Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Những người bị tịch thu lương

Địa điểm giải trí nhung-nguoi-bi-tich-thu-luong Những người bị tịch thu lương Thông tin
Rate this post

Đang du học ở Anh nhưng hàng ngày chi tiêu những gì, dù là mua con cá, mớ rau chị Nguyễn Minh Thùy đều phải thống kê đầy đủ, gửi cho chồng ở Việt Nam.

“Em tiêu gì cứ lên danh sách, anh chuyển tiền từng ngày”, anh Đức, chồng chị chốt trước khi vợ lên máy bay.

Ngay từ những ngày mới cưới, anh Đức đã tuyên bố thu nhập của anh để dành đầu tư, tiết kiệm, tiền lương của chị để lo mọi chi tiêu trong gia đình.

“Chưa bao giờ cuối tháng anh đưa vợ một đồng trong khi mọi khoản lớn nhỏ trong nhà đều khoán trắng cho tôi”, chị Thùy, 35 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội nói. Trách móc chán rồi nhờ bạn chung góp ý nhưng mỗi năm anh Đức chỉ đưa cho vợ được hai lần tiền sinh hoạt.

Năm 2017, chị được công ty cử sang Anh tu nghiệp. Thùy chớp luôn cơ hội với hy vọng chồng ở nhà tự xoay sở và thấu hiểu cảnh lo cơm áo gạo tiền mỗi ngày. Nhưng anh Đức chỉ đồng ý cho vợ đi với điều kiện để tài khoản nhận lương hàng tháng cho chồng. Vậy là dù ở cách nhau gần nửa vòng trái đất, từng món đồ dùng cá nhân, từng bữa cơm ăn gì, chị cũng phải liệt kê rõ để báo cáo chồng.

Ba tháng sau khi ra nước ngoài, chị Thùy có buổi liên hoan cùng bạn học nên xin chồng chuyển thêm một khoản. Anh Đức bảo vì phải chăm con nên thu nhập của anh giảm sút trong khi chị không biết tích lũy cho gia đình còn thích hoang phí. Thùy đành âm thầm vay tiền đồng nghiệp, hẹn về nước trả. Chuyện đến tai chồng, chị bị mắng xối xả, dọa ly hôn.

Một tuần sau đó, anh Đức không gửi tiền để vợ chi tiêu nữa. Biết chẳng thể lay chuyển được chồng, chị Thùy tìm việc làm thêm để chủ động cuộc sống thì bị anh lăng mạ, chì chiết. Chị Thùy nhân nhượng làm hòa, ngoan ngoãn trở về làm kẻ phụ thuộc như trước đây.

Địa điểm giải trí Nop-luong-7673-1649356392 Những người bị tịch thu lương Thông tin

Ảnh minh họa.

“Đây là một ví dụ điển hình của bạo hành kinh tế, một trong những hình thức của bạo lực gia đình”, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định và cho biết thêm, bạo lực kinh tế tuy không phổ biến nhưng có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội hiện đại.

Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, của quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, 21% phụ nữ từng bị chồng bạo lực kinh tế trong đời và 12% đang phải gánh chịu ở hiện tại.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từng tiến hành một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phụ nữ từng bị bạo lực về tinh thần là 47,2%; bạo lực về thể chất chiếm 7,3%; bạo lực về tình dục 4,2%; bạo lực về kinh tế là 1,8%.

Luật pháp đã có những quy định cụ thể về hình thức bạo lực gia đình này. Đó là hành vi khi người chồng/vợ trong gia đình từ chối đưa tiền hoặc đóng góp tài chính cho người kia như một hình phạt; quản lý chặt chẽ toàn bộ thu nhập của bạn đời; sử dụng tiền hoặc vật chất để kiểm soát… Tuy vậy, Nghị định ra đời năm 2013 chỉ quy định phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng. “Điều khoản này thậm chí còn bị loại bỏ trong Nghị định ra đời năm 2021”, luật sư Thái cho biết.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (TP HCM) cho hay, dù chưa có thống kê chính thức nhưng trên thực tế, đàn ông cũng có thể là nạn nhân của bạo lực kinh tế trong gia đình, mặc dù tỷ lệ thấp hơn so với nữ.

Trong một khảo sát của VnExpress với hơn 1.000 độc giả, 50% cho biết đưa toàn bộ lương cho vợ, chỉ “xin” lại một phần chi tiêu.

Anh Trần Trọng Hùng, 57 tuổi, ở Hải Dương cũng chọn phương án đưa lương cho vợ. Có điều, anh than thở là việc “xin” lại chưa bao giờ dễ dàng. Hơn 20 năm hôn nhân, anh thấy mình như “cái xác chờ chôn” vì lúc nào cũng bị vợ kiểm soát từng đồng.

Người đàn ông công chức có thu nhập hơn 10 triệu đồng. Còn chị Tiến, vợ anh buôn bán nhỏ. Nhận mình là người không quá coi trọng tiền bạc, khi cưới nhau về, anh Hùng giao hết lương cho vợ. Nhưng chị Tiến kiểm soát chi tiêu của chồng gắt gao. “Đưa 10 đồng mà tháng nào cũng rút 9 đồng”, chị cáu bẳn khi anh muốn “xin” tiền đi đám hiếu, hỉ.

Tiền tích lũy từ buôn bán và lương, chị dồn tiền mua đất, xây phòng trọ cho thuê. Chị đứng tên sổ đỏ, khoản thu từ tiền trọ cũng giữ riêng. Nghĩ vợ muốn vun vén cho gia đình mới nặng nhẹ chuyện chi tiêu nên anh Hùng chỉ buồn chứ không giận.

