nội Mông, từng rất vui khi con trai trúng tuyển vào Học viện Khoa học Trung Quốc danh tiếng. Giờ đây họ rất thất vọng khi biết He từ bỏ sự nghiệp để ở nhà. Bố mẹ vợ cũng không tán thành quyết định của anh.
“Thực tế, bạn chỉ được coi trọng khi kiếm được nhiều tiền”, He nói.
Năm ngoái, câu hỏi “bạn có muốn trở thành một người cha toàn thời gian?”, trở nên thịnh hành trên mạng xã hội Weibo, nhận về hơn 170 triệu lượt quan tâm, nhưng đa phần câu trả lời đều là không. Nhiều người cho rằng quyết định này dễ bị đánh giá và chỉ trích vì phá vỡ truyền thống. Những ông bố nội trợ thường bị chế giễu bất tài, vô dụng, còn người vợ đi làm lại bị định kiến là độc đoán, thiếu quan tâm gia đình.
He nói, chỉ những người giàu mới tránh được sự kỳ thị khi quyết định ở nhà chăm con. Nhưng hầu hết các ông bố nội trợ đều giống He, họ không xuất thân từ những gia đình khá giả, không có bố mẹ hỗ trợ và kiếm ít tiền hơn vợ.
Chen, 38 tuổi cũng đang ở nhà nội trợ, khẳng định xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Sau khi kết hôn với người phụ nữ họ Mao, một nhà văn người Thượng Hải vào năm 2012, cặp đôi đưa ra thoả thuận: Ai kiếm được nhiều tiền hơn sẽ đi làm, người còn lại sẽ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc con.
Chen đã thua cuộc, khi vợ anh kiếm được rất nhiều tiền từ loạt tiểu thuyết lãng mạn ăn khách. Nhưng phải đến năm 2017, khi con trai tròn 5 tuổi, anh mới từ chức để quán xuyến việc gia đình. “Vì vợ thành trụ cột trong gia đình, nên tôi dành thời gian để chăm sóc các con”, anh nói.
Ngay từ đầu, cặp đôi đã coi trọng vai trò mới của Chen. Trong cuốn sách “những ông bố toàn thời gian” của mình, Mao mô tả việc “thuê” Chen và đồng ý trả cho chồng mức lương cố định 20.000 nhân dân tệ (3.2000 USD) mỗi tháng.
Chen chấp nhận cách nói này. Từng là một nhân viên bán hàng, anh phải đi nhiều nơi và đôi khi chỉ được gặp con một lần mỗi tháng. Anh thừa nhận sự thiếu gắn kết giữa cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến các con, nên quyết định thay đổi.
Cũng trong cuốn sách của mình, Mao mô tả thử nghiệm đảo ngược vai trò của hai vợ chồng là một thành công giúp cả gia đình xích lại gần nhau hơn. Chồng cô hoàn toàn đồng tình với điều này.
Đối với các bậc cha mẹ Trung Quốc, việc cân bằng giữa công việc và gia đình vô cùng khó khăn. Những người muốn ở gần con phải chấp nhận từ bỏ hoàn toàn công việc.
Chính phủ đang cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách thúc đẩy chế độ nghỉ phép. Nhưng hầu hết các địa phương hiện chỉ đảm bảo cho người lao động nghỉ từ 5 đến 15 ngày phép.
Vẫn có một số một số nhà tuyển dụng rất hào phóng. Năm ngoái, thương hiệu ô tô Thuỵ Điển Volvo bắt đầu chính sách 120 ngày nghỉ có lương cho các nhân viên Trung Quốc con dưới ba tuổi. Nhiều ông bố đã chớp lấy cơ hội, trong đó có Dai Jian.
“Chúng tôi đã có một cuộc họp nội bộ về chính sách này, nhiều đồng nghiệp nam rất hưởng ứng. Một số người còn suy tính sinh con thứ hai hoặc thứ ba”, Dal, người dành sáu tháng ở nhà với con trai, chia sẻ. Anh mô tả ở nhà trông con và làm nội trợ là trải nghiệm mệt mỏi nhưng may mắn vì được chứng kiến con lớn lên từng ngày.
Nhưng trở thành một ông bố toàn thời gian cũng mang đến những thách thức riêng. Sau năm năm ở nhà, He nói bản thân đang bị mắc kẹt khi không tìm được cách cân bằng giữa sự nghiêm khắc và chiều chuộng, khi con trai càng lớn. Ngoài ra, anh cũng cảm thấy mình nên đóng góp nhiều hơn về tài chính giúp vợ.
Đối với Tang Min, 32 tuổi, sống ở Bắc Kinh, số lượng nam giới ở nhà gia tăng có thể tạo ra một hình mẫu người đàn ông mới cho thế hệ trẻ. Giống như nhiều ông bố khác, Tang ít tham gia vào việc nuôi dạy con trai nhỏ, khi bên cạnh luôn có vợ và bố mẹ hai bên. Nhưng khi chứng kiến con trai tập đi, Tang nhận thấy con quá nhút nhát vì được bao bọc quá kỹ, nên quyết định bỏ việc để chăm con.
Ban đầu, anh trở nên bực bội khi cảm thấy bạn bè đang thăng tiến trong sự nghiệp, còn bản thân chỉ ở nhà rửa cốc, cọ toilet và chăm con. Tang thường xuyên cãi nhau với vợ khi cảm thấy bản thân đã hy sinh quá nhiều cho gia đình.
“Nhưng khi sử dụng từ hy sinh, có nghĩa bạn coi trọng sự nghiệp hơn gia đình”, anh bộc bạch khi nhận ra việc gắn kết và khiến con hạnh phúc quan trọng hơn những gì bản thân đang cố gắng trong công việc.
Minh Phương (Theo SixthTone)