Quảng NamCảng vụ, biên phòng kiểm tra quy trình đưa đón khách, tàu chỉ được ra khơi khi khách mặc áo phao, gió biển dưới cấp 6.
Anh Nguyễn Quốc Huy, 33 tuổi, trú tại Đà Nẵng, hướng dẫn viên đưa khách đi Cù Lao Chàm cùng ngày vụ chìm ca nô khiến 17 người tử nạn, cho biết phải qua nhiều khâu kiểm tra, tour mới được khởi hành.
Anh Huy khẳng định để được đi tour Cù Lao Chàm, điều kiện rất khắt khe. Trước một ngày, hướng dẫn viên xem thời tiết để dặn khách chuẩn bị tư trang. Các đoàn tổ chức bởi công ty du lịch thì đều phải gửi danh sách về ban quản lý, cụ thể tới cả ngày tháng năm sinh, dự kiến xuất phát mấy giờ. Từ danh sách đó khi qua cổng, ban quản lý mới cấp đúng số thẻ từ để đến cảng.
“Trước khi khởi hành, bên tổ chức tour du lịch sẽ hỏi biên phòng có cho tàu chạy hay không. Có ngày dù đất liền nắng chói chang mà dự báo có mưa giông vào trưa chiều thì vẫn không được lệnh xuất bến. Chiều ngược lại cũng vậy, cần xin lệnh của cảng vụ và biên phòng trước khi đưa khách ra, nếu không đủ điều kiện phải nghỉ đêm trên đảo. Ngay khi lên thuyền, du khách sẽ được phát áo phao, nếu ai không mặc thì lực lượng kiểm tra sẽ không cho xuất bến”, anh Huy nói thêm.
Là một doanh nghiệp du lịch có 7 ca nô chở khách, bà Hường, Giám đốc Hoi An Green Travel, cho biết từ năm 2002 khi Cù Lao Chàm đi vào khai thác du lịch với tàu thuyền hoang sơ, là một trong những doanh nghiệp đời đầu, bà chưa từng chứng kiến vụ việc nghiêm trọng như vậy. Tới nay, có khoảng 40 doanh nghiệp đang khai thác tour Cù Lao Chàm theo hai hình thức hợp tác với công ty lữ hành khác hoặc tổ chức đón khách lẻ. Và bà Hường khẳng định “Không một thuyền nào có thể xuất bến mà không qua kiểm tra, đăng ký”.
Công ty bà Hường từ khi nhận khách tổ chức tour phải qua nhiều khâu khắt khe. Sau khi làm hợp đồng, công ty mua hai bảo hiểm dân sự và du lịch, để đảm bảo tài sản cá nhân, an toàn hành khách. Sau đó cần làm danh sách, in 5 liên đầy đủ thông tin từng hành khách nộp cảng vụ, biên phòng, ban quản lý bến thuyền, trạm kiểm soát Cù Lao Chàm khi đi qua. Công ty chỉ giữ một liên để lưu thông tin.
Trước khi đi, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra số lượng khách, đảm bảo mặc áo phao toàn bộ. Ngoài ra mỗi thuyền có 3 thuyền viên, phải đầy đủ bằng lái đảm bảo điều kiện an toàn trên biển; thuyền cần có hồ sơ đăng kiểm, bảo hiểm, giấy tờ khác. Đặc biệt khi thời tiết xấu, theo quy định gió từ cấp 5 trở lên, thuyền không được xuất bến.
Năm 2020, cục đăng kiểm có hướng dẫn, yêu cầu các phương tiện phải đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật để hoạt động. Các tàu nhỏ dần bị loại bỏ, doanh nghiệp phải hoán cải hoặc đóng mới. Chi phí hoán cải một chiếc tàu ở công ty bà Hường khoảng 2 tỷ đồng.
“Sự việc xảy ra quá đau xót cho nạn nhân. Về phía người phục vụ như chúng tôi không ai mong muốn việc này xảy ra, không thể bất chấp đánh đổi tài sản và tính mạng du khách, nên tôi cho rằng vụ việc là bất khả kháng”, bà Hường nói.
Khoảng 14h ngày 26/2, ca nô Phương Đông 05 chở 39 người (gồm 36 khách du lịch đến từ Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, một lái ca nô, hai phục vụ) từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại. Cách bờ khoảng 3 km, ca nô lật, làm 17 người chết, còn lại được cứu sống. Chủ tịch TP Hội An đánh giá đây là vụ chìm ca nô làm nhiều người tử nạn nhất từ trước đến nay ở biển Cửa Đại.
Lan Hương