Nhưng Tết đến, sau khi nhận lương, anh Hùng trích hơn một triệu đồng mua quà Tết biếu bố mẹ. Chị Tiến vùng vằng, hất cả mâm cơm. “Từ nay tiền đứa nào đứa ấy tiêu, chỉ góp tiền ăn với nuôi con là được”, chị vợ tuyên bố. Anh Hùng đồng ý ngay. Tuy nhiên, cứ đến ngày chồng lấy lương, chị Tiến lại đưa ra một bản “sao kê” đủ các khoản: từ ăn, học của con đến tiền giấy vệ sinh… sao cho vừa hết khoản lương của chồng. “Người ta bảo chín tầng địa ngục, nhưng tiền vào tay vợ tôi thì phải ở tầng thứ 10, vào được nhưng không ra được”, anh thở dài.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, bạo lực kinh tế khiến nạn nhân thấy yếu thế, cảm giác bị tổn thương, bức bối và không được coi trọng. Để giải tỏa bức bối, nhiều bà vợ, ông chồng chọn cách lập quỹ đen. Lúc đó, họ phải giấu giếm, ngờ vực nhau, khiến niềm tin dành cho đối phương không còn.

Khi về nước, chị Minh Thùy âm thầm lập một tài khoản ngân hàng và sắm một điện thoại khác, chỉ để ở tủ cá nhân công ty. Các khoản thu nhập bên ngoài và thưởng đột xuất, chị đề nghị chuyển vào tài khoản bí mật để có thêm chút tiền chi tiêu. Chị cũng muốn dành một khoản phòng thân vì tình yêu dành cho chồng đã biến thành nỗi sợ bị kiểm soát.

Ngồi với hội bạn ở quán bia, Trần Anh Dũng, 37 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội phá lên cười khi biết người nào cũng có quỹ đen. “Không có quỹ đen thì sống làm sao được”, họ kết luận.

Anh Dũng và vợ dùng chung một tài khoản ngân hàng, do vợ giữ. Từ quần áo, giày dép, biếu xén nội ngoại đến quà đi ngoại giao cho chồng đều do chị quyết định. “Có người lo hết cho cũng sướng nhưng nhiều lúc tôi thấy mình như con của vợ”, anh nói. Chiều chồng nhưng khoản cà phê, nhậu với bạn thân tháng một lần chị kiên quyết không chi.

Anh Dũng cho biết, mối quan hệ xã hội và cơ hội nghề nghiệp của anh dần thu hẹp. Năm năm bị vợ kìm kẹp, anh nhân viên kinh doanh chỉ có kênh bán hàng duy nhất là mạng xã hội. Vợ anh cho rằng “hợp đồng trên bàn nhậu” chỉ là cái cớ để đàn ông rượu chè. “Tháng nào doanh số của tôi cũng lẹt đẹt nhất phòng, còn vợ thì trách sao làm mãi không lên lương”, Dũng nói.

Có lần đám bạn đại học tụ tập, đến lúc trả tiền, anh Dũng ngồi im re. Về nhà, anh năn nỉ mãi vợ mới chịu chi tiền chuyển khoản cho bạn. Sau vài lần như vậy, anh Dũng cắt liên lạc với bạn bè. Sau đợt ấy, tiền làm thêm giờ thay vì chuyển hết vào tài khoản chung, anh chỉ rót vào một nửa. “Vợ nhiều lần cũng gây sự nhưng tôi kệ. Tôi có phải tù nhân đâu mà kiểm soát. Không chịu được nhau nữa thì ly hôn”, anh nói.

Chị Nguyễn Bích Thủy, vợ anh Dũng cho biết, chị chưa từng nghĩ hành động của mình là kiểm soát chồng. Năm năm vợ chồng, chị sinh hai đứa con, nhưng lương anh không lên một đồng. “Tôi phải lo cơm áo, bố mẹ ốm yếu, lại còn phải lo tiền nhậu cho chồng, sao không điên”, người phụ nữ lý giải.

Dù đã được quy định trong luật, nhưng luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng sẽ rất khó xử lý bởi bạo lực kinh tế vẫn là câu chuyện của một gia đình, chỉ đóng cửa bảo nhau chứ chẳng mấy ai kiện vợ, chồng mình. Có điều, chính những mâu thuẫn tích tụ vì bị kiểm soát đã thành “mồ chôn hôn nhân”. Trong số vụ ly hôn ông Thái giải quyết năm 2021, có tới 20% chia tay vì bị vợ hoặc chồng bạo lực kinh tế.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm cho rằng, trong gia đình, vợ hay chồng “tay hòm chìa khóa” đều được, miễn biết tính toán và giúp kinh tế gia đình đi lên. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu sống chung, vợ chồng nên trao đổi thẳng thắn và cởi mở về tài chính, thống nhất các khoản thu, chi. Trong trường hợp cần phải siết chặt chi tiêu vì mục tiêu chung, cần thống nhất với vợ/chồng để không khiến đối phương cảm thấy bị kiểm soát.

Anh Trần Trọng Hùng, người đàn ông bị vợ lên danh sách để vét hết tiền lương không đủ dũng khí vùng lên, nhưng không còn chung giường với vợ chục năm nay. Gần đây, anh quen một phụ nữ góa bụa khi đi tập thể dục. Cả hai nảy sinh tình cảm. Anh Hùng muốn khi con cái lập gia đình sẽ ly hôn để sống cho mình.

Về phần chị Minh Thùy, nghĩ đến các con, chị chấp nhận sống dưới sự kiểm soát của chồng, dẫu ngấm ngầm phát triển quỹ đen. “Nếu mọi việc vỡ lỡ, tôi không tiếc hôn nhân, chỉ tiếc không giữ được một mái ấm trọn vẹn cho các con”, chị nói.

Phạm Nga

Hoa tiền