Địa điểm mới

Những người chọn sống độc thân

Địa điểm giải trí nhung-nguoi-chon-song-doc-than Những người chọn sống độc thân Thông tin

Trang Nhung không nhớ bao nhiêu lần người dì ruột giục bố mẹ cô kiểm tra tại sao cô cháu 35 tuổi mà chưa yêu ai, cũng chẳng có thấy có vẻ sốt ruột.

Nhung cảm nhận trong suy nghĩ của dì, cô đang sống rất khổ sở.

“Tôi cần bảo vệ bố mẹ nên liên tục nâng cấp hình ảnh bản thân bằng cách ăn mặc thật đẹp và mua đồ đắt tiền”, Trang Nhung nói. Cô giải thích mình làm vậy để mọi người thấy cuộc sống độc thân cũng rất tuyệt vời và bố mẹ cô cũng yên tâm rằng con gái đang sống tốt.

Sinh ra trong một gia đình có điều kiện kinh tế tốt ở TP Bắc Ninh, Nhung cũng được đánh giá là có ngoại hình ưa nhìn, công việc ổn định nên không ai tin đến giờ cô vẫn một mình. “Thậm chí có lần bố mẹ còn dò hỏi tôi có phải người đồng tính không”, cô kể.

Nhung nói cô “chẳng có gì trục trặc” từ cuộc sống cá nhân, công việc hay quan hệ xã hội, thậm chí cô còn đang thấy rất hạnh phúc nên không cần người đồng hành cả đời. Cuộc sống độc thân mang lại cho cô sự tự do, có nhiều thời gian gặp gỡ bạn bè, đi du lịch và chăm sóc bản thân. “Tại sao cứ phải đẩy bản thân vào cuộc phiêu lưu hôn nhân, nơi thói quen sinh hoạt, sở thích và chất lượng cuộc sống của bản thân sẽ bị thay đổi vì người khác”, Nhung lý luận.

Địa điểm giải trí anh-Nhung-1-2535-1645693726 Những người chọn sống độc thân Thông tin

Trang Nhung chụp ảnh lưu niệm tại khu di tích Điện Biên Phủ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cũng chọn cuộc sống độc thân để được tận hưởng tự do nhưng Mạnh Cường, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội không quan tâm đến đánh giá của người khác như Nhung. Từ nhiều năm trước, người đàn ông 40 tuổi này đã tuyên bố theo đuổi sự tự do, thay vì bị ràng buộc bởi cuộc sống gia đình, con cái.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhiều thế hệ làm giáo dục, ngay từ nhỏ Cường luôn cảm nhận cuộc đời mình là chuỗi những nhiệm vụ do người khác giao. “Tất cả đều đi trên con đường na ná nhau như phải đỗ đại học, kiếm việc làm, kết hôn, mua nhà mua xe, sinh con… như được lập trình. Như thế đâu còn là cuộc đời của tôi nữa?”, Cường nói. Anh khẳng định mình rất ổn ở thời điểm hiện tại và chọn không kết hôn để giải phóng bản thân khỏi sự lệ thuộc, hưởng thụ cuộc sống bằng tiền mình kiếm ra.

Trang Nhung hay Cường được cho là đại diện của xu hướng chủ động lựa chọn sống độc thân đang ngày càng phát triển trên khắp thế giới.

Theo nghiên cứu của tổ chức quốc tế Euromonitor (London, Anh), hiện có hơn 300 triệu người sống một mình trên toàn cầu, tăng khoảng 80% so với 15 năm trước. Tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thậm chí còn phát sinh khái niệm “nền kinh tế độc thân”, nơi hàng hóa, dịch vụ được thiết kế riêng để phục vụ các hộ gia đình một người.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người sống độc thân cũng đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 tăng lên 10,1% vào năm 2019, theo Tổng cục thống kê.

“Sống độc thân đã trở thành xu hướng mới, đại diện cho sự độc lập về kinh tế và tinh thần của một số người trẻ”, thạc sĩ Võ Minh Thành, giảng viên khoa Tâm lý Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ. Một nghiên cứu thực hiện năm 2012 bởi các nhà tâm lý học Đại học Thành phố San Diego và được Hiệp hội Tâm lý học Mỹ công bố, những người sinh ra trong thập niên 80 và 90 thường tự cho mình là trung tâm hơn so với thế hệ trước. Họ trân trọng chủ nghĩa cá nhân, biểu hiện lớn nhất là khát vọng sống cho mình. Nếu hôn nhân không thể cải thiện chất lượng cuộc sống, hoặc ảnh hưởng đến giá trị bản thân, họ sẽ không lựa chọn hôn nhân.

Theo ông Thành, ngoài lý do theo đuổi chủ nghĩa cá nhân, việc chưa tìm thấy đối tượng phù hợp, sợ trẻ con hay bị ám ảnh về hôn nhân không hạnh phúc cũng khiến nhiều người chọn độc thân.

