Bắt đầu từ 1/4, hệ thống bảo hiểm y tế công của Nhật Bản sẽ trả 70% chi phí cho các phương pháp điều trị hiếm muộn.
Trước đó, toàn bộ chi phí cho một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là hơn 500.000 yên (gần 100 triệu đồng), cao hơn thu nhập trung bình hàng tháng của một hộ gia đình Nhật Bản.
Bác sĩ Atsushi Tanaka, giám đốc phòng khám Saint Mother ở Kita Kyushu, miền nam Nhật Bản, hy vọng phòng khám của mình sẽ có nhiều bệnh nhân hơn. “Tôi nghĩ rằng sẽ có một đợi bùng nổ bệnh nhân”, ông nói và ước tính số ca thụ tinh ống nghiệm trên toàn quốc có thể tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, Tanaka và các chuyên gia khác nói rằng chính sách mới sẽ không đủ để đảo ngược tình trạng suy giảm dân số của Nhật. Bởi lẽ bệnh nhân vẫn phải đối mặt với chi phí đáng kể khác, ví như sàng lọc di truyền và sử dụng trứng/tinh trùng của người hiến tặng.
“Số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm trong những năm tới, chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa”, Tanaka nói.
Hiện Nhật Bản là nước tiên phong trên thế giới chi trả cho hầu hết các chi phí hỗ trợ sinh sản. Quốc gia này vốn đã là một trong những nước có số lượng phụ nữ sử dụng IVF lớn nhất thế giới, với 7% trẻ sinh ra trong ống nghiệm so với 2% ở Mỹ vào năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh của Nhật Bản vẫn dao động quanh mức 1,3 – thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2,1 mà Tổ chức hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho là cần thiết để duy trì mức dân số ổn định.
Trong thập kỷ qua, Nhật Bản đã trợ cấp tài chính cho nhà trẻ và trợ cấp hàng tháng cho các gia đình có trẻ em. Chính sách nghỉ việc chăm con của Nhật được coi là hào phóng nhất trên thế giới khi cho các ông bố nghỉ bốn tuần, mặc dù rất ít người tận dụng hết. Chính phủ còn cung cấp một số hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng có thu nhập thấp đang điều trị hiếm muộn, nhưng thay đổi mới nhất nhằm mục đích cung cấp khả năng tiếp cận rộng rãi hơn cho số đông dân số muốn IVF.
“Thật tốt khi vì chính sách này sẽ mang cơ hội cho người ở độ tuổi 30 cần điều trị IVF nhưng chưa có tiền”, chị Yuko Imamura, nhân viên tại Viện Y tế và Chính sách Toàn cầu, trụ sở tại Tokyo, cho biết. Yuki Yano và chồng đã cố gắng thụ thai trong vài năm, nhưng chưa làm IVF vì quá tốn kém. Ngay cả khi có bảo hiểm, họ vẫn tốn 150.000 yên mỗi chu kỳ điều trị. “Vì để có con mà chúng tôi hầu như không đủ sống”, người phụ nữ 31 tuổi nói.
Hiện tại, cô đang sử dụng một loại thuốc giúp kích thích rụng trứng. Kể từ khi bị mang thai ngoài tử cung buộc phải cắt bỏ một ống dẫn trứng, cô luôn cảm thấy căng thẳng trên hành trình kiếm con, đặc biệt là khi làm nghề lái xe tải đường dài, thường vắng nhà trong những thời điểm dễ thụ thai.
Để trả cho bảo hiểm mới, chính phủ đã dành 17,4 tỷ yên trong ngân sách. Song nhiều phụ nữ nói rằng vấn đề không chỉ là chi phí. Một nghiên cứu gần đây của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo cho thấy phần lớn phụ nữ nước này nghĩ rằng không thể vừa điều trị sinh sản vừa đi làm.
Megumi Takai, 33 tuổi, dự định sẽ sớm rời bỏ công việc văn phòng toàn thời gian chuyển sang làm bán thời gian để tập trung hơn vào điều trị hiếm muộn. Nhiều phụ nữ như cô đã không có thời gian để đi gặp bác sĩ trong khi vẫn phải làm việc. “Tôi ước gì xã hội ủng hộ điều này nhiều hơn”, cô nói.
Bảo Nhiên (Theo Bloomberg)