Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Những người thích lưu trữ đồ bỏ đi

Những người thích lưu trữ đồ bỏ đi Thông tin
Rate this post

Nhiều người vẫn tích trữ các món đồ không còn giá trị sử dụng trong nhà như một thói quen khó bỏ.

Trong hầu hết các trường hợp, người tích trữ đồ trong nhà có thể vì lo lắng không đủ đồ dùng, hoặc tâm lý tiết kiệm phòng khi cần. Nhưng số khác lại mắc chứng rối loạn tích trữ, họ cảm thấy đau khổ khi nghĩ đến việc loại bỏ món đồ gắn bó nhiều năm.

Nhà tâm lý học người Ấn Độ Devika Kapoor cho rằng, tích trữ là hiện tượng con người cảm thấy khó khăn trong việc loại bỏ những món đồ vô dụng. “Họ thấy nhiều giá trị trong những đồ vật bỏ đi. Các giá trị này dựa trên niềm tin cứng nhắc về những điều sẽ xảy ra nếu vứt bỏ món đồ. Và đôi khi việc mất người thân, bạn bè cũng thúc đẩy việc giữ đồ để tránh cảm giác mất mát”, Kapoor lý giải.

Những người thích lưu trữ đồ bỏ đi Thông tin

Các sợi dây cáp điện đi kèm với thiết bị điện tử được Akshaya Iyer cất giữ nhiều năm. Ảnh: Akshaya Iyer

Akshaya Iyer, 27 tuổi, có thói quen giữ tất cả dây cáp, dây điện đi kèm với các thiết bị điện tử của gia đình. Giờ đây, cô có hơn 60 dây cáp các loại, hầu hết đều đã hư hỏng.

Iyer tin rằng sự thiếu hiểu biết về việc tận dụng các sợi cáp khiến cô phải cất giữ, ngay cả khi đã hỏng. “Có thể việc tích trữ chỉ vì lo lắng hoặc như một biện pháp an toàn. Tôi luôn suy nghĩ ngày nào đó có thể tái sử dụng chúng”, cô gái trẻ nói. Nhưng “ngày nào đó” không bao giờ đến.

Cô đang nỗ lực loại bỏ một số dây cáp cũ không còn hoạt động nhưng thừa nhận cần thêm thời gian. “Tôi cảm thấy có sự gắn bó về mặt tình cảm với những thứ này”, Iyer thừa nhận

Điều này đặc biệt đúng với Divya Swamy, một giám đốc điều hành tiếp thị thực phẩm 30 tuổi, người đã tích trữ nhãn ghi giá sản phẩm trong hơn 10 năm. “Đầu tiên, tôi chỉ giữ nhãn mác của những chiếc áo phông vì thiết kế đẹp. Nhưng nay tôi sở hữu hàng trăm nhãn ghi giá”, cô nói.

Swamy nhớ lần mẹ vô tình vứt một nhãn ghi giá, cô phải bới tung thùng rác để tìm. Sau lần đó, mẹ cô không lặp lại việc này nhưng Swamy bắt đầu thấy thói quen có phần quá đà.

Một món đồ kỳ lạ khác mà cô tích trữ là vỏ gói trà. Ban đầu cô lưu lại để nhớ tên thương hiệu cho các lần đặt hàng sau. Nhưng giờ Swamy có một hộp kim loại đựng vô số vỏ trà. Cô gái 30 tuổi cho rằng thói quen này có thể ảnh hưởng bởi mẹ, người tích trữ hàng trăm túi nhựa và hộp đựng trong nhiều thập kỷ.

Kapil Darbari, một nhân viên ngân hàng 42 tuổi, tích trữ toàn bộ các thiết bị hỏng trong suốt 20 năm. “Tôi lớn lên trong một gia đình trung lưu, việc sở hữu chiếc máy nghe nhạc Walkman rất xa xỉ. Tôi phải tiết kiệm rất lâu để mua, nên không muốn vứt bỏ khi chúng hỏng”, anh nói.

Không chỉ Walkman, Darbari giữ mọi thiết bị mà anh ấy từng sử dụng, từ máy nghe nhạc MP4 đến chiếc điện thoại nắp gập đầu tiên. “Vợ tôi không hài lòng vì chúng chiếm nhiều không gian sống. Nhưng có lúc thói quen tích trữ tỏ ra có ích, như khi tôi muốn nghe một bài hát không có sẵn ở định dạng kỹ thuật số “, anh cười.

Những người thích lưu trữ đồ bỏ đi Thông tin

Các món đồ điện tử được Kapil Darbari tích trữ trong 20 năm. Ảnh: Kapil Darbari

Đối với một số người, thói quen tích trữ khiến họ rơi vào tình huống éo le. Aashna Sharma, 25 tuổi, người sở hữu bộ sưu tập vỏ chai dầu gội đầu, dầu xả và mỹ phẩm là ví dụ.

“Tôi không thể vứt các vỏ chai sợ sẽ quên tên sản phẩm nếu muốn mua lại”, anh Aashna nói và cho biết đã nhét tất cả vào ngăn kéo cạnh giường. Nhưng chiếc tủ nhanh chóng bị nứt và vỡ do sức nặng của những món đồ. Dù vậy, việc phân loại và dọn dẹp với anh là một ác mộng.

Với một số người, giữ đồ cũ mang lại cảm giác thoải mái và an toàn. Nhưng số khác lại coi là cách giúp Trái Đất bớt rác thải. Đó là trường hợp của kỹ sư 26 tuổi Edwin Wilson. Anh cảm thấy khó khăn khi vứt bỏ những cục pin đã cạn, vì chứa các chất hóa học không tốt cho môi trường.

Kết quả là Wilson đang giữ hàng trăm cục pin cũ trong hộp nhựa. Thi thoảng, anh thử đem ra dùng lại và thấy chúng vẫn hoạt động. “Có thể nói chúng không hoàn toàn vô dụng”, anh bày tỏ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp tích trữ là một rối loạn sức khỏe, có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng như trầm cảm lâm sàng. Tích trữ khác với sưu tầm, khi mọi người sở hữu những thứ để chiêm ngưỡng hoặc trưng bày chúng ngay cả khi chúng không còn giá trị sử dụng.

Ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, nơi mọi gia đình nhét đầy đồ không dùng vào túi nilon to, tích trữ đồ đạc là xu hướng phổ biến. Và theo Kapoor, có một lý do sâu xa hơn.

“Hầu hết người Ấn Độ có tư tưởng khan hiếm (người dùng bị ám ảnh việc thiếu thứ gì đó đến mức không thể tập trung làm việc khác), bởi những sự kiện đau thương như chiến tranh và chia cắt. Điều đó khiến họ không thể loại bỏ mọi thứ, mà luôn cố gắng tìm giá trị của một món đồ cũ để lưu trữ”, ông nói.

Minh Phương (Theo VICE)

Hoa tiền