Phương Linh, 36 tuổi, luôn từ chối mọi lời mai mối, các cuộc hẹn hò do người thân và bạn bè sắp đặt, bởi sợ sẽ có cuộc hôn nhân thảm họa như mẹ mình. Sau hơn chục năm làm việc tại Sài Gòn, cô mua được nhà nhưng chưa tính đến chuyện kết hôn và sinh con.

Cô có một gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly thân từ lâu. Chứng kiến những cuộc cãi vã như cơm bữa, những trận đòn roi vô cớ trút lên người sau mỗi lần bố mẹ xung đột, cô đã thề sẽ sống một mình khi lớn lên. “Sống không hạnh phúc thì kết hôn làm gì?”, Linh tự đặt câu hỏi.

Với Linh, cuộc sống hôn nhân chất lượng thấp không bằng một đời độc thân chất lượng cao. Cô cũng sợ trẻ con, sợ chúng đến gần hay rủ chơi cùng. Vài tháng trước bạn thân sinh, đến thăm, Linh phải ngồi tận cuối giường bởi ghét mùi sữa. “Không yêu trẻ con, tôi chẳng thể nuôi dạy chúng cho tốt, nếu có”, cô phân trần và cho rằng cuộc sống sẽ thoải mái và nhàn nhã nếu không xuất hiện những đứa trẻ.

Từng tham dự nhiều đám cưới, nhưng chưa bao giờ Linh thấy trân trọng hay xúc động, bởi cho rằng ở đó, “nhân vật chính thì diễn, còn khách chỉ cắm mặt vào ăn”.

Dù vậy, cô gái này không chìm đắm vào thế giới riêng mà vẫn có mối liên hệ chặt chẽ với bạn bè. Theo Linh, điều đáng sợ nhất khi độc thân là đánh mất kết nối với xã hội, điều này khiến con người rơi vào trạng thái cô đơn cùng cực.

Địa điểm giải trí anh-nhung-33-9651-1645693726 Những người chọn sống độc thân Thông tin

Phương Linh trong một chuyến du lịch đến Phú Yên, tháng 6/2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo thạc sĩ Võ Minh Thành, không thể coi cuộc đời có hôn nhân mới là thành công hay độc thân là thất bại và ngược lại. Nếu ở thời điểm hiện tại, những người độc thân đang hạnh phúc với sự lựa chọn của họ thì nên trân trọng điều đó. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự phát triển lâu dài của xã hội thì có những hệ lụy sẽ xảy ra.

“Điều này sẽ làm mất cân bằng cơ cấu lao động trong xã hội. Cái tôi phát triển quá mạnh cũng dẫn đến những ứng xử thiếu tính tương tác, lệ thuộc vào phương tiện ảo và dần đánh rơi giá trị thật”, ông Thành phân tích.

Theo vị chuyên gia này, cần suy nghĩ kỹ về giá trị đích thực của cuộc đời mà mỗi người muốn hướng đến. Tích cực trải nghiệm, khám phá những giá trị tốt đẹp khác của mình cũng như mọi người. Không nên chỉ nhìn những tiêu cực của xã hội mà đánh đồng tất cả. Sự chân thành, chia sẻ và yêu thương lúc nào cũng được đền đáp xứng đáng.

Thừa nhận độc thân hay kết hôn đều có cái được và mất, Mạnh Cường khẳng định, tùy tính cách mà mỗi người có lựa chọn riêng. “Nên chọn điều mà bản thân cảm thấy phù hợp và sẵn sàng chấp nhận kết quả. Hiện tại thì độc thân là sự lựa chọn tốt nhất cho tôi”, anh nói.

Cường chia sẻ thêm, anh coi hôn nhân là một điều thiêng liêng và tốt đẹp. Bởi vậy, việc này chỉ nên được tiến hành khi người ta tin rằng bản thân có sự lựa chọn đúng đắn, có trách nhiệm với cuộc đời mình và bạn đời.

Nhung cũng đồng tình với quan điểm này. Dù nhận nhiều chỉ trích “ích kỷ”, “thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội” từ bố mẹ, họ hàng… nhưng cô vẫn vui với cuộc sống hiện tại. Cô gái này rất tâm đắc câu: “Người ta có thể lấy đi của một người mọi thứ, chỉ trừ một điều: sự tự do. Tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất cứ hoàn cảnh nào và tự do lựa chọn hướng đi của mình”, từ cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” của Viktor E. Frankl.

“Dù độc thân, tôi vẫn đang làm việc, vẫn cống hiến đóng góp cho xã hội và phụng dưỡng cha mẹ. Đó là những điều tích cực, vậy ích kỷ ở chỗ nào?”, Nhung nói và kiên quyết không vì miệng lưỡi thế gian mà làm khổ đời mình, khổ người khác khi bản thân không sẵn sàng để lập gia đình.

Hải Hiền

*Tên một số nhân vật đã thay đổi